Vận thế và dụng lực để dẫn dắt cuộc chơi

Diệu Thảo - 08:00, 07/09/2023

TheLEADERKhai thác xu thế thời đại là điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn là năng lực xây dựng, khai thác các xu thế đó để tạo lực cho mình và rồi sử dụng thế và lực để dẫn dắt cuộc chơi.

Lấy ví dụ về việc nuôi tôm thẻ chân trắng, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ryan Technologies Vietnam khẳng định: “Đổi mới sáng tạo không có gì là khó, vì mình nghĩ trên mây mới khó thôi.” 

Ông Mỹ cho biết, trước đây khoảng 20 năm, để nuôi được một kg tôm cần đến một mét khối nước. Nhưng việc cải tiến và đổi mới công nghệ xử lý nước, tạo oxy đã mang lại năng suất cao hơn khi chừng đó nước nuôi được 5kg, rồi 8kg, thậm chí 10kg tôm như hiện tại. 

Công nghệ cũng giúp tiết kiệm điện hơn rất nhiều so với trước đây. Năng suất cao, chi phí giảm đồng nghĩa với doanh thu và lợi nhuận tăng chỉ nhờ vào việc điều chỉnh những gì bất hợp lý, thay đổi những thứ chưa phù hợp, nói cách khác là “làm đúng những gì đang bị sai”.

Làm đúng những gì đang bị sai chính là đổi mới và sáng tạo, một quá trình cải tiến liên tục, bền bỉ mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp. 

Ở mức độ cao hơn, ông Mỹ, tác giả của cuốn sách mới ra lò “Người ngoài khung – Nghĩ khác và làm khác để bền vững”, cho rằng, “làm tốt hơn những gì đang có”, tiếp đến là “sáng tạo những gì chưa có”. 

Còn cái “trên mây” theo quan điểm của ông Mỹ có vẻ như ở cấp độ cao nhất: Làm những gì để lại cho hậu thế mai sau.

Vận thế và dụng lực để dẫn dắt cuộc chơi
Các diễn giả trong phiên thảo luận "Chuyến tàu innovation - Ai đi đâu về đâu"

Trong hơn ba tiếng đồng hồ, các diễn giả và người tham dự diễn đàn Vietnam CEO Forum 2023 tổ chức mới đây tại TP. HCM, tâm đắc khi tìm ra bí quyết của một tấm vé: doanh nghiệp không thể không đổi mới, điều quan trọng của người CEO là phải nghĩ xa, tâm lớn, sẵn sàng thay đổi và khát vọng sáng tạo.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, lợi ích của đổi mới sáng tạo không chỉ giải quyết các thách thức mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh, khám phá tiềm năng mới. 

Ông Đức nhận định đổi mới sáng tạo không chỉ có đích đến là thành công mà là một hành trình và trên hành trình đó doanh nghiệp phải chú trọng đến quản lý sự thay đổi, nhằm biến điều đó trở thành một văn hóa và đổi mới sáng tạo phải phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Đổi mới là sức mạnh của nền kinh tế và sáng tạo cần phải luôn có trong tư duy và khát vọng của CEO.
Ông Võ Quang Huệ
CEO Vocis

“Nếu không khát vọng đổi mới, nếu CEO mà không khát vọng thì ai sẽ là người đưa doanh nghiệp các bạn lên”, ông Võ Quang Huệ, nhà sáng lập kiêm CEO của Vocis đánh giá và cho rằng, đổi mới là sức mạnh của nền kinh tế và sáng tạo cần phải luôn có trong tư duy và khát vọng của CEO.

Nhìn lại những năm làm việc tại BWM và Bosche, hai doanh nghiệp chuyên sản xuất ô tô và cơ khí của Đức, ông Huệ quan sát thấy đổi mới, sáng tạo là “công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, vừa là của cả tập thế và cũng là việc của từng cá nhân”. Các tập đoàn lớn hàng năm đổ ra hàng tỷ đô la để nghiên cứu đổi mới sáng tạo, coi đó là sự sống còn, tạo ra sức cạnh tranh, duy trì vị thế của họ trên thị trường.

Vậy điều quan trọng nhất của đổi mới, sáng tạo là gì? Theo ông Huệ, một trong những cách nhìn nhận sai lầm của không ít doanh nghiệp là chỉ tập trung tìm giải pháp giải quyết vấn đề. Giải pháp chỉ là một điểm cuối trong chuỗi hành trình đổi mới, vì thế điều quan trọng nhất mà ông Huệ muốn nói chính là thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn nhận vấn đề.

Ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA HCM), ví von câu chuyện trên hành trình của chuyến tàu đổi mới, mỗi người lắm lúc cũng rơi vào tình cảnh của những ông thầy bói xem voi, nghĩa là chỉ thấy được những lát cắt nhỏ mà quên đi các mô hình khác, nói cách khác là hệ thống. 

Vị CEO của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, các doanh nghiệp cần vận dụng thế và lực để tìm được những điều phù hợp cho bản thân doanh nghiệp mình. Theo ông Thông, thế là vị thế trong các xu hướng của thời đại, còn lực là năng lực để khai thác các xu hướng.

Vận thế và dụng lực để dẫn dắt cuộc chơi 1
Ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA HCM)

Lấy ví dụ về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, ông Thông nhận diện bắt đầu từ thập niên 1990, quốc gia này đã lên chuyến tàu toàn cầu hóa – xu thế đang lên của thời đại khi đó. 

Các doanh nghiệp nước này từ những liên doanh ban đầu, đã khai thác thế mạnh của các tập đoàn công nghệ nước ngoài, tích lũy và phát triển lớn dần lên, mua lại các tập đoàn lớn, và rồi dẫn dắt thế giới vào xu thế kinh tế xanh, rõ nhất trong cuộc chơi về phát triển xe điện. 

Hàm ý của câu chuyện là việc khai thác được các xu thế thời đại là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là năng lực xây dựng, khai thác các xu thế đó để tạo lực cho mình, và rồi sử dụng thế và lực đó dẫn dắt cuộc chơi.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Thông, việc vận dụng thế và lực cho đổi mới sáng tạo, vì thế, cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá bằng con mắt hệ thống. 

Một trong những thất bại lớn là khi bản thân mình muốn chạy nhanh nhưng đội ngũ không theo kịp.
Ông Lương Duy Hoài
CEO Giao hàng nhanh

Điểm mạnh của đổi mới, sáng tạo là tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, còn điểm yếu lại là sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp. Điều cần thiết là các doanh nghiệp cần nhận diện và phân tích các mảnh ghép của thế và lực từ công nghệ, tài chính, văn hóa, tài nguyên, nhân tài, cạnh tranh, thị trường, nhưng quan trọng hơn là liên kết giữa thế và lực đó để phát triển.

Theo ông Thông, năng lực sáng tạo và quá trình sáng tạo, chứ không chỉ chi nhiều tiền, sử dụng vị thế của vốn, đòi hỏi năng lực, đặc biệt là năng lực của người lãnh đạo trong việc kết tinh mọi người lại với nhau tạo ra một phản ứng đổi mới và nuôi dưỡng để trở thành một văn hóa của doanh nghiệp.

Khai thác nhân tài được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ, vì đổi mới, sáng tạo là công việc của nhân lực, con người. Nói như ông Lương Duy Hoài, CEO Giao hàng nhanh và Chủ tịch AhaMove, một trong những thất bại lớn là khi bản thân mình muốn chạy nhanh nhưng đội ngũ không theo kịp. 

Điều này cho thấy, nếu hệ thống của doanh nghiệp chưa sẵn sàng thì rất khó thu hút được người giỏi. Mà doanh nghiệp thiếu người giỏi thì sẽ khó phát triển nhanh, không tận dụng được nguồn nhân lực trẻ, giỏi sẽ rất lãng phí và chậm chân trên chuyến tàu đổi mới.