Nhiệt điện than: Đừng tưởng rẻ

Phạm Sơn - 15:00, 29/11/2021

TheLEADERKhông chỉ nhằm mục đích giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, điện than cần được điều chỉnh giảm dần khỏi lưới điện quốc gia vì nguồn khoáng sản than đang ngày càng cạn kiệt.

Nhiệt điện than: Đừng tưởng rẻ
Phải giảm dần điện than để thực hiện cam kết tại COP26.

Cam kết trung hòa phát thải vào năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại hội nghị COP26 nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên gia cũng như cộng đồng quốc tế.

Cam kết này cao hơn và cụ thể hơn những gì Việt Nam đã tuyên bố đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thể hiện Việt Nam không muốn là người đi sau, mà đang nỗ lực sánh vai với các nước phát triển để giải quyết thách thức chung của toàn cầu.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam (VIASEE) cho biết, quốc tế bày tỏ sự ghi nhận với các cam kết của Việt Nam, đồng thời hoàn toàn có sự tin tưởng Việt Nam sẽ làm được, bởi thực tế là những năm gần đây Việt Nam đã và đang có những hành động rất nghiêm túc và cụ thể.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thực hiện cam kết phát thải bằng 0 không phải là điều đơn giản.

Có 2 giải pháp quan trọng Việt Nam có tiềm năng thực hiện để đạt được cam kết này, đó là phục hồi rừng và giảm nhiệt điện than, phát triển năng lượng tái tạo. Đây cũng là 2 nội dung quan trọng được lãnh đạo các quốc gia bàn thảo tại COP26.

Điện than có còn “rẻ”?

Nhiệt điện than thực tế vẫn được “ưa chuộng” ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nước phát triển như Úc hay Nhật Bản. Các quốc gia lập luận, điện than là rất quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung năng lượng cho công cuộc phát triển kinh tế.

Một lý do nữa được đưa ra là điện than “rẻ” hơn so với các loại năng lượng sạch. Tuy nhiên, theo ông Hải, thực tế Việt Nam không còn nhiều nguồn lực về loại khoáng sản được coi là “vàng đen” một thời này.

Nhiệt điện than: Đừng tưởng rằng 'rẻ' 1
PGS.TS Lưu Đức Hải nêu quan điểm về nhiệt điện than tại Tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26 – Góc nhìn Kinh tế Môi trường" do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức. Ảnh: KTMT.

Cụ thể, hiện nay, các mỏ than lớn ở Quảng Ninh không thể khai thác vượt mức 50 triệu tấn, do đó Việt Nam vẫn phải nhập khẩu than đá để phục vụ các nhà máy nhiệt điện sản xuất.

Miền Bắc Việt Nam có trữ lượng than khổng lồ nhưng không phải muốn là có thể khai thác dễ dàng. Các mỏ than này chủ yếu nằm sâu dưới tầng nước ngầm, nếu khai thác sẽ tiêu tốn chi phí rất lớn, chưa kể những hệ quả về sụt lún nền đất. Như vậy là “càng khai thác càng lỗ”.

Giá than đang rẻ cũng bởi vì thực tế rằng than không phải chịu các loại thuế, phí về môi trường. Ông Hải so sánh, 1 kg than hiện nay chịu thuế môi trường là 30 đồng, trong khi 1 lít xăng bán cho người tiêu dùng có thuế khoảng 3.000 – 4.000 đồng, trong khi “dám chắc rằng 1kg than gây ô nhiễm hơn nhiều so với 1 lít xăng”.

Thuế môi trường có thể coi là khoản định lượng sự ô nhiễm gây ra khi sử dụng sản phẩm. Rõ ràng nếu đặt mức thuế tương xứng với sự ô nhiễm, than sẽ không phải là lựa chọn tiết kiệm chi phí.

Phó chủ tịch VIASEE cũng lưu ý, vấn đề cần phải cân nhắc trong lộ trình phát thải bằng 0 là Việt Nam không sở hữu các công nghệ lưu trữ khí thải carbon tiên tiến như của Úc hay Nhật Bản. Vì vậy, nếu không giảm nhiệt điện than, rất khó để đạt được cam kết 2050 mà chúng ta đã tuyên bố với toàn thế giới.

Đồng quan điểm với ông Hải, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm tăng năng lượng tái tạo và giảm dần năng lượng độc hại.

Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với chủ trương đã được các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước nói rất nhiều lần là "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế".

“Trước đây chưa có điều kiện, chúng ta phải chấp nhận các ngành công nghiệp, sản xuất độc hại. Không thể phủ nhận vai trò của nhiệt điện than trong phát triển kinh tế nhiều năm qua. Tuy nhiên, bây giờ đã đến lúc phải thay thế, phải tìm nguồn năng lượng sạch”, bà An nhấn mạnh.