4 việc cần làm để phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Hoài An - 08:20, 26/05/2020

TheLEADERĐầu tư công, chuyển đổi số, tạo việc làm và hỗ trợ tài chính doanh nghiệp là những việc Việt Nam cần chú trọng để có thể phục hồi nhanh chóng kinh tế hậu Covid-19.

4 việc cần làm để phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Tối ưu hóa đầu tư công là một trong những giải pháp kích thích tài khóa. Ảnh: ILO

World Bank (Ngân hàng thế giới) mới đây khuyến nghị Việt Nam có thể cân nhắc 4 lĩnh vực chính để phục hồi nhanh trong vài tháng tới sau khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, tối ưu hóa đầu tư công, coi đây chính là giải pháp kích thích tài khóa. Ngân hàng thế giới nhấn mạnh tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ đầu tư công hoặc đảm bảo rằng nguồn lực sẽ được sử dụng cho các dự án có tiềm năng đóng góp lớn nhất đến quá trình phục hồi kinh tế và nỗ lực tạo việc làm.

Cụ thể, Việt Nam có thể kết hợp các dự án đầu tư có quy mô lớn với các dự án có quy mô nhỏ cũng như các dự án cộng đồng. Các dự án quy mô lớn có lợi thế về tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với nhiều thành phần kinh tế hơn.

Trong lộ trình phục hồi kinh tế thời hậu Covid-19, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của các cơ quan quản lý là tập trung vào các dự án lớn nhằm tăng cường tính kết nối theo các trục giao thông xương sống và phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức.

Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, phát triển hệ thống đường quốc lộ, mở rộng các sân bay ở TP.HCM và Hà Nội, xây dựng đường sắt đô thị cũng như cải thiện giao thông công cộng. 

Sự kết nối vận tải quanh các cảng lớn như Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện có thể tạo ra tác động cấp số nhân, tạo việc làm trực tiếp, gián tiếp, tăng cường tính kết nối cơ bản, kích cầu cho các nhà thầu địa phương và thúc đẩy hoạt động sản xuất trở lại của các nhà máy. 

Bên cạnh đó, yêu cầu không kém phần quan trọng là cải thiện hiệu quả tài chính. Sau khi đã xác định các chương trình đầu tư công mục tiêu, cần đảm bảo bố trí vốn kịp thời, đầy đủ để thúc đẩy quá trình triển khai.

Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam thúc đẩy công tác mua sắm / đấu thầu bằng cách cho phép thực hiện trước các hoạt động chuẩn bị đấu thầu, đơn giản thủ tục giải ngân vốn ODA cũng như xây dựng nền tảng giám sát việc thực hiện / giải ngân của các dự án đầu tư công ở cả cấp trung ương và địa phương để nâng cao trách nhiệm giải trình.

Thứ hai, khai thác tối đa chương trình chuyển đổi số.

Các công nghệ kỹ thuật số đã thể hiện vai trò to lớn trong các cuộc khủng hoảng như hỗ trợ triển khai các giải pháp về sức khỏe (ví dụ như điều trị từ xa); cho phép doanh nghiệp thích ứng với các quy định về hạn chế đi lại (như làm việc tại nhà, thanh toán di động); hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì hoạt động qua thời kỳ suy thoái (như tài chính trên nền tảng công nghệ - fintech).

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nên phát triển phổ cập dịch vụ tài chính toàn dân dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp mạng di động và ngân hàng thương mại, để xác định và tạo các tài khoản giao dịch nhằm hỗ trợ việc nhận thanh toán tiền.

Bên cạnh đó, thúc đẩy thương mại bằng cách sử dụng hiệu quả các công nghệ đột phá để tinh gọn các quy trình thực hiện, bao gồm đăng ký tài khoản, thanh toán trên nền tảng di động và ứng dụng blockchain để thực hiện chứng nhận và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Các thủ tục cho doanh nghiệp cũng cần được đơn giản hóa thông qua nền tảng trực tuyến, đăng ký điện tử và thanh toán điện tử. Giải pháp trước mắt là cho phép tính năng đăng ký nhân sự kết hợp một lần giữa Sở Lao động – thương binh và xã hội và Bảo hiểm xã hội thông qua cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả.

Thứ ba, bảo vệ và tạo việc làm cũng như tăng cường vốn nhân lực.

Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với thị trường việc làm khiến nhiều hộ gia đình mất thu nhập và thậm chí là mất nguồn sinh kế. Ngoài những tác động trước mắt đến thu nhập, tình trạng thất nghiệp có thể để lại những hậu quả tiêu cực trong dài hạn khi có thể làm giảm thu nhập, người lao động mất đi kỹ năng nếu không được làm việc.

Do đó, các hành động để bảo vệ và tạo việc làm cũng như để tăng cường nguồn vốn nhân lực bao gồm các biện pháp ngắn hạn và dài hạn.

Trong ngắn hạn, cần tập trung các biện pháp đảm bảo thu nhập cho người lao động và hộ gia đình cũng như hạn chế tình trạng mất việc làm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc giảm quy mô kinh doanh. Cung cấp trợ cấp tiền lương để khuyến khích doanh nghiệp duy trì và tuyển dụng lao động thuộc các nhóm dễ bị tổn thương.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dù Chính phủ vẫn cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ thu nhập, cần tập trung kết nối người thất nghiệp với cơ hội việc làm và thúc đẩy tạo việc làm trong các lĩnh vực có tiềm tăng phục hồi việc làm nhanh hơn bằng cách cải thiện các luồng thông tin và cơ chế làm việc linh hoạt.

Ngoài ra, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp để kích cầu việc làm trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, thương mại, giao thông vận tải. Hỗ trợ tăng cường thanh khoản cho các doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội bình đẳng để duy trì hoạt động.

Thứ tư, hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi Covid-19 như du lịch hay giao thông vận tải. 

Để tránh những tác động tiêu cực, kéo dài đối với nền kinh tế, cần phát triển các doanh nghiệp năng động và có đủ năng lực. Ngân hàng thế giới đề xuất Chính phủ có thể lựa chọn nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm các giải pháp tài chính, hỗ trợ ngân sách, giảm phí / lệ phí và trợ cấp bằng tiền mặt.