Dòng tiền tỷ đô từ rác thải

Phạm Sơn - 14:00, 19/11/2023

TheLEADERDoanh nghiệp Việt hợp lực biến rác thải thành tài nguyên.

Dòng tiền tỷ đô từ rác thải
Công nghệ tái chế hiện đại sẽ giúp kiếm hàng tỷ đô từ rác thải. Ảnh minh họa

Đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng nhà máy nhựa tái chế tại tỉnh Long An đối với Nhựa tái chế Duy Tân không chỉ là trách nhiệm của những doanh nhân, chuyên gia có gần 40 năm kinh nghiệm sản xuất nhựa, mà còn để tận dụng cơ hội lớn.

“Đó chính là cơ hội kinh doanh”, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Nhựa tái chế Duy Tân, nói tại một hội thảo do báo Đầu tư tổ chức mới đây.

Lý giải cho nhận định này, ông Lê Anh cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang quản lý chất thải theo quan điểm “rác thải có thể trở thành tài nguyên nếu được xử lý đúng cách”.

Tuy nhiên, chỉ tái chế thì chưa thể gọi là “xử lý đúng cách”. Theo ông Lê Anh, để thực sự trở thành một công đoạn của mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế cần phải đảm bảo được chất lượng đầu ra, đồng thời không tạo ra khí thải, nước thải gây hại tới môi trường.

Thấm nhuần tư tưởng đó, Nhựa tái chế Duy Tân sử dụng công nghệ tái chế “chai ra chai” (bottle to bottle) đến từ châu Âu để mỗi chai nhựa qua sử dụng được xử lý thành các hạt nhựa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn dùng trong thực phẩm.

Đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất trên thế giới như FDA, EFSA, hạt nhựa của Nhựa tái chế Duy Tân không chỉ bán cho các ông lớn ngành hàng tiêu dùng nhanh trong nước mà còn xuất khẩu sang hơn 12 thị trường trên thế giới, bao gồm những thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Sở hữu công nghệ tối ưu nhưng hoạt động tái chế vẫn còn vấp phải không ít thách thức. Ông Lê Anh cho biết, hiện tại, chỉ có khoảng 50% rác nhựa thu gom được doanh nghiệp này biến thành hạt nhựa chất lượng cao, số còn lại phải xử lý thành những sản phẩm chất lượng thấp hơn do không đảm bảo tiêu chuẩn đầu vào.

Bên cạnh đó, một thách thức khác cũng được nhiều nhà tái chế chỉ ra là thị trường tiêu thụ của vật liệu tái sinh. 

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, đánh giá, thị trường tiêu thụ được xem như “đầu kéo” của ngành tái chế bởi nếu không có thị trường, các nhà tái chế không thể tạo ra dòng tiền để duy trì hoạt động.

Ý thức được tầm quan trọng cũng như thách thức ngành công nghiệp tái chế phải đối diện, một đối tác thân thiết của Nhựa tái chế Duy Tân và VietCycle là Unilever Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều sáng kiến để đồng hành cùng các nhà tái chế giải quyết những thách thức đó.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho biết, nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững là một trong những giải pháp kinh tế tuần hoàn được Unilever Việt Nam tập trung triển khai, thông qua cắt giảm nhựa nguyên sinh, tăng cường sử dụng bao bì làm từ nhựa tái sinh.

Tính đến hiện tại, Unilever Việt Nam đã cắt giảm được 52% lượng nhựa nguyên sinh nhờ vào chuyển sang nhựa tái chế hoặc cắt giảm trực tiếp. Bên cạnh đó, 63% bao bì của Unilever có khả năng tái chế hoặc phân hủy, giúp việc xử lý rác thải sau tiêu dùng được hiệu quả hơn.

Hợp tác biến rác thành tài nguyên 1
Những nữ lao động hành nghề ve chai, đồng nát thuộc chương trình Hồi sinh rác thải nhựa do VietCycle và Unilever triển khai thực hiện

Đối với bài toán đầu vào cho ngành tái chế, Unilever Việt Nam phối hợp với VietCycle triển khai chương trình "hồi sinh rác thải nhựa" với những hoạt động như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ những người hành nghề đồng nát ve chai để thu gom phế liệu hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao sinh kế và điều kiện lao động của nhóm lao động này.

Sau gần 3 năm triển khai chương trình, đã có hơn 2.500 người thu gom ve chai, đồng nát Unilever Việt Nam và VietCycle tiếp cận được. 

Chương trình cũng thu gom, phân loại được hơn 20 nghìn tấn nhựa và thành lập hơn 150 cơ sở thu gom phế liệu.

Bên cạnh đó, tận dụng thế mạnh là một “ông lớn” ngành hàng tiêu dùng nhanh, Unilever cũng triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, giáo dục về phân loại rác thải tại nguồn, tiếp cận được hơn 12 triệu người tiêu dùng.

Bà Vân cho biết, không chỉ dừng lại ở Unilever mà nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang đưa ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hướng đến thúc đẩy tái chế, kinh tế tuần hoàn.

Chủ tịch Unilever Việt Nam khẳng định, bên cạnh việc cam kết, đầu tư một cách bài bản và nghiêm túc, rất cần có sự hợp tác từ nhiều bên liên quan để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp Việt Nam vượt qua thách thức về ô nhiễm và tận dụng những cơ hội mới.