Từ cơn sốt BlackPink đến cơ hội cho ngành du lịch Việt

Đặng Hoa - 08:34, 28/08/2023

TheLEADERNgành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi hội tụ nhiều điều kiện hấp dẫn để trở thành điểm đến của những sự kiện tầm cỡ quốc tế.

Từ cơn sốt BlackPink đến cơ hội cho ngành du lịch Việt
BlackPink biểu diễn ở Hà Nội. Ảnh: Facebook BlackPink

Số lượng du khách Hàn Quốc và Trung Quốc đặt tour đi du thuyền của Lux Cruises thuộc LuxGroup trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tăng đột biến lên tới 50% chỉ trong hai tuần trước và sau sự kiện nhóm nhạc BlackPink đến Hà Nội biểu diễn.

Dù không chắc chắn liệu số khách này có đến Việt Nam vì nhóm nhạc Hàn Quốc không nhưng Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà cho rằng, sự kiện BlackPink đến Việt Nam sau khi đất nước hình chữ S xuất hiện trên các chiến dịch truyền thông của nhóm nhạc quốc tế này cũng đã phần nào có sức ảnh hưởng.

Cái tên Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên truyền thông quốc tế khi song hành cùng các trung tâm du lịch và giải trí của châu Á như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Tờ báo của Singapore The Business Times đánh giá, hai đêm diễn của BlackPink đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, có hơn 170 nghìn lượt khách đến Hà Nội trong hai ngày có show diễn, trong đó có 30 nghìn du khách nước ngoài. Lượng tìm kiếm đặt phòng tại đây tăng mười lần trong những ngày diễn ra đêm nhạc, công suất buồng phòng trong tháng 7 đạt 60,8%. Tổng thu từ lượng du khách này ước đạt 630 tỷ đồng.

Người Việt ngày càng chịu chi

Không chỉ mang tính ngoại giao sau chuyến thăm đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc và phu nhân, quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến ở châu Á cho tour lưu diễn toàn cầu Born Pink như một sự khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thu hút các sự kiện lớn mang tầm quốc tế. 

Ngoài các nữ thần tượng Hàn Quốc, trong năm nay, các nam ca sĩ như Charlie Puth hay nhóm Super Junior cũng đã đến Việt Nam. Giới hâm mộ cũng đang nóng lòng chờ đón sự xuất hiện của BTS ở Việt Nam vào tháng 9 tới đây.

Chia sẻ trên The Business Times, Trần Tuấn Tài, Giảng viên tại Đại học Massey (New Zealand) chỉ ra, Việt Nam là quốc gia tiềm năng với 100 triệu dân, tỷ lệ người thuộc giới trung lưu với nhu cầu cho các hoạt động giải trí và văn hóa ngày càng gia tăng. Theo World Data Lab, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất trên thế giới trong giai đoạn 2020 - 2030.

Đến năm 2026, người dân thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam được kỳ vọng chiếm tỷ lệ tới 26% tổng dân số. Là một quốc gia đang phát triển và được báo giới quốc tế cho là sẽ trở thành “con rồng mới của châu Á”, nền kinh tế Việt Nam dù vẫn còn nhiều mặt khó khăn đặc biệt là sau hơn 2 năm chống chọi với cuộc khủng hoảng Covid-19 nhưng vẫn được đánh giá rất năng động.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP bình quân của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 4.682 USD, xếp thứ 6/10 các quốc gia trong khối ASEAN và sẽ vượt mốc 5 nghìn USD trong năm tới.

Là một đơn vị lữ hành chuyên cung cấp dịch vụ du lịch xa xỉ cho du khách đến từ châu Âu, Covid-19 xảy ra khiến ông Hà phải chuyển đổi mô hình để khai thác thị trường nội địa và áp dụng các chương trình giảm giá nhằm tìm mọi nguồn thu để tồn tại qua cơn bão. 

Không kỳ vọng quá cao và chuyển hướng với mục tiêu chính là “để người Việt được đi tàu Việt” như nguyện vọng đã đặt ra khi nối nghiệp vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi nhưng điều khiến ông Hà ngạc nhiên là các con tàu của ông luôn kín phòng khi hết giãn cách.

Rõ ràng người Việt hoàn toàn có khả năng chi trả cho các dịch vụ và trải nghiệm cao cấp. Thậm chí ngay cả khi hết các chương trình khuyến mãi thì số lượng du khách Việt mua tour của Lux Group hậu Covid cũng tăng lên tới hơn 50%, khiến ông Hà quyết định mở phòng Vietnam Market để khai thác mảng nội địa và outbound trải nghiệm cao cấp và sang trọng.

“Người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng sẵn sàng rút hầu bao cho các trải nghiệm du lịch và văn hoá cao cấp, thậm chí là nhiều lần trong một năm”, ông Hà nói.

Sự gia tăng trong thu nhập và mức độ sẵn sàng chi trả cho các trải nghiệm cao cấp là một trong những lý do quan trọng để những sự kiện lớn như Born Pink, dù có bán vé với mức giá đắt bậc nhất Đông Nam Á, hạng VIP lên tới gần 10 triệu đồng/vé, thậm chí có những lúc giá vé độn lên cao ngất ngưởng, thì vẫn thu hút tới 67 nghìn khán giả.

Họ là những người đi làm trẻ có thu nhập và khả năng chi trả để thoả mãn nhu cầu gặp gỡ thần tượng vốn đã đồng hành cùng họ qua nhiều năm tháng, để thoả mãn nhu cầu giải trí lần đầu có trong đời. Họ còn là các vị phụ huynh vừa thấu hiểu nỗi niềm của con cái, vừa có điều kiện mua những tấm vé đắt đỏ cho con và thậm chí là cho cả gia đình để tăng tính gắn kết.

Điều này đã không thể xảy ra nhiều năm trước đó. Năm 2007, ban tổ chức mini liveshow Rain's coming do Bi Rain biểu diễn tại TP.HCM đã phải chịu một khoản lỗ 1 triệu USD khi chỉ có ⅔ số vé được bán ra, chưa kể đến việc vé được bán tháo ngay trước chương trình. Giá vé ở thời điểm đó dao động từ 250 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng.

Trong khi đó, số liệu từ Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) năm 2022 cho thấy, Việt Nam có tới 13,3 triệu người hâm mộ văn hóa Hàn Quốc trong làn sóng Hàn Lưu (Hallyu), đứng thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan.

Bà Lê Hoa, Giám đốc Luxury Travel cho biết, việc người dân bỏ ra số tiền lớn để mua vé xem concert không đồng nghĩa với việc người Việt Nam giàu có nhưng có thể chắc chắn một điều là nó minh chứng cho độ chịu chi của họ.

“Việt Nam chắc chắn là thị trường tiềm năng cho các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc toàn cầu và là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh quảng bá và phát triển du lịch địa phương”, chủ tịch LuxGroup nhấn mạnh.