Giấy phép con: Cố tình hành doanh nghiệp để kiếm 'phí bôi trơn'

An Chi - 08:00, 01/09/2017

TheLEADERGiấy phép con được sinh ra để làm lợi cho một số đơn vị, các cơ quan quản lý có lợi nên mới đề ra điều kiện, nếu mở cửa hết ra thì họ sẽ không được lợi gì cả, Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc Công ty CP Nghệ thuật quốc tế AZ chia sẻ.

Giấy phép con: Cố tình hành doanh nghiệp để kiếm 'phí bôi trơn'
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc Công ty CP Nghệ thuật quốc tế AZ

LTS: "Giấy phép con" lâu nay luôn là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Tiến trình loại bỏ giấy phép con đã được Chính phủ triển khai nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi. Cứ loại bỏ được loại này thì loại khác lại hình thành. Cộng đồng đã đúc kết và chỉ rõ các nguyên nhân chính của tình trạng này là tư duy quản lý "quản không được thì cấm" và lợi ích ẩn chứa phía sau giấy phép con tác động làm thiên lệch chính sách...

Trong năm 2016, Chính phủ đã ký ban hành hàng loạt các chính sách mà qua đó hơn 3000 giấy phép con được loại bỏ. Ngày 22/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất bỏ tiếp 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh. Đây là một sự kiện rất ý nghĩa mang tính khích lệ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ về tạo lập môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi.

Nhân sự kiện này, Ban biên tập TheLEADER thực hiện Chuyên đề: Giấy phép con có còn là “đầu Phạm Nhan”?, với sự tham gia đóng góp ý kiến, phân tích, bình luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, với mục tiêu góp phần làm rõ hiện trạng, nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp hữu ích để loại bỏ được cơ bản tình trạng giấy phép con đang rất nhức nhối trong hoạt động kinh doanh trong nước hiện nay.

TheLEADER đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc Công ty CP Nghệ thuật quốc tế AZ xung quanh vấn đề này.

Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dệt may, ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp mình khi đi xin giấy phép con?

Ông Nguyễn Khắc Hiếu: Để xuất khẩu, với ngành may như Công ty CP Nghệ thuật quốc tế AZ phải xin giấy phép kiểm định chất lượng, và làm thủ tục tờ khai hải quan. Nếu đúng theo quy trình, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi quá trình kiểm định chất lượng mất khoảng hơn 1 tuần, việc xin tờ khai hải quan và xin C/O mất từ 3 – 5 ngày, với nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp, đi lại nhiều lần.

Đó là chưa kể đến việc hàng hóa chuyển đi xuất khẩu nếu có những điểm chưa “chuẩn chỉ” với những gì doanh nghiệp khai, khi bị phát hiện thì sẽ rất phức tạp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đã có "kinh nghiệm" trong việc giải quyết những vấn đề này. Với những giấy phép con như vậy, doanh nghiệp "lách" được bằng cách sử dụng các đội dịch vụ cấp giấy chuyên nghiệp, họ sẽ lo mọi thủ tục cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công ty cũng lên kế hoạch từ trước khi xuất hàng để không làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giao hàng cho đối tác. Do vậy, chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều như các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Bởi với các mặt hàng tươi sống nhập về hay xuất đi nước ngoài mà phải xin đủ các loại giấy phép như vậy thì sẽ rất dễ dấn đến rủi ro cho doanh nghiệp.

Đương nhiên là để làm được việc này, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều chi phí ngoài. Từ đó, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu phải đội quá nhiều chi phí ngoài sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông có thể cho biết việc có quá nhiều điều kiện kinh doanh đã và đang gây những khó khăn như thế nào đối với doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Khắc Hiếu: Hàng loạt các giấy phép con như hiện nay đã khiến việc tự do kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế rất nhiều. Doanh nghiệp muốn làm cái này phải có giấy tờ này, điều kiện kia… trong khi đó, tất cả đều đã được quy định rõ trong giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Vậy tại sao các cơ quan quản lý Nhà nước không quy định “điều kiện con” đó ngay từ đầu trong giấy phép kinh doanh để doanh nghiệp biết được những gì họ được làm và không được làm, đỡ mất thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh rồi mà vẫn phải xin giấy phép con thì rất vô lý.

Chúng ta muốn phát triển đất nước, chúng ta phải đẩy mạnh mọi mặt về kinh doanh nói chung và của khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng chứ không phải tìm mọi cách để kìm kẹp, gây khó khăn, cản trở như cách mà bộ ban ngành hiện nay đang làm.

Do đó, tôi cho rằng, việc Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất cắt giảm gần 2.000 giấy phép con cho doanh nghiệp là việc làm rất đáng hoan nghênh, tạo động lực rất lớn cho doanh nghiệp. Nếu thực hiện được đề xuất này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, kích thích kinh doanh của doanh nghiệp đi lên. 

Qua đó, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Khi mọi tầng lớp kinh doanh đều có cơ hội phát triển, không vướng phải những rào cản như trước đây, nền kinh tế sẽ năng động hơn rất nhiều.

Trước đó, từ năm 2001, tiến trình loại bỏ các giấy phép con đã dần được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi hàng trăm giấy phép con được định danh và loại bỏ thì chỉ một thời gian ngắn sau các điều kiện kinh doanh khác lại xuất hiện. Theo ông, nguyên nhân của thực trạng này là gì?

Ông Nguyễn Khắc Hiếu: Nguyên nhân của giấy phép con bắt nguồn từ nhóm lợi ích. Thứ nhất là do chức năng quản lý của cơ quan tạo ra giấy phéo đó còn yếu kém. Họ không đủ năng lực để quản lý nên họ đề ra giấy phép con để hạn chế bớt doanh nghiệp tham gia. Họ không có tư duy, suy nghĩ làm thế nào để quản lý được nên họ cấm hoặc hạn chế để không phải quản lý,

Thứ hai, giấy phép con được sinh ra để làm lợi cho một số đơn vị đề ra giấy phép con. Các cơ quan quản lý có lợi nên mới đề ra. Bởi nếu mở "cửa hết" ra thì họ sẽ không được lợi gì cả. 

Câu chuyện của AZ ở trên là một ví dụ. Cơ chế ở đây là thắt lại chỗ này để chỗ khác phình ra, hưởng lợi.  Ban hành giấy phép con là để muốn vượt qua giấy phép đó, doanh nghiệp phải mất tiền.

Giấy phéo con gắn quá chặt với lợi ích của các cơ quan tạo ra nó, do đó, tôi cho rằng, để thực hiện việc hỏ hàng loạt giấy phép con như đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư cần sự đồng thuận rất lớn của các cơ quan bộ ngành. Nhà nước cần biết lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp. Từ đó, rà soát lại tất cả giấy phép ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp chứ không thể chỉ làm cho có, hô hào rầm rộ rồi để đấy, một thời gian sau hàng loạt giấy phép con khác lại xuất hiện...

Cuối cùng, chỉ doanh nghiệp là ngày càng khó khăn do phải gánh quá nhiều các loại chi phí, chi phí ngoài, chi phí bôi trơn, phí đi cửa sau… trong khi đó, việc kinh doanh ngày càng thắt chặt.

Xin cám ơn ông!