Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%

Nhật Hạ - 07:33, 06/05/2020

TheLEADERThủ tướng nêu rõ Việt Nam cần phấn đấu GDP năm nay đạt mức tăng trưởng trên 5% nhưng vẫn kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%
Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5. Ảnh: Quang Hiếu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, chứ không phải như dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Đồng thời, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm vượt khó khăn và khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch Covid-19. Muốn như vậy, Việt Nam cần tập trung 5 mũi đột phá gồm thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Chính phủ sắp tới sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cho biết, nghị quyết sẽ có một nội dung về sửa Nghị định 68, yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm thống nhất để sửa một số điểm về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong bối cảnh chưa sửa kịp Nghị định 68, để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư xây dựng hiện nay.

Với nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, cần ban hành ngay thông tư để hướng dẫn trong tháng 5.

Thêm nữa, dẫn chứng giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng có tăng 13% so với cùng kỳ nhưng vẫn rất chậm, Thủ tướng yêu cầu năm nay phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư này, đồng thời không để diễn ra tình trạng trì trệ ở một số bộ, ngành, địa phương như vừa qua.

Trong tình hình dịch bệnh, việc giải ngân hết số vốn đầu tư công năm 2020 có ý nghĩa lớn, bởi sẽ góp phần kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Thủ tướng nêu rõ, "không thể để ngành, địa phương nào không giải ngân hết số vốn này".

Ông nhấn mạnh quan điểm “tiếp tục thực hiện mục tiêu kép gồm chống dịch và phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới”. Đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh doanh, nhất là các vùng công nghiệp trọng điểm, các đô thị lớn, những điểm tham quan nổi tiếng để phát triển mạnh du lịch nội địa.

Về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ dành cho 20 triệu người dân gặp khó khăn, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu “phải đưa tiền đến đúng đối tượng, kịp thời gian”.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển.

Trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm, Thủ tướng cho rằng cần xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội như cập nhật kịch bản tăng trưởng, GDP, thu ngân sách, bội chi và nợ công. “Việc này cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp tới”.

Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh, đẩy lùi Covid-19, nhưng Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan, mất cảnh giác, vẫn tiếp tục chưa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, vẫn đeo khẩu trang nơi đông người. “Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Covid-19 đã tác động mọi mặt tới kinh tế Việt Nam trong tháng 4. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 10,5% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ giảm 26% trong tháng 4 và tính chung 4 tháng sụt 4,3% cho thấy người dân giảm mạnh chi tiêu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,54% so với tháng 3, nhưng bình quân 4 tháng vẫn tăng 4,9% so cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Xuất nhập khẩu được xem là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế, trong đó xuất khẩu tăng 4,7%, nhập khẩu tăng 2,1%. Trong 4 tháng, Việt Nam xuất siêu trên 3 tỷ USD.

Tại cuộc họp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngoài việc miễn, giảm, gia hạn tiền thuê đất, phí, lệ phí... Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi vay trực tiếp, vay gián tiếp với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng cắt giảm 30% kinh phí hội họp, công tác trong nước; 50% kinh phí công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương.