‘Sẽ là bước thụt lùi nếu bỏ chính sách miễn thị thực’

Giang Sơn - 08:33, 16/04/2018

TheLEADERVấn đề có tiếp tục gia hạn thị thực đối với du khách 5 nước châu Âu nữa hay không vẫn chưa rõ ràng khi thời điểm hết hạn vào 30 tháng 6 đã cận kề.

Theo ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, chính sách thị thực của Việt Nam hiện nay đã không cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN và nếu không gia hạn miễn thị thực cho du khách từ Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha thì sẽ tác động tiêu cực đến ngành du lịch vốn đã đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu tại chỗ lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

‘Sẽ là bước thụt lùi nếu bỏ chính sách miễn thị thực’
Ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch

Được biết, Hội đồng tư vấn du lịch mới đây tiếp tục đề xuất gia hạn miễn thị thực cho du khách 5 nước châu Âu. Ông có thể lý giải tại sao cần thiết phải làm như vậy?

Ông Kenneth Atkinson: Chúng tôi phải gửi đề xuất đến Chính phủ vì chúng tôi lo rằng việc miễn thị thực sẽ không được gia hạn và chúng tôi tin rằng miễn thị thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam.

Ngoài việc đề xuất gia hạn miễn thị thực, chúng tôi còn đề xuất thêm các nước được hưởng quy chế này; đó là các nước châu Âu phát triển và những thị trường xa như Canada, Australia, New Zealand, Thuỵ Sỹ, Hà Lan và Bỉ.

Chúng tôi còn đề xuất kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày so với 15 ngày hiện tại, đồng thời những du khách này được phép quay lại trong vòng 30 ngày mà không cần thị thực. Bên cạnh đó, việc miễn thị thực nên kéo dài 5 năm thay vì phải xem xét hàng năm như hiện nay.

Chúng tôi đưa ra những đề xuất này là do thời hạn miễn thị thực cho du khách 5 nước châu Âu sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 này và chúng tôi lo rằng sẽ không được gia hạn. Mặt khác, suốt nhiều năm liền chúng tôi đã vận động để quy chế thị thực của Việt Nam thuận lợi hơn, tương đương với các nước trong khu vực, từ đó có thể cạnh tranh để thu hút du khách.

Theo ông nhìn nhận thì việc thực hiện thí điểm miễn thị thực du lịch cho công dân 5 nước châu Âu trong ba năm qua có tác dụng gì không?

Ông Kenneth Atkinson: Việc miễn thị thực cho 5 nước châu Âu đã góp phần tăng lượng du khách có mức chi tiêu cao hơn và du lịch dài ngày hơn. Đây cũng chính là điều mà Việt Nam cần làm để đạt mục tiêu đón 18,5 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu xuất khẩu du lịch tại chỗ đạt 20 tỷ USD như đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW. Điều này có nghĩa là doanh thu xuất khẩu du lịch tại chỗ cần phải đạt 1.080USD/du khách.

Trong khi lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh thì khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hơn một nửa khách quốc tế đến Việt Nam và thời gian lưu lại trung bình của những du khách này là dưới 10 ngày và chi tiêu bình quân của mỗi du khách dưới 1.000USD. Nhưng khách châu Âu thường lưu trú 15 ngày hoặc hơn và chi tiêu bình quân của mỗi du khách từ 1.100-1.600USD (bình quân 1.300USD).

Nếu việc miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu không được gia hạn thì sẽ tác động thế nào đến sự phát triển du lịch?

Ông Kenneth Atkinson: Chúng tôi tin chắc rằng nếu không gia hạn miễn thị thực thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến lượng du khách đến từ những nước không được gia hạn. Đồng thời, các bên nước ngoài liên quan coi đây là bước đi tiêu cực và thụt lùi, đồng thời làm mất cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu xuất khẩu tại chỗ của ngành du lịch đặt ra cho năm 2020.

Ông đánh giá thế nào về tính cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực về việc cấp thị thực?

Ông Kenneth Atkinson: Trên thực tế, chế độ thị thực của Việt Nam không cạnh trạnh so với các nước ASEAN khác. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước miễn thị thực thấp nhất, chỉ cao hơn Lào và Campuchia, và hiện tại mới chỉ miễn thị thực cho công dân 24 nước.

Hơn nữa, trong khi du khách thường được miễn thị thực trong vòng 30 ngày thì Việt Nam chủ yếu miễn thị thực trong 15 ngày, đồng thời hạn chế du khách đã được miễn thị thực không được quay lại trong vòng 30 ngày nếu không có thị thực hợp lệ.

‘Sẽ là bước thụt lùi nếu bỏ chính sách miễn thị thực’ 1
Du khách châu Âu thường du lịch dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn

Ông đánh giá thế nào về tác động của việc Việt Nam đã áp dụng thị thực điện tử cho công dân 46 nước đến sự phát triển của du lịch?

Ông Kenneth Atkinson: Chính tôi hoan nghênh việc áp dụng thị thực điện tử vì đây là bước tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, vẫn cón những vấn đề có thể giải quyết dễ dàng để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ này. 

Cụ thể, website và tốc độ truy cập cần phải được nâng cấp bởi vì có rất nhiều lúc không truy cập được. Thứ hai, tên miền truy cập gây khó khăn cho khách du lịch và các đại lý du lịch có thể lợi dụng vấn đề này để tăng phí dịch vụ. Tên miền evisa.xuatnhapcanh.gov.vn nên đổi thành evisa.gov.vn để tránh sự phức tạp, đồng thời thể hiện rõ đây là dịch vụ của chính phủ. Thứ ba, chúng tôi đề xuất thêm 4 vùng lãnh thổ/nước được hưởng quy chế thị thực điện tử là Đài Loan, Hong Kong, Thuỵ Sỹ và Bỉ.

Ngoài vấn đề thị thực, theo ông thì Chính phủ Việt Nam cần làm gì nữa để thu hút thêm khách du lịch?

Ông Kenneth Atkinson: Có một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết để Việt Nam tăng sức hút đối với du khách. Trước hết, cần phải nhận thấy là chi phí dành cho tiếp thị quảng bá du lịch của Việt Nam hiện nay mới chỉ bằng 5% hoặc thấp hơn so với chi phí mà Thái Lan và Malaysia bỏ ra; thậm chí còn thấp hơn cả Campuchia. Vì thế, cần phải tăng chi cho quảng bá tiếp thị du lịch. 

Việt Nam cũng cần xây dựng thêm nhiều điểm du lịch hấp dẫn và thuận tiện hơn, đặc biệt là điểm du lịch dành cho gia đình nhằm thu hút khách quay trở lại. Đồng thời, Chính phủ cũng cần giám sát chặt chẽ việc phát triển có trách nhiệm và bền vững để việc tăng số lượng khách sạn phải đi song song với việc bảo vệ môi trường và quản lý chất thải.