Đại học Kinh tế TP.HCM xây dựng trường học không rác thải đầu tiên của Việt Nam

Phạm Sơn - 08:00, 10/11/2021

TheLEADERDự án Trường học không rác thải của Đại học Kinh tế TP.HCM là một trong hai dự án giành giải nhất cuộc thi Thành phố không rác thải do WaseAid tổ chức, trong khuôn khổ sáng kiến Mạng lưới kinh tế tuần hoàn.

Đại học Kinh tế TP.HCM xây dựng trường học không rác thải đầu tiên của Việt Nam

Được thành lập từ năm 1976, trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) là cơ sở giáo dục bậc cao uy tín và chất lượng hàng đầu Việt Nam. Sau 45 năm hoạt động, hiện nay UEH định hướng tái cấu trúc để trở thành Đại học UEH đa ngành, đồng thời đặt trọng tâm vào việc thực hành 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Dự án Trường học không rác thải (UEHZP), bước khởi tạo “khuôn viên trường đại học xanh” là một trong những trụ cột quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của UEH.

Năm 2021, UEH thực hiện giai đoạn 1 của dự án với thông điệp “Rethink & Be green”. Mục tiêu của giai đoạn này là nâng cao nhận thức, quan điểm, từ đó thay đổi hành vi của học viên cũng như giảng viên và cán bộ nhà trường. Từ đó, các thành viên của UEH sẽ cùng thực hành mô hình tiết giảm – tái sử dụng – tái chế (3R).

Dự kiến, từ năm 2022, UEH tiếp tục triển khai hướng tới tạo ra những “công dân xanh”, nhân rộng mô hình tới các cơ sở, hình thành cộng đồng xanh, hệ sinh thái xanh của UEH. Mục tiêu là đến năm 2025 trở thành Đại học không rác thải đầu tiên của Việt Nam.

Vừa qua, dự án UEHZP đã tham dự cuộc thi Thành phố không rác thải, nằm trong khuôn khổ sáng kiến Mạng lưới kinh tế tuần hoàn của tổ chức WasteAid, triển khai tại Việt Nam, Ấn Độ và Nam Phi.

Sau 8 tuần ươm tạo tại cuộc thi với sự hỗ trợ, tư vấn cùng đội ngũ chuyên gia về kinh tế tuần hoàn cũng như quỹ Vietnam Silicon Valley (VSV), UEHZP đã trở thành 1 trong 2 dự án giành giải nhất, nhận được khoản hỗ trợ 10.000 euro của ban tổ chức.

Lý giải về sáng kiến triển khai dự án, bà Lê Thị Hạnh An, quản lý dự án UEHZP cho biết, mỗi ngày, trung bình một khuôn viên (campus) của UEH thải ra khoảng 100kg rác thải, trong đó 43% là rác thải nhựa. Lượng rác này được thải ra các bãi tập kết rác của thành phố, đa phần bị chôn lấp dù vẫn có thể tạo ra giá trị.

Bên cạnh đó, UEH cũng nhận thấy được thực trạng các bạn sinh viên dù rất thông minh, năng động, có nền tảng giáo dục tốt nhưng hầu hết vẫn chưa nhận thức đúng và chưa thực hành được việc phân loại rác thải tại nguồn. Điều này có thể trở thành điểm thiếu sót lớn trong hành trang "vào đời" của các bạn trẻ, khi lối sống bền vững đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại.

Chính vì điều đó, dự án UEHZP đã được trường UEH triển khai, dựa trên 3 nền tảng chính, bao gồm nền tảng giáo dục thông minh; mô hình truyền thông đa kênh và mô hình "phòng thí nghiệm sống".

Trong đó, nền tảng giáo dục thông minh được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ trò chơi giả lập (gamification), thực tế ảo (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI), đóng vai trò truyền tải kiến thức về 3R và phân loại rác thải theo hướng chủ động, mang tính giải trí, dễ tiếp thu hơn so với lớp học truyền thống.

Nền tảng giáo dục thông minh bao gồm 3 phần là trung tâm thông tin; công cụ giáo dục thông minh và diễn đàn sống xanh.

Song song với đó, hoạt động truyền thông cho dự án được vận hành theo hướng đa kênh, sáng tạo về cách tiếp cận như cuộc thi cover điệu nhảy UEH Zero Waste Campus với KOL; xây dựng nhân vật hoạt hình truyền cảm hứng; tạo trào lưu trên mạng xã hội.

“Là dự án từ một đơn vị giáo dục, chúng tôi hiểu rằng gốc rễ và nền tảng là truyền thông kiến thức để thay đổi nhận thức, tư duy và hành động của mỗi người. Thêm vào đó, UEH ứng dụng công nghệ thông minh và triển khai theo hướng lấy người học làm trung tâm”, bà An cho biết.

Đối với mô hình "phòng thí nghiệm sống", bà An lý giải, dự án UEHZP là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, vừa tiến hành nghiên cứu, vừa triển khai để chuẩn hóa các giải pháp. UEH hướng tới việc hình thành một “công thức” để các đơn vị khác có thể thừa hưởng và triển khai theo, qua đó lan tỏa mô hình không rác thải rộng nhất có thể.

Thế khó của người tiên phong

Đại học Kinh tế TP.HCM xây dựng trường học không rác thải đầu tiên của Việt Nam 1
Giai đoạn 1 của dự án được triển khai với thông điệp "Rethink & Be green".

Trao đổi với TheLEADER, bà An cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai, dự án trường học không rác thải nhận được rất nhiều hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức liên quan như WasteAid, Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), quỹ VSV…

Đặc biệt, thông qua việc tham dự và trở thành 1 trong 2 dự án giành chiến thắng cuộc thi Thành phố không rác thải do WasteAid tổ chức, UEH cũng nhận được nhiều giá trị dến từ sự giao lưu giữa các đội chơi, nhận xét của đội ngũ chuyên gia, cố vấn, giúp UEH tinh chỉnh, chuẩn hóa các bước triển khai dự án.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của UEH đến từ việc triển khai dự án trường học không rác thải đầu tiên ở Việt Nam, do đó không có mô hình để tham chiếu và thiếu sự cố vấn phù hợp của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

“Chúng tôi gần như phải vừa làm, vừa liên tục điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, không được như kỳ vọng ban đầu”, bà An chia sẻ.

Cũng chính từ việc là một “phòng thí nghiệm sống”, theo bà An, dự án Trường học không rác thải rất cần có sự vào cuộc và kết nối của các bên liên quan.

Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức khoa học, quỹ đầu tư có thể cung cấp sự hỗ trợ dưới hình thức tài trợ, tư vấn hoặc kết nối những dự án cùng mục đích. Đặc biệt, sự cố vấn về chuyên môn là yếu tố then chốt để dự án Trường học không rác thải được phát triển “đúng ngay từ đầu”.

Đối với Chính phủ và chính quyền địa phương, cần triển khai quy định, chính sách mang tính triệt để đối với xử lý rác thải và thực hành phân loại rác thải tại nguồn. Bà An nhận xét, chính sự thiếu triệt để trong chính sách về rác thải là yếu tố ảnh hưởng tới niềm tin của thế hệ trẻ, bao gồm sinh viên và cán bộ UEH khi thực hiện một dự án về lối sống xanh, thân thiện với môi trường.