Ba cảnh báo lớn nhất về nông nghiệp hữu cơ

Kim Yến - 08:15, 14/05/2018

TheLEADERĐầu tư nông nghiệp đang là phong trào, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ba cảnh báo lớn nhất về nông nghiệp hữu cơ
Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Công ty tư vấn Việt Nam

Vừa là doanh nhân, nhà nghiên cứu với nhiều tác phẩm viết và dịch về kinh tế giá trị, vừa tham gia giảng dạy môn Tiếp thị địa phương cho chương trình Kinh tế Fulbright. Những đóng góp của ông Đoàn Hữu Đức, Giám đốc Công ty tư vấn Việt Nam (VCG) bao gồm dự án sử dụng phân vi sinh vào nông nghiệp và các chất kích thích tăng trưởng hữu cơ, ứng dụng đưa than bùn vào các chế phẩm phân vi sinh và các hoạt chất ngậm nước chống khô hạn cho cây ăn trái… từ những năm 90 là nỗ lực không ngừng để xây dựng lại chuỗi giá trị nông nghiệp trên nền công nghệ hiện đại, để nâng cao chất lượng sống cho nông dân.

Đầu tư nông nghiệp hữu cơ đang là phong trào?

Trước sự nhập nhằng giữa cách làm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao của một số nhà kinh doanh, sản xuất, đánh lừa người tiêu dùng đang phổ biến tràn lan hiện nay, ông Đoàn Hữu Đức, đã đưa ra 3 cảnh báo.

Cảnh báo thứ nhất, theo ông Đức: “Nông nghiệp công nghệ cao là cụm mỹ từ rất phổ biến tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 21, dùng chủ yếu để truyền thông tiếp thị cho các chương trình áp dụng kỹ thuật mới trong nông nghiệp truyền thống, nhưng hoàn toàn mù mờ về tiêu chuẩn đánh giá (như thế nào là cao hay thấp), nên rất ít có ý nghĩa về chuyên môn cụ thể, và dễ bị lạm dụng để đạt hiệu quả kinh doanh".

Ông Đức cho biết, định nghĩa về nông nghiệp hữu cơ đã có từ năm 1972, khi Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) được thành lập có trụ sở tại Đức với gần 800 thành viên tại 117 quốc gia.

Theo IFOAM “Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm: hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm đột biến gen và phân bắc. Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác.”

Trong vòng 5 năm trở lại đây, xu hướng sống sinh thái hòa hợp với thiên nhiên và phát triển bền vững chống ô nhiễm môi trường trên thế giới đã lan tỏa tới Việt Nam, cộng với vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), các nhà nhập khẩu bắt đầu giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho khách hàng tiêu dùng trong nước, được thị trường đón nhận, đã làm tiền đề cho phương pháp canh tác hữu cơ trong nông nghiệp phát triển.

Tuy nhiên đến Việt Nam, cụm từ này đến lượt mình cũng trở thành “mỹ từ” đại diện cho thời trang, và đẳng cấp của người sử dụng, do giá thành có khi cao hơn đến 40% so với sản phẩm thông thường, đã trở thành đối tượng bị lạm dụng gây hiểu lầm trên thị trường.

Cảnh báo thứ hai, theo ông Đức, hiểu lầm nghiêm trọng nhất, đang gây nguy cơ cho sức khỏe của người dân chủ yếu là về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm! Nhiều người lầm tưởng rằng sử dụng thực phẩm dán nhãn “công nghệ cao”, hay “hữu cơ” luôn an toàn và tốt cho sức khỏe!

Thực sự là cả hai đều có nguy cơ gây ngộ độc, tương tự như những loại thực phẩm thường đối với những bệnh do vi khuẩn gây ra với thực phẩm. Tất cả các sản phẩm tươi sống, dù là hữu cơ hay không, thì cũng rất dễ nhiễm vi khuẩn listeria, E.coli, salmonella và các loại vi khuẩn khác.

Ngoài ra mọi người đều có thể tìm thấy các khuyến nghị trên internet về các lầm tưởng khác đối với thực phẩm hữu cơ, đặc biệt là các tranh cãi gay gắt về kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Stanford Hoa Kỳ rằng: thực phẩm hữu cơ chẳng bổ dưỡng gì hơn thực phẩm thường, dễ hư hỏng trong quá trình bảo quản và không thân thiện với môi trường (do năng suất của sản phẩm hữu cơ thấp hơn nên để đảm bảo sản lượng năng suất thì sẽ phải đầu tư nhiều đất đai trồng trọt hơn, có nghĩa là phải tàn phá nhiều rừng rậm và tài nguyên thiên nhiên hơn).

Nhìn nhận về việc các đại gia nhảy vào nông nghiệp và kiểu canh tác sản lượng cao, cánh đồng mẫu lớn… ông Đức đưa ra cảnh báo thứ ba: “Tôi muốn nhắc lại lịch sử các đại điền chủ- những người đã thực hiện công cuộc khẩn hoang Nam Bộ từ đầu thế kỷ trước, với dụng ý rằng, chuyện đại gia thời nay làm nông nghiệp không phải là điều gì mới mẻ, nhưng phù hợp với nền kinh tế thị trường.Nếu không có họ, Việt Nam ngày xưa không thể cạnh tranh với Miến Điện để xuất cảng gạo ra thế giới. Tương tự, ngày nay muốn bán gạo giá cao cho các đại siêu thị Âu Mỹ, thay vì “giá bèo” qua châu Phi, thì cánh đồng mẫu lớn là câu trả lời duy nhất, ôn cố tri tân, lịch sử lập lại mà thôi.

Dù nói đến công nghệ cao, hay hữu cơ thì việc cần bàn là vấn đề thực phẩm sạch; khi đó ngưỡng cửa minh bạch hóa quy trình sản xuất để có thể truy xuất nguồn gốc có thể là câu trả lời tốt nhất hiện nay, mà các tập đoàn nông nghiệp cũng đã bắt đầu áp dụng, và việc hình thành Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch vừa qua là một đáp án kịp thời.

Thách thức lớn nhất hiện nay của việc sản xuất sạch là rất lớn một khi là nguồn đất canh tác nông nghiệp hiện hữu đang bị ô nhiễm bởi chất hóa học, không khí môi trường cũng đang ô nhiễm và nguồn nước tưới tiêu cũng vậy!

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nhiễm bẩn toàn diện ngay và luôn, có hai cách, một là ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà kín, trồng tập trung kiểm soát tối đa năng suất, tối thiểu diện tích, tối ưu chất lượng như Nhật Bản, Israel đang làm (mà Việt Nam hiện tại chưa làm được); hai là đi theo hướng hữu cơ thiên nhiên như các tập đoàn lớn tại Việt Nam đang đưa ra thông điệp tích cực cho thị trường, cho Chính phủ, đi vào nông nghiệp xanh, sạch, đẹp. Thách thức của chính phủ là làm sao giải quyết việc cho phép phá rừng lấy đất sạch làm nông nghiệp dẫn đến rủi ro phá hoại thiên nhiên, và tích đất tụ điền trên đồng ruộng hiện hữu dẫn đến rủi ro xã hội khi đụng chạm các “cánh đồng mẫu nhỏ”.

Nhưng phải xem xét kỹ việc khai thác tài nguyên cạn kiệt, nhất là trong lúc mình thiếu rất nhiều chuyên gia bảo đảm phát triển cân bằng, hài hòa tự nhiên. Một số tập đoàn đang chiếm giữ tích tụ đất đai càng nhiều càng tốt, để lấy được đất đai không gì khác ngoài biến nó thành nông nghiệp. Việc này còn giúp họ giãn nợ, vay nợ thêm phục vụ cho việc tồn tại và phát triển những dự án khác như bất động sản đã đầu tư trước đây.

Tuy không ai kiểm tra được động thái của các "đại gia làm nông nghiệp" thực sự làm nông nghiệp, hay để giãn nợ, vay thêm nợ, hoặc đơn giản là ghi điểm thêm cho cổ phiếu của mình. Dù sao chăng nữa đây là phương cách khả thi nhất để có thể kiểm soát chất lượng và đồng bộ sản phẩm ở quy mô sản lượng.

Quan sát xu hướng này, chúng ta có thể đưa ra khái niệm công nông nghiệp, khi ngành nông nghiệp không còn là cuộc chơi của riêng nông dân, mà còn có các tập đoàn và bài toán xã hội, nay trở thành kinh tế và gắn liền với chính trị, đang được chính phủ đặc biệt quan tâm.

Nói đến đây việc cần làm nhất còn là thay đổi đạo đức, ý thức người nông dân

Để người dân có thể phân biệt giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, theo ông Đức, cách phân biệt dễ nhất là giá: “Sản phẩm hữu cơ luôn có giá cao hơn các sản phẩm thông thường từ 15 - 50%; tiếp theo là kênh phân phối, với tất cả sự tin tưởng dành cho các siêu thị hiện tại, thì việc chọn mua sản phẩm hữu cơ khá dễ dàng theo khu vực và tem nhãn, cho tới khi các đội quản lý thị trường phát hiện như trường hợp của siêu thị Metro Hà Nội cách đây không lâu. Còn nếu coi thực phẩm biến đổi gen là công nghệ cao thì chỉ cần xem nhãn GMO…

Theo ông Từ Minh Thiện, Phó ban quản Lý AHTP, thành phố HCM đang có dự án nhập thiết bị kiểm tra “tức thì” thực phẩm với giá thành thấp để người tiêu dùng bình thường cũng có thể tự mua, tự kiểm soát lấy, cho đến khi đó mọi thứ dừng ở niềm tin vào thương hiệu, và đó là câu chuyện của tiếp thị, chứ không phải khoa học.

Người tiêu dùng cần xem lại định nghĩa về nông nghiệp hữu cơ đã nói trên, còn lại vấn đề giá có 2 yếu tố cần xem xét, một là chi phí sản xuất thực phẩm hữu cơ cao hơn, hai là chính sách đặt giá để tiếp thị giá trị (Price Perceived Value).

Còn người mua cũng có hai dạng, một quan tâm đến sức khỏe, hai quan tâm tới hình ảnh và đẳng cấp cá nhân! Nói chung giá là chuyện của thị trường theo quy luật cung cầu, không phải là phạm trù của các nhà đạo đức học!

Để người canh tác hữu cơ đúng nghĩa, bằng cả trái tim có thể sống được và phát triển kinh doanh, mang lại lợi ích cho xã hội, ông Đức nhấn mạnh: “Chúng ta không nên lẫn lộn hoạt động kinh doanh và hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Chính quyền hay xã hội cũng không cần phải lo doanh nhân có nản lòng hay không, vì họ tự biết điều chỉnh để tồn tại và phát triển.

Đơn giản từ bài toán cung cầu, nếu nhu cầu đủ lớn, tất sẽ có cung; nếu sản xuất không đảm bảo chi phí và thời gian, thì luôn có hàng nhập khẩu lấp vào khoảng trống thị trường. Việc chăm sóc doanh nhân một cách bất thường như hiện nay, hay đàn áp tiêu diệt họ trong quá khứ như với các đại điền chủ đều bóp méo nền kinh tế thị trường với nhiều hệ lụy như đã để lại trong lịch sử nhiều năm qua".

Chỉ ra ba khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị từ nông nghiệp của Việt Nam là nguồn nhân lực, đạo đức, chiến lược, ông Đức nói: “Người ta nói nhiều về chuỗi giá trị, liên kết hợp tác, nhưng tư duy và đạo đức, là vấn đề nản giải nhất.

Đi vài miền quê, khi sà vào rổ trái cây, chú Năm, dì Bảy thường ngăn lại ngay, chỗ đó để bán, chỗ này mới là để ăn, việc bán những sản phẩm độc hại cho thị trường đang trở thành đương nhiên, bình thường.

Cần làm nhất hiện nay là thay đổi đạo đức, ý thức người nông dân. Sống sao miễn là có sự cân bằng giữa con người với thiên nhiên, tạo ra nền kinh tế xanh, thiên nhiên và con người hài hòa. làm sao nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân mà không làm giàu bằng cách tận diệt thiên nhiên”.

Nông nghiệp Việt Nam ngày càng già nua, khi nguồn nhân lực trẻ đã rời bỏ ruộng đồng vào nhà máy hay khoác áo sơ mi vào các cao ốc và không muốn quay lại.

“Giải quyết việc này, nhiều tổ chức NGO và các cơ quan liên hiệp quốc đã phối hợp hình thành mô thức xây dựng nên các doanh nghiệp xã hội, thu hút các thanh niên trẻ trở về với ruộng đồng. Đối tượng này là các thanh niên trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc trên khắp thế giới, chủ yếu trong lĩnh vực CNTT, nay muốn đầu tư phát triển nông nghiệp xanh sạch và bền vững xây dựng lối sống mới của giới trẻ (lifestyle) và đặc biệt là theo mô thức doanh nghiệp xã hội (social enterprises).

Có thể kể ra hàng chục tổ chức như Global Shapers, Shield, Starup.vn, StepUp, NamAngel, Viet Dojo, SaigonMakeover… hoàn toàn do các thanh niên tuổi đời không quá 30 hoạt động thiện nguyện.

Tiếp theo cuộc offline với gần 500 thanh niên Viêt Nam trên toàn thế giới tại Đại học Cần Thơ vào cuối năm 2014 về khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp gắn với CNTT cho các thanh niên Việt, quỹ đầu tư thiên thần cũng được ra mắt, để giúp cho các doanh nghiệp trẻ được sự hỗ trợ của Lãnh Sự Mỹ.

Bước đi này không có gì khác ngoài một nỗ lực tìm kiếm không mệt mỏi những phương cách để đưa nông sản Việt ra thế giới, và chúng ta đều có quyền hy vọng và có một chọn lựa hỗ trợ hay không, chia sẻ hay không, gắn bó hay không trong hội chợ này và trên toàn thế giới vì màu cờ sắc áo tương lai của nông nghiệp Việt Nam”, ông Đức nhìn nhận.

(*) Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: 'Ông hữu cơ' Nguyễn Lâm Viên nói về hữu cơ