Lạm phát đầu năm tăng chủ yếu do giá điện tăng

Nhật Hạ - 16:30, 29/01/2024

TheLEADERGiá điện sinh hoạt tăng 1,3% so với tháng trước đã góp phần lớn vào mức tăng chi phí sinh hoạt trong tháng đầu năm nay của người dân.

Giá điện sinh hoạt, giá gạo và giá dịch vụ y tế cùng nhau tăng mạnh là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu năm 2024 tăng 0,31% so với tháng trước đó, theo Tổng cục Thống kê. 

Lạm phát đầu năm tăng chủ yếu do giá điện tăng

Mặc dù vậy, so với mức tăng tháng 1 của giai đoạn 5 năm qua, 0,31% là mức tăng trung bình.

Cụ thể, tháng đầu năm nay có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng giảm.

Lạm phát đầu năm tăng chủ yếu do giá điện tăng 1

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm). Trong đó nổi bật là giá dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng gần 1,7% do áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng ít hơn 0,56%, nhưng lại tác động lớn nhất vào chỉ số chính khi CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm. Điều này chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 1,3% so với tháng trước; bên cạnh đó là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và chi phí sửa chữa nhà ở tăng khoảng 0,3-0,53%.

Mặc dù chỉ tăng nhẹ 0,21% trong tháng đầu năm nay, nhưng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm, chỉ sau nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Đáng chú ý trong đó, giá gạo trong nước tăng 2,36% theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia. Cụ thể, gạo tẻ thường tăng 2,5%; gạo tẻ ngon tăng 2% và gạo nếp tăng 1,7%

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá chỉ tăng thấp hơn 0,5%.

So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng đầu năm nay tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 2,72%.

Áp lực không quá lớn, lạm phát năm 2024 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục thấp hơn mục tiêu 4 – 4,5% do Quốc hội thông qua. Nhiều tổ chức quốc tế như ADB, IMF cũng nhận định lạm phát trong khoảng 3-4%.