'Bão giá' ở nghị trường

Nhật Hạ - 14:12, 03/06/2022

TheLEADERĐến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, giá thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi gia súc, phân bón... Người nông dân đang “oằn mình trong cơn bão giá”, đại biểu Châu Quỳnh Dao lo lắng.

Người dân và doanh nghiệp rất lo lắng khi giá tiêu dùng ở một số ngành hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là xăng dầu và kéo theo giá nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất công nghiệp, nền nông nghiệp cũng như giá lương thực, thực phẩm cũng tăng theo.

“Điều đó đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp vốn đã khó khăn khi mà dịch Covid-19 vẫn chưa qua”, đại biểu Trần Thị Vân (tỉnh Bắc Ninh) cho biết tại phiên thảo luận về tình kinh kinh tế xã hội của Quốc hội vừa qua.

Do đó, đại biểu Vân đề nghị Chính phủ phải phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá cả thị trường, bổ sung các yếu tố bất lợi như thiên tai, dịch bệnh hay xung đột vũ trang để có cơ sở đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm kiềm chế lạm phát hiệu quả.

Giá xăng dầu tiếp tục lập đỉnh lịch sử mới từ ngày 1/6. Mỗi lít xăng có giá gần 31.600 đồng.

Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 14 kỳ điều hành giá có tới 11 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm; giá xăng đã tăng 7.343 - 7.695 đồng/lít. Còn tính trong 2 năm qua, giá xăng trong nước đã tăng tới 20.000 đồng/lít.

Đa số ý kiến cho rằng giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao trong thời gian tới khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Để kìm chế giá xăng dầu tăng cao, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng ngay tại kỳ họp này, Quốc hội nên giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022.

Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, với giá dầu thô tăng, mà Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này, theo ông Khoa.

Mặt khác, tiến độ đầu tư công cũng bị ảnh hưởng. Giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo giá vật tư, vật liệu tăng đột biến như sắt thép, xi măng... có thể dẫn đến tình trạng nhiều dự án, công trình sẽ bị giãn tiến độ hoặc ngừng thi công, theo đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc). 

Đến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, giá thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm, thuốc bảo vệ thực vật, đặt biệt là giá phân bón tăng cao (được biết có loại tăng giá tới 250%). Đại biểu Châu Quỳnh Dao (tỉnh Kiên Giang) nhận định hiện nay người nông dân đang “oằn mình trong cơn bão giá”.

Thời kỳ bão giá đang hiện hữu 1
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón đã liên tục tăng cao, đặc biệt từ đầu năm 2022 này, giá phân bón đã đạt đỉnh, lập mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Hiện giá phân bón ở mức hơn 16-18 triệu đồng/tấn tùy loại.

Giá các loại phân bón chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 20 - 40% trong quý II năm nay, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Trong khi đó, giá nông sản vẫn ổn định, bền vững theo thời gian. Theo đại biểu Dao, những tồn tại trên đã nói lên việc nếu không quan tâm, không khắc phục sớm thì sẽ dẫn tới một nghịch lý. Đó là, chính những người nông dân là người tự sản xuất lương thực và đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội nhưng sẽ rơi vào đói do nghề.

Chính vì thế để người nông dân không bị thiệt thòi mà không bị kiệt quệ do sản xuất ngày càng thua lỗ, đại biểu Dao kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật số 71 Quốc hội khoá XIII, trong đó có quy định giá phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng “được chịu thuế giá trị gia tăng để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước”.

Đại biểu Dao mong rằng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ vấn đề xuất khẩu phân bón để đáp ứng được nguồn cung trong nước, để không khan hiếm và hạ giá thành nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nông dân.

Thêm nữa, có ý kiến cho rằng việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời.

Theo báo cáo thị trường của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong 4 tháng đầu năm, nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Bình Phước, Gia Lai, TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận diễn ra sốt giá bất động sản dồn dập. Đất nền nhiều huyện nông thôn tăng giá gấp 2-3 lần so với cùng kỳ, có nơi tăng giá 30-50% chỉ trong một quý. Giá chào bán các dự án mới tại TP.HCM ghi nhận có trường hợp tăng 30-40% so với mặt bằng giá cũ.

Trên các sàn địa ốc trực tuyến, giá đất miền Bắc gồm Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội tăng 20-35%. Giá đất miền Trung thuộc các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Thanh Hóa tăng 13-40% và ở miền Nam ghi nhận giá đất tại Long An, Bình Phước, Bình Dương tăng 13-27%.

Bên cạnh đó, hiện tượng tăng giá học phí ở các bậc học, giá sách giáo khoa cũng đang gây áp lực lên các bậc phụ huynh.

Mặc dù giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí bày tỏ lo ngại. Hiện nay người dân và doanh nghiệp rất khó khăn.

Giải trình về giá xăng dầu, ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ cân nhắc, đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội việc giảm thêm thuế với xăng dầu.

Tỷ trọng thuế trong mỗi lít xăng ở nhiều nước 45-60%, còn tại Việt Nam hiện khoảng 29-31%, ông Phớc cho biết. Ví dụ, mỗi lít xăng RON 92 (loại xăng nền dùng để pha chế xăng E5 RON 92) với giá nhập khẩu hiện khoảng 22.000 đồng, tiền thuế là 8.000 đồng, tương đương khoảng 28%.

Từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% đến hết năm nay. Dư địa loại thuế này hiện còn 2.000 đồng mỗi lít xăng; 1.000 đồng với dầu. Ngoài ra, cơ cấu thuế trong mỗi lít xăng hiện còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT..., các loại thuế này thuộc thẩm quyền quyền định còn Quốc hội.

Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm sản xuất được hơn 8 triệu thùng dầu thô. "Giá dầu thô tăng thì cũng bù đắp ngân sách được một phần, nhưng chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, nên khi giảm thuế sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khoá đã được duyệt", ông Phớc cho biết.

Thời kỳ bão giá đang hiện hữu 4
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Ngoài thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết muốn giảm giá xăng dầu thì cần đồng bộ nhiều giải pháp khác, chẳng hạn phải tăng cường chống buôn lậu với mặt hàng này.

Hiện giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào khoảng 11.000 đồng, Campuchia 3.000 đồng một lít... Nếu giá xăng trong nước chênh lệch nhiều với một số nước trong khu vực (thấp hơn các nước), sẽ dẫn tới tình trạng thẩm lậu xăng dầu.

Bên cạnh đó, ông cho rằng phải thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, tức nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng phần lớn nguồn cung trong nước.