270.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng xăng dầu, khí đốt

Nguyễn Cảnh - 09:20, 20/07/2023

TheLEADERTheo quy hoạch mới, tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý nêu trong Quyết định 861 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về mục tiêu tổng quát, quy hoạch hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia nhằm đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng, đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.

Đồng thời, quy hoạch cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể về hạ tầng dự trữ và hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt.

Trong đó, bảo đảm hạ tầng dự trữ xăng dầu thương mại ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2,5-3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng. Bảo đảm hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa 500.000-1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1-2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030.

Về hạ tầng dự trữ xăng dầu, phấn đấu hạ tầng dự trữ sản xuất: Đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm theo thiết kế các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu hoạt động ổn định, đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.

Đối với hạ tầng dự trữ khí đốt phấn đấu đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021 - 2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.

270.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng xăng dầu khí đốt

Đảm bảo hạ tầng dự trữ LNG đủ năng lực nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu khí nguyên liệu cho năng lượng và các ngành công nghiệp với công suất kho tới 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021 - 2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng dầu, trạm phân phối LPG và kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng.

Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu phân bố tương ứng với nhu cầu sản xuất và tiêu thụ xăng dầu của các vùng, các địa phương; tối ưu về chi phí đầu tư, quản lý và vận hành.

Cụ thể, các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu xây dựng hệ thống kho dự trữ theo công suất thiết kế, đáp ứng 15 ngày nguyên liệu và 10 ngày sản phẩm.

Về hạ tầng dự trữ quốc gia, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu; xây mới 1 - 2 kho dự trữ dầu thô tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn) với tổng công suất 1 - 2 triệu tấn dầu thô.

Với hạ tầng dự trữ thương mại, sẽ tiếp tục khai thác 89 kho hiện có với tổng công suất khoảng 5 triệu m3.

Đối với hệ thống khí đốt, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục khai thác 16 kho LPG hiện có; đầu tư, xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng dự trữ LNG tại khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với tổng công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm. Mở rộng sức chứa các kho hiện có và xây mới hệ thống kho nhập khẩu LNG (Thị Vải thêm 2 triệu tấn/năm, kho LNG tại Bắc Bộ tổng công suất 0,5-1 triệu tấn/năm, kho LNG tại Đông Nam Bộ tổng công suất 3-5 triệu tấn/năm…).

Giai đoạn sau 2030, phát triển hệ thống dự trữ LNG đảm bảo tăng thêm công suất đến 23 triệu tấn/năm, trong đó: Khu vực Bắc Bộ từ 1 - 3 triệu tấn/năm; Bắc Trung Bộ từ 1 - 3 triệu tấn/năm; Nam Trung Bộ từ 10 - 18 triệu tấn/năm; Đông Nam Bộ 3 triệu tấn/năm.

Về hệ thống đường ống khí đốt, giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục khai thác tuyến ống dẫn khí đã đầu tư xây dựng đúng quy định, đang hoạt động: Đường ống dẫn khí 16 inch Dinh Cố - Bà Rịa có chiều dài 7,3km và đường ống dẫn khí Bà Rịa - Phú Mỹ dài 23km; 3 đường ống 6 inch từ Dinh Cố đến kho cảng Thị Vải, đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Nhơn Trạch - Hiệp Phước tổng chiều dài 38,1km.

Mở rộng hệ thống đường ống khí tự nhiên/LNG tái hóa đến các hộ tiêu thụ, khu công nghiệp khu vực Đông Nam Bộ; xây dựng mới các tuyến dẫn khí thiên nhiên từ nhà máy xử lý khí và các kho LNG nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện khí và các hộ tiêu thụ công nghiệp.

Giai đoạn sau 2030 xây dựng mới các tuyến dẫn khí thiên nhiên từ nhà máy xử lý khí và các kho LNG nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện khí và các hộ tiêu thụ công nghiệp với tổng công suất dự kiến từ 5 - 10 tỷ m3/năm.

Trước khi được nêu trong quy hoạch này, các dự án trọng điểm về hạ tầng dự trữ LNG đều đã được các ông lớn (ITECO, Hải Linh, PV GAS) nắm giữ nhiều năm qua. PV GAS đến nay là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam được công nhận có đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG (theo quyết định hồi tháng 5/2023 của Bộ Công thương). Nói cách khác, đây là doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế tuyệt đối ở hoạt động đầu tư, khai thác kinh doanh khí LNG (từ kho cảng tới dịch vụ).