Nhiệt điện sạch: Giải pháp cho các nhà máy điện than?

Phạm Sơn - 15:50, 30/11/2021

TheLEADERCác nhà máy nhiệt điện của Nhật Bản đang có kế hoach thay thế dần than bằng amoniac và hydro để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, thay vì chấp nhận đóng cửa.

Giống như Việt Nam, Nhật Bản đặt ra mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 tại COP26. Và cũng giống Việt Nam, thách thức lớn nhất cản trở mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của Nhật Bản là nhiệt điện than.

Nhật Bản là một trong số ít những nước phát triển nhưng không chấp nhận từ bỏ nhiệt điện than. Trước đó, Nhật Bản lên tiếng phản đối lời kêu gọi ngừng đốt than vào năm 2030 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), gọi lời kêu gọi này là “cách tiếp cận quá hạn hẹp”.

Sự phụ thuộc vào điện than của nền năng lượng Nhật gia tăng đáng kể từ sau thảm họa hạt nhận Fukushima năm 2011.

Đặt ra cam kết về trung hòa carbon, thay vì giảm dần các nhà máy nhiệt điện, Nhật Bản hy vọng trở thành người tiên phong cho giải pháp mới thông qua dự án “nhiệt điện không phát thải”.

Tập đoàn JERA là đơn vị đầu tiên triển khai giải pháp này, ngay tại nhà máy điện than Hekinan, nhà máy đã được vận hành 30 năm và hiện đang là nhà máy điện than lớn nhất nước Nhật.

Giải pháp được tiến hành thông qua việc thay thế một số lượng than nhất định bằng amoniac hay hydro. JERA kỳ vọng đến năm 2024 sẽ giảm được 20% lượng khí thài nhà kính từ nhà máy Hekinan. Đến năm 2040, nhà máy Hekinan có thể trung hòa carbon khi chuyển sang sử dụng 100% amoniac.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, trong bài phát biểu tại COP26 cho biết sẽ khởi động các trị giá 100 triệu USD để chuyển đổi sang “nhiệt điện không phát thải ở châu Á. JERA cũng cho biết sẽ giới thiệu công nghệ nhiệt điện không phát thải sang một số quốc gia khác, đặc biệt là tại Đông Nam Á.

Reuters nhận xét, sáng kiến của Nhật Bản có thể sẽ là bước đột phá. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần phải vượt qua, bao gồm chi phí và việc đảm bảo nguồn cung amoniac.

Bộ Công nghiệp Nhật Bản ước tính, với kịch bản năm 2024 sử dụng 20% nhiên liệu là amoniac, chi phí sẽ phát sinh thêm khoảng 24%. Mặt khác, để chuyển 20% nhiên liệu nhiệt điện tại Nhật Bản sang amoniac sẽ cần khoảng 20 triệu tấn amoniac, tức là 10% sản lượng toàn cầu.

Một thách thức khác là kiểm soát khí thải nitơ oxit, một loại khí thải cũng gây ra hiệu ứng nhà kính, làm thủng tầng ozon và tạo mưa axit. Đại diện JERA cho biết sẽ hạn chế khí thải nitơ oxit bằng cách điều đốt cháy chậm. Tuy nhiên đây cũng chưa phải giải pháp tối ưu.

Theo một nghiên cứu của tổ chức tư vấn Carbon Tracker, có khoảng 121 tỷ USD trên toàn cầu thuộc về các nhà máy điện than, có nguy cơ trở thành tài sản bị “mắc kẹt” nếu thế giới đạt được phát thải ròng băng 0 vào năm 2060.

Đại diện Carbon Tracker trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia Review, cho biết ước tính nói trên chưa tính đến sáng kiến của Nhật Bản, bởi vì trong ngắn hạn, sáng kiến này là bất khả thi.