'Quảng Ninh vẫn còn nhiều dư địa để cải cách, bứt phá'

Hoa Lan - 18:23, 28/03/2019

TheLEADERMặc dù liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong hai năm qua nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn đặt mục tiêu phấn đấu để tạo thêm đột phá bởi dư địa cải cách vẫn còn nhiều.

'Quảng Ninh vẫn còn nhiều dư địa để cải cách, bứt phá'
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Về nhất Bảng xếp hạng PCI 2018 với số điểm 70,36/100, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cho thấy một bộ máy chính quyền cầu thị, luôn lắng nghe và không ngừng đổi mới. Nhiều chỉ số trong 10 chỉ số thành phần PCI đã được cải thiện. Cụ thể, tiếp cận đất đai tăng 1,34 điểm, tính minh bạch tăng 0,14 điểm, chi phí không chính thức tăng 0,99 điểm, cạnh tranh bình đẳng tăng 0,67 điểm...

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây đã giúp Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu ngân sách tốt.

Dù vậy, ông Thắng cho rằng mức điểm 70 vẫn còn cho thấy một khoảng cách khá xa so với kỳ vọng của người dân mặc dù nhiều chỉ số, đặc biệt là chi phí không chính thức đã có sự cải thiện mạnh mẽ. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Đâu là những lý do giúp Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân bảng xếp hạng PCI 2018 thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Để tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm vừa qua, Quảng Ninh đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách đề ra đều rất cụ thể.

Trong năm 2018, Quảng Ninh đã hết sức đồng bộ và quyết liệt trong việc ban hành các nghị quyết và chương trình hành động của UBND tỉnh để chỉ đạo, điều hành cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, từng bước nâng cao và đồng bộ cơ sở hạ tầng để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tỉnh tiếp tục vận hành hiệu quả trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện, tăng cường ứng dụng chính quyền điện tử. Nhờ đó, đó đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục trong thời gian ngắn nhất với chi phí thấp nhất. Quảng Ninh phấn đấu tất cả các khâu xử lý thủ tục hành chính từ tiếp nhận, xử lý đến trả hồ sơ đều được thực hiện tại chỗ.

Chúng tôi cũng nỗ lực trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Trong năm 2018, Quảng Ninh khánh thành cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. 

Dự kiến ngày 3/4 sắp tới sẽ khởi công tuyến đường cao tốc cuối cùng của Quảng Ninh, kết nối Vân Đồn và Móng Cái. Quảng Ninh có đầy đủ cơ sở hạ tầng giao thông về đường bộ, đường biển và đường hàng không, là điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh tại địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã thay đổi quan điểm từ hỗ trợ một cách bị động sang chủ động bằng việc thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp qua các chương trình cà phê buổi sáng, cà phê doanh nhân, gặp gỡ trực tiếp và cởi mở tại các hội thảo ở nhiều lĩnh vực. 

Từ đó, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành địa phương trong việc thực thi triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Sự thay đổi đó có tác động như thế nào đến kinh tế của tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây đã giúp Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu ngân sách rất tốt. Năm 2018, Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc và vượt mức 11/11 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. 

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,11 %, con số cao nhất trong sáu năm gần đây. Thu ngân sách đạt con số cao trên 40.500 tỷ, trong đó thu nội địa đạt trên 30.500 tỷ. Đời sống của bà con nhân dân được từng bước nâng lên với thu nhập bình quân đạt trên 5.100 USD/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1.5%

Theo đánh giá của ông tại buổi công bố bảng xếp hạng PCI 2018, dư địa cải cách vẫn còn lớn, Quảng Ninh có kế hoạch gì để tiếp tục cải cách trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Quảng Ninh đạt 70,36/100 điểm về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, như vậy dư địa để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn rất nhiều. Tỉnh cần tiếp tục nỗ lực để tạo môi trường làm ăn thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Tỉnh sẽ tiếp tục soi vào 10 chỉ số thành phần để tìm ra giải pháp, chương trình hành động nhằm cải thiện chỉ số PCI cũng như từng chỉ số thành phần trong PCI, tạo sự bứt phá trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Chúng tôi cũng đặt ra chương trình mục tiêu đưa các chính sách trở thành những hành động thiết thực, tạo lợi ích cho doanh nghiệp, để họ kinh doanh có hiệu quả nhất và được đối xử bình đẳng nhất, từ đó đóng góp được nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong các năm tới.

Báo cáo PCI 2018 cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến chi phí không chính thức. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này và giải pháp của Quảng Ninh trong thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Không chỉ năm 2018 mà trong các năm trước, doanh nghiệp vẫn phản ánh chi phí không chính thức còn cao. Nhưng trong năm vừa qua, đây lại là chỉ số có nhiều cải thiện, bứt phá nhất của Quảng Ninh trong 10 chỉ số. Năm 2017, chỉ số này đạt 5,79 điểm thì năm vừa qua đã tăng lên 6,78 điểm.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng trong năm 2019 và các năm tới, tỉnh Quảng Ninh cần phải nỗ lực hơn nữa bởi đây là một trong những điểm mấu chốt thể hiện sự minh bạch của nền kinh tế.

Tỉnh tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ của các cán bộ công chức, tích cực áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin giúp cắt giảm thủ tục hành chính trung gian một cách nhanh nhất, từ đó giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa, phòng chống và xử lý kịp thời các hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh cũng như uy tín và hình ảnh của tỉnh.

Bên cạnh việc cắt giảm chi phí không chính thức, PCI 2018 cũng đề cập đến tình hình hội nhập của các doanh nghiệp. Quảng Ninh có hỗ trợ như thế nào cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Tôi nhận thấy mức độ hội nhập của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh khá tốt. Tuy nhiên để đáp ứng được những thay đổi, diễn biến rất nhanh và rộng khắp của nền kinh tế đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động và cố gắng đổi mới doanh nghiệp, cải thiện hình ảnh, thay đổi phương thức quản lý và tăng cường hội nhập quốc tế.

Về phía tỉnh, sẽ tiếp tục xây dựng môi trường hành động để đồng hành với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để nâng cao khả năng hội nhập của mình.

Xin cảm ơn ông!