Diễn đàn quản trị
Xây dựng quốc gia du lịch nhìn từ dịch vụ taxi
Một trong những hoạt động dễ gây mất thể diện quốc gia nhất chính là dịch vụ taxi.
Mấy ngày tết qua, vẫn còn không ít lời phàn nàn về dịch vụ taxi không chỉ với người nước ngoài, bà con Việt kiều mà còn cả với dân trong nước. Trong du lịch, cộng hưởng những chuyện tưởng chừng lặt vặt lại có thể là hỏng toàn bộ cố gằng xây dựng môi trường du lịch quốc gia.
Du lịch là để vui, nghỉ dưỡng chứ không phải để nhận được sự khó chịu và thất vọng.
Các cửa khẩu của một quốc gia (đường bộ, đường thủy, đường hàng không) là nơi đầu tiên đón khách bên ngoài tới, chính nơi đây bắt đầu cho một quá trình nhận thức về một đất nước, con người và từ đó làm nảy sinh tình cảm thái độ yêu ghét trong họ.
Trong số các cửa khẩu đó thì sân bay quốc tế là quan trọng nhất, bởi nơi đây đón tiếp hàng triệu người mỗi năm, trong đó có rất nhiều người nổi tiếng và danh giá.
Bất kỳ ai khi bước xuống sân bay của một quốc gia khác thì những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt họ và hoạt động đầu tiên liên quan đến họ sẽ gây cho người ta ấn tượng vô cùng mạnh mẽ về đất nước đó.
Cách thiết kế và bài trí sân bay phản ánh quan niệm thẩm mỹ, trình độ kiến trúc và xây dựng; các trang thiết bị kỹ thuật cho thấy trình độ công nghệ, các dịch vụ cho thấy tiềm năng kinh tế, cách thức vận hành và tác phong làm viêc của nhân viên phản ánh trình độ tổ chức và mức độ chuyên nghiệp của nghiệp vụ hành chính, còn thái độ ứng xử cho người ta thấy được văn hóa và lối sống của một dân tộc.
Một sân bay có hàng chục bộ phân khác nhau, và hàng trăm loại dịch vụ, nhưng một điều cực kỳ hệ trọng là tất cả phải kết thành một khối thống nhất mang tính đại diện cho một quốc gia.
Dù anh là người kiểm soát vé, an ninh hàng không, kiểm hàng, quét rác hay tài xế xe thì đều phải nhận thức được bất cứ hành động nào của anh đều ảnh hưởng đến thể diện và hình ảnh quốc gia.
Nhận thức được điều hệ trọng này mà tất cả các quốc gia đều có những đầu tư lớn cho sân bay quốc tế không chỉ về tiền bạc, kỹ thuật mà còn cả con người với chất lượng cao nữa.
Nếu một lần đến sân bay quốc tế Narita của Nhật Bản hay Incheon của Hàn Quốc bạn sẽ cảm nhận được hình ảnh và sức mạnh của quốc gia được xây dựng và chăm chút ở một nghệ thuật bậc cao.
Quay trở về với sân bay quốc tế của Việt Nam, thật khó mà nói Nội Bài và Tân Sơn Nhất làm cho chúng ta hài lòng về mọi chuyện, có quá nhiều chuyện làm cho chúng ta buồn lòng, một trong những hoạt động gây mất thể diện quốc gia nhất chính là dịch vụ taxi.
Cơ quan tôi thường đón tiếp các nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới, cho dù chúng tôi rất chu đáo trong việc đưa đón ở sân bay, nhưng có những lúc họ muốn tự đi về bằng taxi, và hầu hết trong số họ đều tỏ ra bất bình với loại dịch vụ này.
Ở tất cả các nước trên thế giới việc một người khách bước lên taxi, tài xế xe bật đồng hồ tính tiền và người khách trả đúng số tiền và được trả lại đúng số tiền thừa khi bước xuống là chuyện hết sức bình thường và quá đỗi đương nhiên đến mức những người lạ hoắc từ nơi xa đến không biết tiếng địa phương cũng yên tâm sử dụng phương tiện thông dụng này. Kể cả trẻ em, người già cũng không băn khoăn khi sử dụng loại phương tiện công cộng này bởi sự an toàn và tử tế của nó. Nhưng ở các sân bay Việt Nam thì không như thế (và có thể không bao giờ).
Khách nước ngoài bị "sốc" (không phải là sốc văn hóa do sự khác biệt) mà sốc với những hành động kỳ quặc của cánh tài xế taxi như tắt đồng hồ để ra giá tiền trên trời, bật đồng hồ chạy một đoạn mới ra giá nếu không thì gây khó dễ. Nếu phải dùng đồng hồ thì chạy vòng lòng, chửi bới đe dọa hành khách khi không nhận được số tiền mong muốn, bỏ khách ngang đường khi cuộc mặc cả không thành, thậm chí trả thiếu đồ khi lấy từ cốp xe ra cho khách, bỏ chạy không trả lại tiền thừa,..Những điều tệ hại này càng nghiêm trọng hơn với những chuyến bay đêm.
Có thể nói hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến đến mức trở thành một tệ nạn mà báo chí nhiều lần phản ánh, các cơ quan chức năng cố gắng cải thiện tình hình sau một vài lần chỉnh đốn, nhưng kết quả mang lại không được bao nhiêu.
Một vài vị quan chức cho rằng dịch vụ taxi không thuộc sân bay, còn quản lý và giáo dục đạo đức tài xế là do mỗi công ty, nếu quả thật như thế thì cần phải xem lại cơ cấu tổ chức và cách điều hành này.
Với hành khách cho dù là nước ngoài hay nội địa thì tất cả các hoạt động trong khu vực cảng hàng không đều thuộc một tên gọi thống nhất và hình ảnh chung là “sân bay quốc gia”, không ai có thể giải thích với từng vị khách nước ngoài rằng hành động xấu đó là cá biệt là “con sâu bỏ rầu nồi canh” và mong các vị hãy hiểu đó là tài xế của công ty A hay B.
Du khách họ không quan tâm đến những lời thanh minh đó (nếu có), với họ tất cả chỉ phản ánh một hình ảnh “Việt Nam” và những hệ quả mà họ phải gánh chịu (có thể không lớn) sẽ đọng lại rất lâu trong ký ức, và hơn thế nữa nó được lan truyền sâu rộng trong bạn bè người thân.
Là người làm nghiên cứu lâu năm và đi nhiều nơi trên thế giới tôi mới hiểu được tại sao hơn 80% người nước ngoài đến Việt Nam chỉ một lần và không bao giờ trở lại, tại sao trên các trang web hướng dẫn du lịch quốc tế có hàng chục điều cảnh báo trong đó có về nạn móc túi, chặt chém hành khách ở Việt Nam.
Có một vài người cho rằng việc xung đột chính trị ở Bangkok là một cơ hội vàng khiến cho du khách chuyển hướng thay vì đến Thái Lan thì nay sẽ đến Việt Nam, nhưng thực tế không diễn ra theo kịch bản kỳ vọng đó.
Đúng là khách đến Thái Lan có giảm đôi chút trong thời gian bất ổn, nhưng chỉ sau vài ba tuần thì Thái Lan lấy lại được phong độ, số khách lại tăng lên nhanh chóng, và có một thực tế là có sút giảm thì mức hút khách nước ngoài của họ vẫn cao gấp nhiều lần Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Du lịch và Thể thao của Thái Lan, từ 2010 đến nay tỷ lệ tăng khách du lịch luôn ở mức 7 - 10% mỗi năm.
Năm 2017, khách nước ngoài đến Việt Nam đạt con số kỷ lục là 12,5 triệu lượt, tuy nhiên chưa thấm vào đâu so với các nước trong khu vực, nếu so với tỷ lệ trên dân số thì còn rất khiêm tốn (Việt Nam 12,5 triệu khách/93 triệu dân; trong khi Singapore là 18 triệu khách/4,5 triệu dân, Malaysia 23 triệu/31 triệu, Cambodia 6,5 triệu/15 triệu).
Làm ra sự khác biệt này là do ở xứ họ, người dân ý thức được việc “toàn dân làm du lịch”, còn ở Việt Nam, từ bà bán phở đến ông taxi, từ hướng dẫn viên du lịch đến chủ khách sạn, từ công ty vận tải đến công ty dịch vụ lữ hành mặc sức mà “khai thác” hành khách.
Nhưng đã có ai đó nghĩ rằng, đến một lúc nào đó không ai đến với chúng ta nữa thì lấy gì mà “khai”, lúc đó chỉ còn “thác” thôi.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: TS. Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững Châu Á tại Việt Nam.
Ai sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng du lịch?
SVD-Group hợp tác Menas đưa hàng Nga vào Việt Nam
Menas Vietnam vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với SVD-Group, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa các sản phẩm cao cấp từ Nga đến tay người tiêu dùng Việt.
Gia hạn nợ do bão Yagi đến hết 2025
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 53 hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn do bão Yagi.
Thay đổi diện mạo, Dược phẩm Thái Minh tham vọng vươn ra thế giới
Dược phẩm Thái Minh ra mắt bộ nhận diện thương hiệu và bao bì mới, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2025: Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Diễn đàn được kỳ vọng là nơi kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia và nhà môi giới để đánh giá toàn diện thị trường năm 2024, dự báo xu hướng và chiến lược phát triển cho năm 2025.
Vietnam Airlines hợp tác Wink Hotels nâng tầm trải nghiệm du lịch
Vietnam Airlines và chuỗi khách sạn Wink Hotels vừa ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mang đến trải nghiệm du lịch toàn diện, kết nối các chuyến bay với dịch vụ lưu trú cao cấp tại Việt Nam và quốc tế.
Quảng Ninh có lãnh đạo mới nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ông Phạm Đức Ấn vừa được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và bà Trịnh Thị Minh Thanh giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
The 9 Stellars: Tâm điểm đầu tư mới tại khu Đông TP. HCM
Tuyến metro số 1 dự kiến vận hành từ cuối tháng 12/2024, mở ra cơ hội lớn cho bất động sản tại khu Đông, nổi bật là The 9 Stellars của SonKim Land.