'Tất tần tật' các điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp

Nhật Hạ - 21:14, 07/06/2022

TheLEADERGiá vật tư nông nghiệp, đặt biệt là phân bón đang tăng cao, thương hiệu nông sản, được mùa mất giá, nạn phân bón giả, doanh nghiệp chưa mặn mà với ngành nông nghiệp, nguồn nhân lực chủ yếu chưa qua đào tạo, đất bị suy thoái… là những vấn đề nóng mà các đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên chất vấn chiều 7/6.

Giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp leo thang

Giá vật tư đầu vào nông nghiệp liên tục tăng trong những năm vừa qua và đặc biệt tăng mạnh vào đầu năm nay, là vấn đề được đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chiều ngày 7/6.

Đại biểu Lê Thị Song An (tỉnh Long An) cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn, giá vật tư đầu vào tăng cao, có những loại phân bón tăng đến 200%, trong khi đó giá bán nông sản thấp, có thời điểm không tiêu thụ được.

Trong khi đó, giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón, thuốc trừ sâu cũng như giá xăng dầu liên tục tăng làm cho người nông dân sản xuất không có lời. Điều này dẫn đến thực trạng có rất nhiều diện tích đất trồng thanh long, người dân phải phá bỏ để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Thậm chí có rất nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ không, người dân không sản xuất vì tâm lý lo ngại bị thua lỗ.

'Tất tần tật' các điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp
Đại biểu Lê Thị Song An (tỉnh Long An) tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 7/6. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Đại biểu An đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có những giải pháp để kiểm soát được giá cả vật tư nông nghiệp và định hướng cho các địa phương trong quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng công nghệ cao với giá cả đầu ra ổn định, giúp cho người nông dân được an tâm sản xuất?

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều ngư dân rất vất vả khi giá xăng dầu tăng cao, một số dân miền Trung lại phải cho tàu nằm bờ. Đặc biệt, một số chủ tàu cá mặc dù biết là gặp khó khăn trong việc đối đầu với thua lỗ nhưng đều lựa chọn bám biển để mưu sinh cho gia đình. Do đó cần có chính sách bình ổn giá, hỗ trợ cho ngư dân bám biển và có hiệu quả kinh tế.

Có ý kiến cho rằng đây là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp, cần có giải pháp để hỗ trợ, giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình giá cả vật tư leo thang trong thời gian tới, bên cạnh đó là những giải pháp phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm nhằm giảm nhu cầu nhập khẩu, phát triển sản xuất trong nước, từ đó góp phần kiểm soát giá cả. 

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao

Về thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) nêu rõ doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro thiên tai, dịch bệnh nên doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia.

'Tất tần tật' các điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp 2
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Mặt khác, còn nhiều điểm nghẽn khi doanh nghiệp tham gia đầu tư như khó tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chính sách ưu đãi còn nhiều thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp ngán ngại. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến chuyên ngành sản xuất nông nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế.

Cùng với đó, tình trạng “trồng nhiều loại cây thì phải giải cứu rất nhiều, nhưng sản phẩm liên tục phải nhập khẩu tăng hàng năm, diện tích sản xuất liên tục giảm” đang hiện hữu. Đại biểu Trần Đình Gia bày tỏ băn khoăn trong việc điều hành quy hoạch sản xuất.

Ông Gia lấy ví dụ: nhu cầu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi là ngô tăng rất cao trong thời gian gần đây. Mặc dù ngô là cây sản xuất có lợi thế của Việt Nam, nhưng diện tích trồng ngô giảm liên tục từ năm 2015 đến nay.

Người dân xác định trồng ngô là cây truyền thống, diện tích cao nhưng cả một khoảng thời gian rất dài không có chính sách phát triển trồng ngô làm nguyên liệu.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trước thực trạng giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp tăng cao, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ. Đây được nhìn nhận là giải pháp căn cơ chủ động và tích cực.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có một thực trạng đó là từ trước đến nay, tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long chưa hoặc ít chủ động sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Nhân lực trong ngành nông nghiệp

Về nhân lực trong ngành nông nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội) cho rằng trong tương lai có thể nhiều thế hệ sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề sẽ không ở lại thành phố mà sẽ trở về quê để lập nghiệp.

Đó là một xu hướng mới và sẽ là một cơ hội phát triển, đồng thời cũng là một thách thức vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nông thôn. Ông cho rằng, cần có giải pháp đột phá cho cuộc cách mạng về khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở nông thôn để có thể tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp.

'Tất tần tật' các điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp 3
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội)

Theo đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum), khoa học, công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt, đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải giải quyết mối quan hệ giữa áp dụng khoa học công nghệ với nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực chính của nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là người nông dân chưa qua đào tạo còn hạn chế về năng lực làm chủ cũng như tiếp cận ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nhất là nông dân miền núi Tây Nguyên.

Tỷ lệ nông sản qua chế biến thấp

Có ý kiến cho rằng, đến nay, nông nghiệp nước ta, về cơ bản, vẫn là nền nông nghiệp gia công, chế biến thô với giá trị gia tăng rất thấp, cho nên người nông dân chưa thể giàu lên bằng nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tương đối cao, tuy nhiên chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô, gần 80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó có trên 70% là lệ thuộc vào một thị trường lớn rủi ro. Đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp.

Do đó, thời gian tới cần có giải pháp, chính sách để tăng tỉ lệ nông sản đưa ra thị trường đã qua chế biến, tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

Đại biểu Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang) cho biết, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay liên kết này vẫn còn nhiều nút thắt khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản đôi khi còn bị bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng tư thương lợi dụng, thao túng giá cả thị trường, thậm chí là bẻ gãy liên kết. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng các chuỗi liên kết này chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

'Tất tần tật' các điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp 5
Đại biểu Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang)

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Huệ (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt tại các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp. Vì thế thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện.

Bên cạnh đó, hiện nay mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, nông nghiệp du lịch sinh thái đang là xu hướng mới của nền nông nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, tình trạng thực phẩm bẩn bị ô nhiễm; nạn phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (tỉnh Hưng Yên) nêu rõ, theo Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn về khoảng cách tối thiểu mà trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ phải cách khu dân cư 100m, đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa là 200m.

Nhất là quy định về khoảng cách giữa hai trang trại chăn nuôi của hai chủ thể khác nhau, phải cách nhau tối thiểu 50m. Đại biểu cho rằng quy định như trên là phù hợp để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, thực tiễn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, để thực hiện quy định này đối với các trang trại gặp nhiều khó khăn, rất khó thực hiện được. Các trang trại không đạt được các tiêu chí về khoảng cách này sẽ không đủ điều kiện để đăng ký công nhận sản phẩm OCOP, mặc dù các trang trại bảo đảm an toàn về môi trường, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân.

Do đó, đại biểu cho rằng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trang trại chăn nuôi tuy không bảo đảm về khoảng cách nhưng vẫn bảo đảm về yếu tố môi trường.

Tình trạng đất bị suy thoái

Theo đại biểu Trịnh Lam Sinh (tỉnh An Giang), trước tác động của quá trình tự nhiên cũng như các yếu tố nhân tạo đã làm cho đất bị suy thoái nên rất khó để có thể phục hồi và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đáng báo động là tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, cho nên việc khắc phục và ngăn chặn không phải dễ dàng.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (tỉnh Kon Tum) cho biết, khu vực Tây Nguyên với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng rất thuận lợi. Đây là điều kiện để phát triển các lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, trồng và sản xuất dược liệu, chăn nuôi, du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng Tây Nguyên chưa thuận lợi, nhất là về giao thông, logistic; nhân lực tại chỗ vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu kỹ năng.

Trong khi đó, các yêu cầu từ thị trường thì ngày càng cao, đặc biệt với các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững, phát triển xanh, giảm phát thải khí hậu.

'Tất tần tật' các điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp 6
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (tỉnh Kon Tum)

Đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp, chiến lược để hỗ trợ các địa phương, giúp các tỉnh chuyển từ tiềm năng thành thực tiễn; chuyển từ tự phát nhỏ lẻ thành những địa phương gắn kết được vào các chuỗi giá trị lớn của sản xuất nông, lâm sản và hình thành những hệ sinh thái hay cụm liên kết ngành để tạo ra những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng địa phương thay cho sự phát triển manh mún, trùng lặp, chồng chéo như hiện nay.

Mặt khác, đại biểu Hoàng Anh Công (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, cử tri rất lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây nên rất nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp.

Một trong những nguyên nhân là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước châu Âu và Hoa Kỳ.

Do đó, ông Công cho rằng, cần có giải pháp để giúp người nông dân nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững.

Bên cạnh đó, một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội nhắc đến gồm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho các Chương trình khoa học công nghệ; lộ trình xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, phát triển bền vững; bất cập nhiều năm trong việc triển khai gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường tiêu thụ nông sản; hiện nay các quốc gia trên thế giới đang đối diện với khủng hoảng an ninh lương thực; đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?