'Ông hữu cơ' Nguyễn Lâm Viên nói về hữu cơ

Kim Yến - 08:20, 16/05/2018

TheLEADERÔng Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, người được mệnh danh là “ông hữu cơ” bởi sự bền bỉ suốt nhiều năm qua cổ súy cho thông điệp hữu cơ và đầu tư rất lớn một cách bài bản cho quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến hữu cơ…

'Ông hữu cơ' Nguyễn Lâm Viên nói về hữu cơ
Doanh nhân Nguyễn Lâm Viên.

Trong bối cảnh hiện nay, có quá nhiều người canh tác và kinh doanh cơ hội, dùng chữ “hữu cơ” mà không hiểu thấu đáo, hoặc cố tình không hiểu, để đánh lừa người tiêu dùng, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Công ty Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên.

Gặp ông tại nhà riêng ngay trên đường Nguyễn Du, thật bất ngờ khi tận mắt chứng kiến một khu vườn hữu cơ nằm ngay trong phòng khách, những cây bưởi lúc lỉu trái chín vàng, bên cạnh khóm dứa xanh tươi. Ông nói mình đang đưa vi khuẩn vào nhà, nhưng biết cách điều khiển nó, để tạo nên một hệ sinh thái của sự sống ngay trong ngôi nhà mộc mạc…

Gần đây trên mạng xã hội lại rộ lên chuyện nhầm lẫn giữa nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao, dẫn đến những cách làm "đánh lận con đen" đang phổ biến tràn làn hiện nay, ông có thể nói rõ hơn quan niệm của thế giới hiện nay về chuẩn hữu cơ?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Người ta cứ chứng minh sản phẩm của mình không có chất này, chất kia, rồi bảo đó là hữu cơ, thực ra không phải. Sản xuất hữu cơ phải bảo đảm bốn nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất là “Helthy”, phải làm sao hiểu triết lý lành mạnh là gì, nếu không hiểu không ứng dụng nghiêm túc được.

Thứ hai là “Ecology”, hệ sinh thái học, khoa học nghiên cứu về sự phân bố và sinh sống của những sinh vật sống và các tác động qua lại giữa các sinh vật và môi trường sống của chúng. Phải có trách nhiệm xây dựng được hệ sinh thái và kiểm soát được hệ sinh học, để nâng hàm lượng sinh học trong canh tác lên cao, vì công nghệ sinh học là nền tảng của sự sống, cái gốc của nó là vi khuẩn.

Thứ ba là “Care”, phải có sự quan tâm, định kỳ đi khám sức khỏe cho cây trái và vật nuôi, giống như con người vậy; định kỳ kiểm tra những kết quả mà mình làm được xem có độc tố hay không, hàm lượng sinh học thế nào, kiểm tra sản phẩm đã hoàn toàn thật sự tốt chưa? Đó là bằng chứng chứng minh công việc nghiên cứu và canh tác.

Nguyên tắc cuối cùng là “Fair”: Hiểu mối quan hệ hữu cơ, có sự công bằng với sự sống, từng con vi khuẩn, mối quan hệ với người canh tác, tiêu dùng…. nếu không công bằng sẽ tạo ra khả năng tiêu diệt sự sống, làm sai với người tiêu dùng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Triết lý hữu cơ chính là sự thông tỏ 4 nguyên tắc này, đào càng sâu vô 4 nguyên tắc này sẽ biết cách giải những bài toán cho hành động của mình

Như vậy canh tác hữu cơ là một nông pháp bảo tồn và phát triển sự sống, gốc của nó là vi khuẩn, bảo đảm hàm lượng sinh học càng lớn, càng nhiều, để tạo nên sự khác biệt. Từ đó mới biết những phương pháp để đưa hàm lượng sinh học vào sản phẩm. Trong nguyên tắc “công bằng”, đã không cho phép làm chuyện sai trái rồi.

Những hiểu lầm nào ông cho là nghiêm trọng nhất về canh tác và kinh doanh hữu cơ đang gây nguy cơ cho sức khỏe của người dân?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Vấn đề hiện nay của thị trường là người tiêu dùng đang nhầm lẫn giữa nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Canh tác bằng những giải pháp tưới nhỏ giọt, nhà kính, thủy canh, khí canh… những công cụ chẳng ăn nhập gì với nông nghiệp hữu cơ cả, chỉ là phụ trợ cho quá trình canh tác thì được.

Có cái không thể cho phép trong hữu cơ là thủy canh, vì môi trường để sinh vật sống với hàm lượng nước quá nhiều thì không thể đủ được, người ta dễ nhập nhằng cho thêm hóa học vào.

Còn phương pháp tưới nhỏ giọt là ở xứ sở không có điều kiện cho cây cỏ phát triển. Giải pháp của Nasa là giải pháp khoa học trong điều kiện cây cỏ không phát triển được trên vũ trụ thôi. Còn để hiểu đúng hay sai, phải đi tìm hàm lượng sinh học trong sản phẩm bao lớn?

Những giải pháp tự động hóa, bơm nhỏ giọt lượng phân từ bình rót vào thì làm sao vi khuẩn có thể sống ở đó, nếu kiểm tra có hàm lượng NPK là sai. Cái gốc phải tìm hiểu hàm lượng sinh học trong đó bao nhiêu mới được xem là sản phẩm hữu cơ.

Sau này người ta còn cho có nhà màng là đã hữu cơ rồi, hoặc sử dụng phân hữu cơ ở đâu đó là hữu cơ rồi. Phải xét nghiệm hàm lượng sinh khối trong đó, nếu không nó sẽ hủy diệt cây cối.

Trước đây tôi từng mua gói diệt trùn quế, bỏ vào hồ con cá bị bệnh, ghẻ chết. Hỏi ra các bạn đã cho hàm lượng đạm NPK vào trong đó theo quy định, như vậy là sai rồi. Phải kiểm soát cả nguồn phân hữu cơ, kể cả phân bò, phân heo. Nếu không ủ nó đúng cách, không kiểm soát được nó, không xét nghiệm đàng hoàng thì nguồn phân vẫn chưa đủ tiêu chuẩn, vì phân bò có khi từ con bò bị chích thuốc kháng sinh thì sao?

Phải bảo đảm sản phẩm không có hàm lượng hóa học trong đó và hàm lượng sinh học càng cao, mới tạo ra sự khác biệt. Nếu không thì chất lượng chẳng khác gì sản phẩm hóa học cả, đó là điều căn bản cần lưu ý.

Người làm công tác sinh học cũng phải cẩn thận với sản phẩm hữu cơ bán trên thị trường, phải mang đi xét nghiệm cụ thể xem sinh khối trong đó có đúng như người ta đang quảng bá trên bao bì không, chưa nói đến thành phần hóa học còn trong đó không? Không thể nghe lời người nào nói “cái này xài tốt lắm” là lao vào mua.

Kiểm soát về sinh học, kiểm soát về công bằng phải lưu ý, cho dù sản phẩm hữu cơ nhập từ nước ngoài về cũng vậy. Ngay Vinamit cũng đã từng phải loại nhiều sản phẩm hoa quả nước ngoài, vì họ giả cũng nhiều, khi đi xét nghiệm mới phát hiện ra.

Người làm canh tác hữu cơ phải biết cách phát triển hệ sinh vật cho chính nông trại của mình, nuôi vi sinh vật để tăng sinh khối cho cây trồng, vật nuôi và cho bản thân mình.

Việc các đại gia nhảy vào nông nghiệp cùng với hệ thống phân phối lớn đang bùng nổ, với giá cả mắc hơn ngoài chợ truyền thống nhiều lần đang đặt vấn đề thực phẩm hữu cơ trước ngưỡng cửa nào?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Nguy hiểm nhất hiện nay là người ta nói “sản phẩm sạch” không tương đồng với cách hiểu về sản phẩm sạch của người dân. Người dân mong muốn sản phẩm sạch đó là của nông pháp sinh học, nông pháp vi khuẩn, vì sự sống, còn cái sạch của người sản xuất làm ra chỉ ở ngưỡng an toàn.

Thay vì nói an toàn, họ nói sạch, đau đớn cái an toàn đó lại đang được bán với giá của hữu cơ.

Chúng ta đang nhầm lẫn điều đó, cần phải nói rõ nhưng do truyền thông của họ quá mạnh, đầu tư công nghệ của họ rất đồ sộ, hoành tráng, khiến người dân của mình hiểu lầm.

Một hệ sinh thái không thể sạch sẽ như phòng thí nghiệm được mà là nơi để giàu có cho vi khuẩn, sinh khối, nhưng họ đang đưa hình ảnh nông nghiệp công nghệ cao ra, khiến người dân hiểu lầm đó là sản phẩm sạch, có hàm lượng sinh học, đó là truyền thông sai. Sản phẩm của họ sản xuất tự động hóa với sản lượng lớn, nhìn rất đẹp, nhưng đó là nông pháp hóa học.

Ứng dụng công nghệ cao thì phải dùng ngôn từ cho đúng là “sản phẩm an toàn”, giống như VinEco đang đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Chắc chắn những gì tôi nói hôm nay 3 đến 5 năm nữa sẽ bùng nổ, chẳng qua người ta biết nhưng cố tình không nói, vì nói sẽ mất miếng ăn của người ta.

Thay vì nói an toàn, họ nói sạch, đau đớn cái an toàn đó lại đang được bán với giá của hữu cơ.

Ông Nguyễn Lâm Viên
Ông Nguyễn Lâm ViênChủ tịch HĐQT Công ty Vinamit

Liệu kiểu canh tác sản lượng cao, cánh đồng mẫu lớn có phải là cách phát triển ưu việt cho nông nghiệp Việt Nam, nó có tàn phá hệ sinh thái không thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường, nguy hại nhất là khiến cho người tiêu dùng hiểu nhầm, giống như chúng ta từng hiểu nhầm tất cả mọi người phải có trách nhiệm tiêu diệt vi trùng, cầm bó rau lên nghĩ ngay phải tiêu diệt vi trùng.

Chúng ta bị ngộ độc không phải vì vi trùng, mà vì hóa học, giống như con vi trùng Ecoly nằm trong bao tử thì không có tác hại gì cả. Nhưng chúng ta hiểu sai lầm là phải diệt vi khuẩn, trong người chúng ta 80% vi khuẩn có lợi, 5% có hại, còn lại là dịch. Hàng tỷ tỷ con vi trùng có trong cơ thể thì hệ miễn dịch của chúng ta mới khỏe.

Trách nhiệm chúng ta là phải nâng cao hệ miễn dịch, nên ăn thật nhiều đồ sống, rau sống, cá sống, nhưng phải chắc một điều rau đó, thịt đó, cá đó không có chất hóa học, nếu không sẽ ngộ độc.

Vì chúng ta ăn uống quá nhiều hàm lượng hóa học, tiêu diệt oxy, tiêu diệt sự sống mà vi khuẩn thì cần môi trường sự sống.

Khái niệm diệt vi khuẩn, diệt sự sống là thời kỳ công nghiệp 2.0 rồi, chúng ta quên mất rằng diệt vi sinh vật có lợi sẽ tạo điều kiện cho những vi sinh vật quái thai xuất hiện, làm cho hệ miễn dịch của chúng ta bị tiêu hủy, ung thư cũng vì không chịu ăn vi khuẩn.

Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên: ‘Ông hữu cơ’ biết cách điều khiển vi khuẩn
Vườn hữu cơ ngay trong nhà riêng của ông Nguyễn Lâm Viên (tại TP.HCM)

Báo chí cứ nói thịt của bà con bán ngoài chợ là thịt bẩn, phải kiểm tra thực tế xem chất hóa học nào đang tồn đọng trong đó mới là nguy hiểm, như chất tẩy trắng, chất giữ cho thịt cứng có hại cho cơ thể, còn moi con Ecoly ra để làm gì, hiểu sai, dẫn đến bắt sai.

Phải cương quyết loại chất hóa học ra, ai hiểu về hữu cơ sẽ hiểu vì sao tôi phải đầu tư sản xuất yaourt sấy là vì vậy. Vì yaourt lỏng phải cho phụ gia vào như chất làm bóng, chất tách lớp, làm cho vi khuẩn không sống được. Còn đông khô sẽ đưa hàm lượng sinh học rất lớn vào trong đó, đó chính là men tiêu hóa, đây là món ăn tôi làm cho chính mình đó.

Ban đầu tôi cũng nghĩ là phải diệt vi trùng, nhưng khi làm về hữu cơ, nghiên cứu khoa học về sự sống, trong đầu tôi không còn chữ “diệt” nữa. Giờ tôi hiểu, mình có thể đuổi những con vi trùng biến thái đó ra thật xa mình thôi.

Khi ứng dụng rồi, tôi thấy sản phẩm của mình có vị khác hơn người ta, độ ngọt đậm đà hơn, hương thơm quyến rũ hơn… đó mới gọi là tự nhiên, ngày xưa ăn cái gì cũng đậm đà là nhờ sinh học đó.

Theo ông, canh tác hữu cơ đòi hỏi một "hạ tầng" toàn diện như thế nào? So sánh với thực tế ở Việt Nam, hạ tầng ấy liệu có khả thi trong bối cảnh đất, nước, phân, giống và cả không khí đều nhiễm bẩn như hiện nay?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Để cải tạo một miếng đất có hàm lượng sinh học đủ phải mất rất nhiều công, nhất là từ một mảnh đất lớn bị chết, để tạo ra sự sống, phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.

Giống như mảnh đất của tôi mua không biết bao nhiêu sơ dừa, vi khuẩn quang hợp để tự nó có thể quang hợp được. Thử hỏi người làm hữu cơ xem ai có thể nắm đủ 4 nguyên tắc ấy không? Tôi chắc chắn là không, còn nói tuân thủ nguyên tắc 6.0 thì không đủ đâu.

Mình rất giận người bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tốn bao nhiêu công sức để nghiên cứu ra sinh học, nghiên cứu ra quang hợp giúp cho trái ngọt tự nhiên, nhiều người nói tôi sao không đi bán sinh học, bán quang hợp đi? 

Nhưng tôi muốn mình là người chỉ cho người khác cách làm hữu cơ để trái ngọt mà không cần chất hóa học, để chính người dân biết tạo ra lượng sinh khối mạnh cho chính mình, thì cây sẽ tốt tươi.

Cũng vì giận quá nên tôi mới mang vi khuẩn vào nuôi trong nhà là vì vậy, mình có cách điều khiển nó nên không sợ.

Nếu làm đúng hữu cơ thì sao thưa ông? Làm thế nào để giải bài toàn lỗ dài dài đang làm nản lòng không ít doanh nghiệp làm thật?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Đúng, hiện nay tôi chỉ kỳ vọng khi tiêu thụ hữu cơ mạnh lên và các bạn làm hữu cơ chịu kết nối với tôi, tôi sẵn sàng chỉ có các bạn để hiểu đúng về hữu cơ, từ đó học cách nuôi vi khuẩn, còn nếu không chịu học thì chắc chắn không làm được.

Tôi sẵn sàng chỉ cho các bạn cách làm, giao đất cho các bạn, tạo chuỗi cung cấp, nhưng chỉ sợ khi các bạn học được rồi lại nhảy ra tạo thị trường riêng. Tuy nhiên nếu các bạn giỏi, tạo được thế mạnh riêng cũng tốt, chỉ cần các bạn làm đúng.

Hiện tôi đã kết nối với khá nhiều bạn làm hữu cơ, nhưng vẫn chưa đủ, rất tiếc là Coopmart chưa ủng hộ nông nghiệp hữu cơ, trong khi Central Group lại sẵn sàng ủng hộ, đó là điều làm tôi rất buồn.

Không chỉ sản xuất, mà Việt Nam còn thiếu rất nhiều chuỗi giá trị để tạo nên một sản phẩm hữu cơ hoàn chỉnh?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Chúng ta chỉ biết trồng hữu cơ, nhưng làm sao nâng cao hàm lượng sinh học, làm sao tạo ra những sản phẩm có hàm lượng sinh học cao? Phải kết hợp ba yếu tố: canh tác hữu cơ, am hiểu ứng dụng sinh học, am hiểu ứng dụng công nghệ.

Công nghệ sấy khô, đông khô là ứng dụng của ngành sữa, tôi đã học được và đem vào ứng dụng trong việc chế biến hoa quả, nhưng đây là công nghệ quá mắc tiền, chỉ có người đam mê mới đủ sức làm được.

Nhiều khi thấy tôi đầu tư cho công nghệ chế biến sấy khô, đông khô quá lớn, bộ phận tài chính cũng sốt ruột, nhưng tôi nói với mấy bạn đừng sợ đầu tư, đây là sản phẩm của tương lai. Yaourt khô khi thả vào nước trở thành yaourt bình thường, còn nếu gia nhiệt, nếu có hóa học thì vi khuẩn sẽ chết, làm sao trở lại bình thường được.

Ông bà ngày xưa hay nói đất đai màu mỡ, màu mỡ theo tôi là sinh khối lớn, ngôi nhà cho vi sinh vật tốt, hay nói cách khác là hệ sinh thái cho sinh vật rất giàu có.

Theo ông, làm thế nào để người canh tác hữu cơ đúng nghĩa, bằng cả trái tim có thể sống được và phát triển kinh doanh, mang lại lợi ích cho xã hội?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Tôi vẫn khuyến cáo người dân nên học điều tôi nói và tự làm.

Để tăng hàm lượng sinh học vào trong đất, trong vật nuôi thì ít nhất phải loại được chất hóa học vào trong cơ thể mình, kể cả uống thuốc Tây. Nếu đã uống rồi thì phải tìm cách thải độc tố ra khỏi cơ thể bằng chắc ăn yauort, ăn men tiêu hóa.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tuyệt vời ở chỗ đó, hữu cơ là khoa học của sự sống, phải tìm hiểu hàm lượng vi khuẩn bất cứ thức ăn nào đưa vô trong người chúng ta, còn chất bảo quản, dù cho phép đi chăng nữa thì 4.0 không cho phép.

Chúng ta đang ở giai đoạn 2.0, 3.0 nhưng tại sao không tiến thẳng đến 4.0! Chúng ta tốn tiền chút còn hơn tốn tiền bệnh viện sau này. Với nông dân, bất kỳ ai canh tác, chỉ cần hiểu về sinh học một chút, mua những chế phẩm sinh học nên kiểm tra ít nhất 1 tháng 1 lần.

Vi khuẩn thích nhất là đường, cám gạo, sữa… mua rỉ đường về phải nuôi nó lại, sục khí cho nó có oxy sẽ phát triển vi khuẩn mạnh hơn, đừng mua về rồi tưới ngay sẽ thấy không tác dụng, phải để nó ăn cho khỏe mạnh lên rồi hãy bắt nó làm việc. Còn nếu bắt nó làm việc ngay, lại cho vào chỗ nóng quá thì nó chết mất còn gì, nhưng rất tiếc nhà khoa học, người bán không chịu chỉ cho nông dân.

Theo ông, làm thế nào để giữ được sự trung thực của người làm nông nghiệp, giảm thiểu kiểu canh tác và kinh doanh hữu cơ trong bóng tối?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Ngày hôm nay các bạn ấy chưa hiểu, nhưng vẫn bán hàng được nhờ truyền thông tốt, nhưng bán được rồi hãy nghĩ đến chuyện phải làm tử tế, muốn tạo thương hiệu tốt phải có sự tử tế, như thế mới bền vững, vì một ngày nào đó người ta sẽ biết thôi.

Các bạn lao vào hữu cơ là tốt vì đó là 4.0, biết rồi sẽ thay đổi, dễ dàng có lời, tiếp cận với những chứng nhận quốc tế, quốc gia, để thừa nhận các bạn. Còn tuyệt đối không nên đang làm nông pháp hóa học, là sự tiêu diệt, lại nói là hữu cơ, là nông pháp phát triển sự sống, như thế là có tội cho nghiệp của mình, nên tránh.

Cho dù bạn có làm hữu cơ rồi, nhưng hiểu chưa tới cũng không sao, bạn sẽ học từ từ, chỉ cần nhớ là đừng dựa vào hóa học là được rồi.

Ông được hưởng lợi lớn nhất là gì từ khi bước vào hữu cơ?

Ông Nguyễn Lâm Viên: Từ khi làm hữu cơ, ăn sản phẩm hữu cơ, tôi thấy mình trẻ ra, lợi ích đầu tiên không sử dụng hóa học là đầu của bạn không bao giờ bị bạc sớm, không bị lừ đừ, giống như bị trầm cảm vậy đó.

Thực phẩm hữu cơ với hàm lượng sinh học cao chắc chắn sẽ bùng nổ trong vài năm tới. Sẽ còn rất nhiều sản phẩm trong nghiên cứu và phát triển của Vinamit mà chúng tôi chưa tung ra. Truyền thông rất quan trọng, để người tiêu dùng thông minh hơn.

Khi đã dùng hữu cơ rồi, đụng đến sản phẩm hóa học, cơ thể bạn sẽ lập tức phản ứng liền vì nó rất nhạy, sau này sẽ không cần tiêu chuẩn hay không tiêu chuẩn, chỉ cần ăn là mọi người cảm nhận ngay.

Nhiều người nói tôi làm sao cực vậy, lời chẳng bao nhiêu, trong khi người ta phải chạy theo chứng nhận này nọ. Tôi chỉ cần làm tốt, làm đúng, tới nông trại tôi người ta cảm thấy hạnh phúc, thế là thành công rồi. Bước vào căn nhà của tôi cũng vậy, hoàn toàn mộc mạc, tự nhiên, như sản phẩm của tôi vậy.

Xin cám ơn ông!

(*) Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: Hành trình ngược dòng của Võ Minh Khải với hạt gạo hữu cơ