Việt Nam lại ‘mất điểm’ với đầu tư nước ngoài vì thủ tục hành chính

Kiều Mai - 10:19, 12/04/2023

TheLEADERTheo EuroCham, cải thiện sự ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan là các giải pháp hàng đầu giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài (FDI) trong mắt các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, với hơn 3% các nhà lãnh đạo được hỏi mới đây cho rằng Việt Nam là một trong ba trọng điểm đầu tư của họ trên toàn thế giới.

Nhìn chung, hơn 1/3 số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong tốp 3 hoặc trong tốp 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu, theo báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang chật vật với các vấn đề như quy định thiếu minh bạch, hành chính chưa hiệu quả, khó khăn khi xin thị thực, và giấy phép lao động.

Việt Nam lại ‘mất điểm’ với đầu tư nước ngoài vì thủ tục hành chính
Ba trở ngại pháp lý quan trọng nhất với doanh nghiệp châu Âu khi kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm các quy định và quy tắc không rõ ràng, các vấn đề và khó khăn về hành chính, và khó khăn về visa, giấy phép lao động.

Trước đó, báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, EuroCham đã từng nhấn mạnh tới những khó khăn này, bao gồm thời hạn của visa thương mại được cấp ngắn, việc xét duyệt hồ sơ phức tạp, hay quy trình kéo dài.

Đơn cử, hầu hết các cục xuất nhập cảnh ở Việt Nam hiện nay chỉ cấp visa thương mại trong tối đa 30 ngày. Theo đó, khi hết thời hạn 30 ngày, người nước ngoài phải xuất cảnh nếu chưa có giấy phép lao động.

Cách làm này gây tốn kém chi phí/thời gian cho doanh nghiệp, điều này càng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của công ty khi các nhân viên thiết yếu phải đi vắng.

Không chỉ vậy, quy trình từ đầu đến cuối ở Việt Nam dài hơn mức trung bình. Có nhiều bước (hợp pháp hóa, xin thị thực nhập cảnh, giấy phép lao động và cuối cùng là thẻ tạm trú) trước khi một nhân viên được coi là sẵn sàng làm việc, và điều này không cho phép các doanh nghiệp triển khai nhân lực tại Việt Nam theo nhu cầu khẩn cấp.

“Nó làm gián đoạn hoạt động, và khiến việc coi Việt Nam là một địa điểm để mở rộng trở nên khó khăn chỉ vì những điều không chắc chắn xung quanh các chính sách và quy trình nhập cảnh”, EuroCham nhấn mạnh.

Không chỉ EuroCham, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) trong báo cáo tại VBF cũng cho biết quá trình từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy phép lao động mất rất nhiều thời gian.

Ngay cả sau khi nộp hồ sơ lần đầu, nhiều trường hợp phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ, dẫn đến thông thường phải mất 2 – 3 tháng mới được cấp Giấy phép lao động, thậm chí có những trường hợp mất hơn 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục bổ sung.

Trường hợp phải bổ sung hồ sơ, doanh nghiệp sẽ xử lý nhanh hơn nếu được hướng dẫn nhất quán ngay từ đầu.

Ngoài ra, kết quả khảo sát BCI của EuroCham cũng cho thấy số người trả lời khảo sát chỉ ra những bất cập trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng có xu hướng tăng.

Một rào cản khác mà lĩnh vực sản xuất phải đối mặt là thủ tục hải quan phức tạp, trong khi các công ty dịch vụ chịu thách thức lớn về thị thực và giấy phép lao động.

Hơn thế, nhiều ngành công nghiệp, như giao thông vận tải, dược phẩm và năng lượng tái tạo, cũng gặp cản trở do luật chống tham nhũng chưa hoàn thiện.

Những người tham gia khảo sát BCI nhấn mạnh: “Cần cải thiện sự ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan để gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư năng động”.

Những biện pháp này sẽ giúp giải quyết các mối bận tâm của doanh nghiệp nước ngoài, và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế đất nước.