3 yêu cầu, 5 mũi giáp công để 'ngọn lửa tăng trưởng sớm bùng trở lại'

Lam Giang - 16:37, 09/05/2020

TheLEADERThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần phục hồi nền kinh tế hình chữ V chứ không phải là chữ U và càng không thể là chữ W.

Tại hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực như những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây.

Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn.

Thủ tướng lấy ví dụ, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng cao, thị trường chứng khoán nhìn chung đi xuống nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu vẫn tăng trưởng.

Ông cho rằng, đó là do các doanh nghiệp ấy hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi, luôn hướng đến các giá trị đích thực, vì lợi ích của con người, lấy con người làm trung tâm chứ không phải theo đuổi giá trị ảo. "Những doanh nghiệp như vậy không bao giờ thất bại chừng nào con người vẫn tồn tại".

Do đó, mặc dù phải tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội, sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được của các nước phát triển ngay thời kỳ thuận lợi.

Nhấn mạnh vai trò chủ chốt của doanh nghiệp trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng đã nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp để ‘ngọn lửa tăng trưởng ở Việt Nam sớm bùng lên trở lại’ khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Đầu tiên, các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

“Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, theo Thủ tướng.

Cho đến giờ này, những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn duy trì hoạt động là những doanh nghiệp có năng lực thích nghi tốt nhất giữa bối cảnh Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930.

Thủ tướng chứng minh Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường quốc tế
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị ngày 9/5. Ảnh: Quang Hiếu.

Sau khi nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục. Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kiến nghị của doanh nghiệp được xử lý nhanh hơn, thuận lợi hơn, “không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp”.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. Cơ quan nhà nước kiểm tra, thanh tra nhiều cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. “Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.

Về phát triển hạ tầng, Thủ tướng cho rằng các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam tốt nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp vì không có hạ tầng thì khó phát triển.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, Thủ tướng nhấn mạnh lần nữa, “nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra”.

Để phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, thay vì 2,7% như dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế, kèm theo lạm phát dưới 4%, Thủ tướng nhắc lại cần tập trung vào ‘5 mũi giáp công’ gồm thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và cuối cùng khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

Đây là cơ hội cho Việt Nam nếu biết quản lý nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt. Thủ tướng nêu rõ tinh thần, “Việt Nam cần phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W”. 

Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. “Đây là một điểm sáng”, Thủ tướng cho biết và hiện đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào để hợp tác, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh không làm Việt Nam thay đổi mục tiêu và tầm nhìn trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.

Vì vậy, ‘tầm nhìn của doanh nghiệp 2045 là như thế nào, doanh nghiệp của các bạn trẻ ở đâu vào năm 2045?” Thủ tướng đặt câu hỏi. Hiện Việt Nam đã có tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế nhưng Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

“25 năm là đủ để xuất hiện những đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam, Made in Việt Nam”, Thủ tướng mong các doanh nghiệp Việt Nam hãy nghĩ đến khả năng đó, không điều gì là không thể, hãy dám nghĩ lớn, làm lớn, đừng sợ thất bại.