Những mô hình kinh doanh ‘không rác thải’

Phạm Sơn - 16:11, 02/08/2022

TheLEADERQuán cà phê tái chế Hidden Gem, tiệm tạp hóa sử dụng bao bì No Waste To Go là những mô hình kinh doanh sáng tạo, được ra đời với ước vọng lan tỏa lối sống “không rác” tới cộng đồng.

Những mô hình kinh doanh ‘không rác thải’
Quán cà phê tái chế Hidden Gem của anh Nguyễn Văn Thơ.

Người đàn ông bị “ma nhập”

Suốt những năm tháng tuổi thơ, anh Nguyễn Văn Thơ đã từng chứng kiến không ít trường hợp là hàng xóm hay người thân trong gia đình qua đời vì bệnh ung thư. Tại quê anh, làng Mẫn Xá, nơi ô nhiễm môi trường nặng nề nhất tại tỉnh Bắc Ninh, bệnh ung thư như một hệ quả hiển nhiên từ bầu không khí nhiễm đầy bụi nhôm hay nguồn nước nhiễm kim loại.

Ô nhiễm môi trường tiếp tục trở thành nỗi trăn trở lớn trong lòng anh Thơ đến tận khi trưởng thành. Có một thời gian dài gắn bó với ngành du lịch, anh Thơ được ghé thăm nhiều danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Những điểm đến này, với lợi thế về phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp hay bề dày văn hóa truyền thống, lịch sử nên có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian qua đi, một số địa danh bị du khách “quay lưng”. Không phải vì họ không còn yêu mến Việt Nam, không còn hứng thú với du lịch Việt Nam, mà bởi những điểm đến ấy ngày càng nhiều rác thải.

Những câu chuyện về hệ quả của ô nhiễm môi trường thôi thúc anh Thơ, khi đó đã là người đàn ông một vợ hai con, bỏ nghề du lịch với mức thu nhập ổn định để… đi nhặt rác đem về tái chế. Khi đó, bạn bè và người thân xúm lại khuyên can anh Thơ vì cho rằng anh bị dở hơi, bị “ma nhập”.

Sau khoảng một năm nhặt rác thải, anh Thơ mở quán cà phê Hidden Gem tại địa chỉ số 3 Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, với vật dụng, bàn ghế là chính những sản phẩm tái chế.

Thời gian đầu kinh doanh quán cà phê tái chế, anh Thơ cho biết gặp không ít khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng hiểu và thuyết phục khách thực hành sống xanh. Một số vị khách đến với Hidden Gem tỏ ý không hài lòng khi ngồi trên cái ghế tái chế không được thoải mái, hay do bị từ chối cung cấp túi nylon.

May mắn, dần dần khách hàng cũng hiểu và chấp nhận phương cách phục vụ tại quán cà phê đặc biệt này. Nhờ ý tưởng độc đáo và thông điệp ý nghĩa, Hidden Gem cũng được biết đến nhiều hơn thông qua truyền miệng, qua sự lan tỏa của báo đài, truyền thông. Khách hàng đến với Hidden Gem ngày càng đông, đa phần là khách nước ngoài và những bạn trẻ yêu môi trường.

Hoàn vốn chỉ sau bảy tháng, quán cà phê tái chế được anh Thơ ví như “mô hình kinh doanh trong mơ”. Tuy nhiên, đối với người từng từ bỏ công việc ổn định, lương cao để kinh doanh từ tái chế như anh Thơ, lợi nhuận không quan trọng bằng việc lan tỏa thông điệp “rác không còn là rác nếu sử dụng đúng cách”.

Tiệm tạp hóa cho người sống xanh

Ẩn mình trong một con phố nhỏ tại thành phố du lịch Đà Nẵng, tiệm tạp hóa No Waste To Go được ví như thiên đường cho những người yêu thích lối sống xanh và hòa hợp với thiên nhiên.

Tại tiệm tạp hóa này, khách hàng phải tự đem theo các loại bao bì như túi, chai, lọ để đựng những hàng là các sản phẩm sử dụng cho cuộc sống hàng ngày, từ gạo, đường, nước mắm, hạt tiêu cho tới xà phòng, dầu gội, chất tẩy rửa… Các sản phẩm được bán tại đây cũng đều là sản phẩm sạch, có nguồn gốc tự nhiên, quá trình sản xuất không gây hại tới môi trường.

Một điểm đặc biệt là đến với No Waste To Go, khách hàng có thể mua đúng lượng phù hợp với nhu cầu, bởi “dù là vài gam hạt tiêu cũng bán”. Điều này khuyến khích khách hàng tiêu dùng phù hợp với nhu cầu, thay vì chạy theo lối “bán càng nhiều càng tốt” gây ra lãng phí.

Ước vọng ‘không rác thải’ từ những mô hình kinh doanh đặc biệt 1
Tiệm tạp hóa No Waste To Go của chị Hồ Hoàng Oanh. Ảnh: Báo TNMT.

Mở tiệm tạp hóa No Waste To Go từ năm 2019, chị Hồ Hoàng Anh cho biết, mục đích ban đầu là để phục vụ cho nhu cầu của chính bản thân chị, sau đó là nhu cầu của những người có chung lý tưởng “sống xanh”.

“Có nhu cầu mà không có người cung cấp thì tự làm thôi”, chị Oanh chia sẻ với cộng đồng yêu môi trường tại Tọa đàm Giới trẻ Việt Nam và lối sống không rác do Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) tổ chức.

Với mục đích đặc biệt đó, tuy không có lượng khách đông đúc như những cửa hàng truyền thống hay siêu thị mini khác nhưng chị Oanh vẫn cảm thấy thật thành công vì cung cấp được giải pháp đơn giản giúp cộng đồng xung quanh thay đổi hành vi, hướng tới lối sống và phương cách tiêu dùng “không rác”.

Những lời giải nhỏ góp phần tìm đáp án cho bài toán lớn

Bà Quách Thị Xuân, điều phối viên VZWA, cho biết, thực trạng ô nhiễm rác thải đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là rác thải nhựa. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người mỗi năm đã tăng từ 3,8kg năm 1990 lên đến 63kg vào năm 2019, trong khi những giải pháp xử lý rác thải chưa thể nào bắt kịp.

Đây chính là lý do bà Xuân cùng một số nhà hoạt động vì môi trường khác đã quyết định thành lập VZWA vào tháng 10/2017. VZWA hoạt động dựa trên bốn trụ cột, bao gồm dân cư không rác; trường học không rác; vận động thay đổi chính sách quản lý chất thải rắn, hướng đến kinh tế tuần hoàn và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với môi trường.

Bà Xuân cho biết, “không rác” thực chất không phải là lối sống không xả ra một chút rác thải nào, mà là những thực hành trong đời sống hàng ngày cũng như trong sản xuất kinh doanh theo thứ tự ưu tiên, từ những biện pháp phòng ngừa rác thải (từ chối; tiết giảm; tái sử dụng) cho đến những giải pháp xử lý rác thải hiệu quả như tái chế, ủ phân…

Khoảng 2 – 3 năm đầu hoạt động, bà Xuân cùng những cộng sự vấp phải nhiều khó khăn khi giải thích cho mọi người hiểu và thực hành lối sống “không rác”. Tuy nhiên, sau quá trình kiên trì thuyết phục, ngày càng có nhiều người hiểu, chấp nhận. Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp như Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), thành phố Hội An… cũng đã đưa khái niệm “không rác” lồng ghép vào các chương trình hành động.

Về chính sách, VZWA đã đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia và các tổ chức khoa học xã hội ngoài công lập tham gia tham vấn, đề xuất, góp phần tích cực xây dựng Luật Bảo vệ môi trường 2020, nghị định 08 hướng dẫn luật cùng nhiều văn bản chính sách quan trọng khác.

Nhìn lại chặng đường đã qua và hướng tới tương lai phía trước, bà Xuân khẳng định vai trò rất lớn đến từ những cá nhân, những mô hình sáng tạo như quán cà phê Hidden Gem của anh Thơ và tiệm tạp hóa No Waste To Go của chị Oanh trong việc khuyến khích và lan tỏa lối sống “không rác”.

“Những mô hình kinh doanh rất sáng tạo và đáng được trân trọng khi không đặt lợi nhuận lên trên hết mà hướng tới đem lại giá trị tích cực cho cộng đồng”, bà Xuân nhận định.

Có thể không tạo ra tác động lớn như chính sách từ phía Nhà nước hay chiến dịch rầm rộ của các tập đoàn lớn, những mô hình kinh doanh sáng tạo này vẫn đang đóng góp một phần công sức để giải quyết những bài toán nhỏ trong bức tranh lớn về ô nhiễm môi trường.