Đến năm 2030, miền Tây trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững

Phạm Sơn - 09:00, 06/03/2022

TheLEADERĐây là tầm nhìn được đặt ra tại quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt.

Đến năm 2030, miền Tây trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững
Nông nghiệp miền Tây phát triển theo hướng bền vững, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Ảnh: KDPT.

Quy hoạch miền Tây có quan điểm phát triển dựa trên việc gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Riêng đối với ngành nông nghiệp, quy hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể là phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức 20 – 25% vào năm 2030.

Mặt khác, ngành nông nghiệp miền Tây cũng cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trên quan điểm “thuận thiên”, quy hoạch đề ra phương hướng phát triển ngành có lợi thế, với 7 hướng phát triển cụ thể cho ngành nông nghiệp.

Đầu tiên, phát triển sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm là thủy sản, trái cây và lúa gạo, trong đó tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.

Thứ hai, quy hoạch chia đồng bằng sông Cửu Long thành 3 tiểu vùng sinh thái, bao gồm vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm, là vùng trọng điểm cho lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây.

Vùng sinh thái mặn – lợ ven biển phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nước mặn, nước lợ, phát triển nông lâm theo hướng sinh thái, kết hợp với du lịch và phòng tránh rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Vùng chuyển tiếp ngọt – lợ ở giữa đồng bằng sẽ phát triển thủy sản nước lợ, chuyên canh và luân canh lúa, rau màu phù hợp với điều kiện nguồn nước từng thời điểm trong năm.

Thứ ba, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, logistics, du lịch sinh thái và công nghiệp. Trong đó, đặt trọng tâm vào công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản.

Thứ tư, phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh và kết nối với các đô thị. Trong đó, thành phố Cần Thơ là trung tâm đầu mối tổng hợp; tỉnh Hậu Giang chú trọng phát triển logistics để phụ trợ cho Cần Thơ, cũng như trở thành trung tâm đầu logistics toàn vùng.

Trung tâm đầu mối vùng sinh thái ngọt đặt ở An Giang, Đồng Tháp; trung tâm vùng sinh thái mặn – lợ ven biển đặt tại Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng; Tiền Giang và Bến Tre là trung tâm về nguyên liệu trái cây, rau màu.

Thứ năm, phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa tại các tiểu vùng. Tăng cường liên kết đô thị với nông thôn để hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ phụ trợ nông nghiệp.

Thứ sáu, phát triển nông nghiệp theo hướng thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai thành các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu có quy mô lớn, từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Cuối cùng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực chế biến nông sản, giống và thức ăn, trong đó chú trọng canh tác bền vững với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh.

Quy hoạch vùng nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2030 phát triển đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.