Tìm kiếm thị trường mới, doanh nghiệp xuất khẩu đối diện rủi ro thanh toán

Nhật Hạ - 16:39, 27/07/2023

TheLEADERTình trạng lừa đảo xuất hiện nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu như khu vực Trung Đông... đang được doanh nghiệp thúc đẩy mở rộng trong bối cảnh các thị trường truyền thống khó khăn. Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp phải thận trọng, đàm phán kỹ điều khoản thanh toán.

Các thị trường xuất khẩu truyền thống giảm mạnh

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu giảm tại nhiều thị trường truyền thống lớn của doanh nghiệp Việt.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Có tới 37/46 nhóm hàng bị thu hẹp xuất khẩu, tốc độ nhanh nhất phải kể tới các mặt hàng gồm than các loại (65,5%); phân bón các loại (48%); sản phẩm gỗ (32,4%).

Trong số 9 nhóm hàng còn tăng trưởng xuất khẩu, ấn tượng nhất là rau quả với kim ngạch xuất khẩu tăng 60%; gạo tăng 32,2%.

Các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… trong nửa đầu năm nay đều sụt giảm sức mua. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm gần 23%; sang EU giảm 11%; sang Hàn Quốc giảm 10%; ASEAN giảm gần 9%; Trung Quốc giảm 2,2%; Nhật Bản giảm 3,3%.

Thị trường mới nhiều rủi ro

Trong bối cảnh trên, một trong những giải pháp được chú trọng ngay từ đầu năm là đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Trong đó, nhằm bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống, doanh nghiệp nên thúc đẩy đa dạng hóa thị trường. Bộ Công thương khuyến nghị mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Phi…

Tuy nhiên, do mong muốn gia tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt đã chấp nhận hình thức thanh toán rủi ro cao. 

Xuất khẩu khó, doanh nghiệp dễ chấp nhận hình thức thanh toán quốc tế nhiều rủi ro
Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp phải thận trọng, đàm phán kỹ điều khoản thanh toán. Ảnh: Hoàng Anh.

Bộ Công thương cho biết hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ.

Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là 2 hình thức có nhiều rủi ro nhất.

Cụ thể, thanh toán TT trả sau, nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán.

Phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3.

Nguy cơ mất trắng hàng khi hình thức thanh toán quốc tế chưa đủ an toàn

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thời gian gần đây, các doanh nghiệp là thành viên của VPA đã kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang UAE gồm tiêu, quế, hồi, hạt điều. Tuy nhiên, các công ty này cho biết các giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại từ cùng một người mua và cùng một ngân hàng có trụ sở tại Dubai, UAE.

Đầu tuần này, hiệp hội đã cập nhật thông tin về vụ việc 4 doanh nghiệp hội viên có nguy cơ mất hàng tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA) khi giao dịch với cùng 1 đối tác và kiến nghị các bộ, ngành liên quan có biện pháp hỗ trợ.

Theo đó, đã có 5 container hàng gồm: Hồ tiêu (2 lô), hạt điều, quế, hoa hồi trị giá 516.761 USD của 4 doanh nghiệp, xuất khẩu cho bên mua là Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (Dubai) – ngân hàng thu hộ bên mua là Ajman Bank PJSC. Hợp đồng xác định bên bán sẽ giao hàng tại cảng Jebel Ali Dubai – UAE trong tháng 6 và tháng 7/2023.

Điều khoản thanh toán là nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P) thông qua ngân hàng Ajman Bank PJSC (có trụ sở chính tại Ettehad Street, Next to Etisalat Building, Mushairef, Ajman, UAE), tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền. Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập.

Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank PJSC và nhân viên ngân hàng Ajman Bank PJSC đã xác nhận ký nhận thành công cả 5 bộ chứng từ cho 5 container.

Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman Bank PJSC nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC thanh toán nhưng không được thực hiện.

Nhận thấy sự trì hoãn, chây ỳ từ phía ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện 4 container hàng đã cập cảng (2 container hồ tiêu, 1 container quế và 1 container điều) đều đã được giao cho người có bộ chứng từ gốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu chưa được ngân hàng bên mua thanh toán tiền hàng của 4 container này, trị giá khoảng 400.000 USD.

Khi doanh nghiệp xuất khẩu phát hiện vụ việc thì hàng đã được lấy ra khỏi cảng, không liên lạc được với người mua và công ty mua hàng cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký. Vì vậy, các công ty đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam gửi điện đòi ngân hàng Ajman Bank PJSC trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp, nhưng đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.

Riêng container hoa hồi đang trên đường vận chuyển và dự kiến sẽ cập cảng Jebel Ali Dubai – UAE vào ngày 26/7 nhưng doanh nghiệp bán cũng đã bị mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc.

Trước tình trạng này, Bộ Công thương vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.

Một số phương thức thanh toán an toàn mà Bộ Công thương đề xuất doanh nghiệp cân nhắc như mở LC (thư tín dụng), hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền.

Phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc, nhưng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải bảo đảm an toàn, tránh trường hợp xảy ra như các vụ việc nêu trên do khâu giao chứng từ và nhận chứng từ (nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận, dẫn đến sự việc nhân viên an ninh ngân hàng giao chứng từ cho bên mua để đi nhận hàng mà bên mua không thanh toán tiền cho ngân hàng bên mua để trả cho ngân hàng bên bán.