M&A và chuyện “cá lớn nuốt cá bé” và “cá nhanh nuốt cá chậm”

Ngô Huệ - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERPhần lớn các cuộc thâu tóm thương hiệu Việt của nhà đầu tư nước ngoài thời gian gần đây đều đến từ Thái Lan, Singapore và Trung Quốc.

M&A và chuyện “cá lớn nuốt cá bé” và “cá nhanh nuốt cá chậm”
Ảnh minh họa của HS Khều. (Nguồn: VNE)

Nhà đầu tư Singapore, Thái Lan và Trung Quốc dẫn đầu M&A

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 3 tháng đầu năm 2017, Singapore và Thái Lan dẫn đầu các nước ASEAN về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó vốn của Thái Lan bỏ vào mua cổ phần doanh nghiệp (DN) Việt tăng nhanh, gần bằng với Singapore, 1 trong 3 đối tác tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Cụ thể, trong tổng số 168 triệu USD vốn FDI của Thái vào Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017, có 57 triệu USD (chiếm 1/3) là vốn góp mua cổ phần DN Việt, tỷ lệ này tương đương với cơ cấu vốn góp mua cổ phần DN Việt trong tổng vốn FDI của nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản và Anh trong cùng kỳ đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, so với cùng kỳ năm 2016, số vốn mua cổ phần DN Việt của nhà đầu tư Thái Lan đã tăng hàng chục lần, mức tăng nhanh trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy trong khi Singapore là nhà đầu tư trực tiếp vào các ngành sản xuất công nghiệp, điện tử...; còn các nhà đầu tư Thái Lan chọn hướng đi mua vào cổ phần các công ty hoặc tham gia vào chiến dịch mua bán sáp nhập (M&A) của DN Việt Nam.

Ở phạm vi rộng hơn không chỉ có ASEAN, cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, đến cuối tháng 3/2017, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, Mỹ và nhiều quốc gia khác, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Singapore. Trước đó, hết tháng 12/2016, vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục vào Việt Nam đạt 1,87 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đứng trên các nhà đầu tư đến từ vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan.

Với các nhà đầu tư Trung Quốc, họ có toan tính riêng tại thị trường Việt Nam vừa nhằm gia tăng lợi thế thị trường vừa cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt trong cùng lĩnh vực, ngành nghề. Chính vì thế, hậu M&A là câu chuyện hoàn toàn thuộc về cạnh tranh hoặc bị xóa sổ thương hiệu.

Đáng chú ý, tốc độ tăng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây có sự cải thiện khá mạnh, từ vị trí thứ 13 trong số gần 100 đối tác đầu tư vào Việt Nam năm 2012, với số vốn chỉ hơn 2 tỷ USD nhưng, sau 5 năm, vị trí của Trung Quốc đã tăng 2 bậc và số vốn tăng gấp 5 lần.

Việc nhà đầu tư Trung Quốc tăng mạnh lượt góp vào số vốn vào mua cổ phần DN Việt cho thấy họ tận dụng khá tốt thời cơ khi nhiều DN lớn của Việt Nam đang trong giai đoạn cổ phần hoá, bán vốn.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là cách thức của một nhà đầu tư chưa quen thị trường như Trung Quốc muốn tìm hiểu, thăm dò trước khi đổ bộ những dự án đầu tư hoàn toàn mới, bằng 100% vốn của họ.

Xét cả về hai quốc gia Thái Lan hay Trung Quốc đến thấy được sự chuyên nghiệp và khôn ngoan trong chiến lược bởi hơn ai hết các nhà đầu tư thực hiện các thương vụ M&A đều có toan tính riêng. Với các nhà đầu tư Trung Quốc, họ có toan tính riêng tại thị trường Việt Nam vừa nhằm gia tăng lợi thế thị trường vừa cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt trong cùng lĩnh vực, ngành nghề. Chính vì thế, hậu M&A là câu chuyện hoàn toàn thuộc về cạnh tranh hoặc bị xóa sổ thương hiệu.

Tương tự, sau chiến dịch thâu tóm các hãng bán lẻ gây rúng động thị trường Việt Nam, các DN, đại gia Thái Lan tiếp tục mua vào cổ phần, cổ phiếu và bỏ vốn đầu tư vào DN Việt Nam mới bán vốn lần đầu. Đây là hướng đi chiến lược nhằm tìm hiểu thị trường, mua lại thương hiệu, kiếm lợi trước khi chính thức đặt chân kinh doanh ở Việt Nam.

Minh chứng là thời gian qua, các DN Thái đã tham gia vào các thương vụ mua bán như Vinamilk, Sabeco thông qua các đối tác góp vốn. Theo nhiều phân tích của các công ty chứng khoán Việt, sắp tới các DN gốc Thái rất quan tâm đến Việt Nam ở các lĩnh vực được nhà đầu tư ưa thích là: bán lẻ, tiêu dùng nhanh, bất động sản đô thị - nghỉ dưỡng, năng lượng sạch, dược phẩm và viễn thông....

Những nước cờ mạnh tay

Điểm qua những trường hợp cụ thể về các phi vụ thâu tóm thương hiệu đình đám thời gian qua hăn nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những nước cờ chắc tay và kiên quyết của các nhà đầu tư ngoại.

AEON Mall đã khiến người Việt bất ngờ khi thẳng tay mua lại đến 49% cổ phần Citimart và 30% cổ phần Fivimart. Fivimart hiện có 20 siêu thị trên cả nước, tập trung ở Hà Nội còn Citimart thì có 27 siêu thị tập trung tại TP.HCM. Doanh thu hàng năm của cả hai chuỗi siêu thị trên ước tính vào khoảng từ 950 đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Vào giữa năm 2015, bánh kẹo Kinh Đô đã bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo với giá 370 triệu đô cho tập đoàn Mondelēz International của Đức. Ngay lập tức, Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KIDO Corporation) chuẩn bị bước đi tiếp theo trong hành trình hiện thực hóa tham vọng lọt top 3 ngành hàng thực phẩm thiết yếu.

Trường hợp xúc xích Đức Việt được bán lại cho Tập đoàn Daesang với mức giá 32 triệu USD với 99,99% cổ phần; hay Highland Coffee do doanh nhân David Thái sở hữu được Tập đoàn Jollibee đến từ Philippines đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 50% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hồng Kông của tập đoàn VTI.

Với trường hợp Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng), đại gia này từng là công ty gạch lớn nhất thế giới, nay nhanh chóng thống lĩnh luôn thị trường gạch ốp lát ở trong nước.

Một số thương vụ M&A mới công bố gần đây là các thương vụ với bên mua đến từ Thái Lan, Nhật Bản, đổ tiền vào các tên tuổi lớn như Masan, Nguyễn Kim và Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Nhiều thương vụ M&A trong ngành bất động sản đã được công bố ở thành phố Hồ Chí Minh.

Thương vụ M&A tham vọng nhất, tạo ra tiếng vang lớn trên thị trường là giữa Tập đoàn Central Group (Thái Lan) và BigC. Central Group đã trả hơn 1 tỷ USD để mua thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam… Trước những chuyển biến nhanh chóng và ngoạn mục, nhiều người chỉ biết tiếc nuối cho những thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã từng một thời làm mưa làm gió nay lại yếu thế rồi thất thế để rơi vào tay nước ngoài.

Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Mibrand Việt Nam (đại diện của Brand Finance tại Việt Nam), cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình trên quy mô lớn nên đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành bất động sản, vận tải, tài chính ngân hàng và đặc biệt là ngành bán lẻ. Sự thay đổi này bao gồm nhiều khoản đầu tư mới, dự án mới và hơn nữa là nhiều hoạt động M&A đang được thực hiện với quy mô lớn trong thời gian tới đây.

Nguyên lý “cá lớn nuốt cá bé” và “cá nhanh nuốt cá chậm”

Theo bà Lê Phương Phương - CEO Công ty Tư vấn đào tạo Betteryou Ltd, bản chất thâu tóm thương hiệu là một hoạt động kinh tế có điều kiện, mang ý nghĩa khách quan. Tuy nhiên tùy vào góc độ của từng bên tham gia mà nhận định quy trình ấy tích cực hay tiêu cực. Cũng như nguyên lý đơn giản là nước chảy về chỗ trũng, trong kinh doanh “cá lớn nuốt cá bé” là vấn đề bình thường.

Vì vậy, chúng ta nên có cái nhìn khách quan, khoa học đế tránh cảm giác “tiêu cực” cho bên bị thâu tóm hay sáp nhập. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, cơ hội hiện nay không chỉ dành cho “cá lớn”. Cho dù đã thâu tóm các doanh nghiệp khác thì các công ty lớn nếu vận hành không khéo, thiếu am hiểu văn hóa địa phương, không bám sát nhu cầu của khách hàng Việt Nam thì con đường đến thành công cũng không phải dễ dàng.

Các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết chọn đúng khách hàng mục tiêu và phân khúc thị trường để phát huy thế mạnh nội địa, biết tập trung vào chiến lược và chiến thuật phù hợp, nhanh nhạy ứng phó kịp thời và linh hoạt thì vẫn có thể chuyển bại thành thắng. Có thế nói rằng trong thế giới phẳng ngày nay thì không chỉ có “cá lớn nuốt cá bé” mà hoàn toàn còn có thể là “cá nhanh nuốt cá chậm”.

Việc bán thương hiệu cho các DN nước ngoài, theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Mibrand Việt Nam, có nhiều điểm tích cực. “Theo quan điểm của tôi, môi trường kinh doanh nói chung vận hành theo cơ chế thị trường, người có tiền đầu tư vào người cần vốn đầu tư là điều hết sức bình thường. Vậy nên, việc bán thương hiệu là một tài sản quý, các DN bán thương hiệu của mình để dùng tiền đó đầu tư sang lĩnh vực khác là điều tích cực”, ông Mạnh nhận xét.

Ngoài việc nhận định đúng ý nghĩa và giá trị của “thâu tóm” trong bối cảnh hội nhập thì các chuyên gia cũng khuyên rằng nên nhìn ở một bình diện rộng hơn. Sự nhìn nhận và áp dụng thương hiệu ban đầu chỉ nhằm mục đích gia tăng lợi nhuận, càng nhiều càng tốt cho cá nhân một doanh nghiệp tiêu biểu.

Tuy nhiên, có rất nhiều thương hiệu lớn đang hướng đến những lợi ích kinh tế bền vững cho quốc gia sở tại thì cũng cần phải có những chính sách cởi mở hơn để hỗ trợ kịp thời, giúp họ vượt qua chông gai, có thể tự đứng vững mà không cần phải ngồi vào bàn đàm phán để bán cơ ngơi, thương hiệu đã dày công gầy dựng.

Vấn đề ở đây không chỉ là cuộc vận động của DN ý thức về giá trị thương hiệu mà Nhà nước cũng phải tham gia tạo điều kiện cần và đủ để sự bảo vệ các tài sản mềm, các thương hiệu quốc gia cũng như xây dựng được hành lang pháp lý theo kịp quốc tế để ổn định hoạt động kinh doanh trong nước lẫn đảm bảo chặt chẽ sự công bằng, minh bạch và đúng luật pháp hiện hữu trong những vụ thâu tóm thương hiệu.