5 lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng và đầu tư lớn nhất Việt Nam

Nguyễn Lê - 11:21, 19/10/2017

TheLEADERBáo cáo của PwC nhận định về 5 lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khách sạn cao cấp, ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thuê ngoài ở Việt Nam.

5 lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng và đầu tư lớn nhất Việt Nam
PwC dự kiến đến năm 2050 Việt Nam sẽ nằm trong top 20 nền kinh tế thế giới.

Hồi đầu năm PwC dự kiến đến năm 2050 Việt Nam sẽ nằm trong top 20 nền kinh tế thế giới và top 10 nước châu Á có mức tăng trưởng cao nhất. Tăng trưởng GDP thực tế trung bình của Việt Nam có thể đạt 5,1%/năm từ 2016 đến 2050.

Theo PwC, 3 động lực tăng trưởng sẽ gia tăng cơ hội cho các nhà đầu tư tại Việt Nam gồm (1) Lực lượng lao động trẻ và dồi dào; (2) Nền kinh tế cạnh tranh cao và (3) Chính phủ ổn định và cam kết thúc đẩy tăng trưởng.

Trong báo cáo “Spotlight on Viet Nam” (Tiêu điểm Việt Nam), PwC đã nhận định 5 lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng nóng của Việt Nam. Báo được thực hiện nhân dịp Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017).

Cụ thể, 5 lĩnh vực tiềm năng mà PwC gợi ý trong ấn phẩm là (1) Thuê ngoài quy trình kinh doanh (dịch vụ BPO); (2) Phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió; (3) Phân khúc khách sạn hạng sang; (4) Kinh doanh nông nghiệp theo hướng hiện đại và (5) Ngân hàng bán lẻ.

“Việt Nam không phải là Hàn Quốc của 20 năm trước, cũng không phải một Trung Quốc của 10 năm trước. Trong một số lĩnh vực, như CNTT, Việt Nam đã dần đuổi kịp tiêu chuẩn toàn cầu”.

Ông Kim Seung Rok - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ngân hàng Woori Việt Nam

Hiện nay, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là một ngành đang phát triển ở Việt Nam. Năm 2016, với cơ sở hạ tầng viễn thông mạnh mẽ, tổng doanh thu CNTT & TT ước đạt 59,9 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước. Trong đó, BPO là một ngành công nghiệp đặc biệt thú vị và còn nhiều tiềm năng phát triển. Thực tế, tính đến năm 2016, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ hai của Nhật Bản.

Theo Hiệp Hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), ngành BPO của Nam đã tăng trưởng 20% đến 35% hàng năm trong thập kỷ qua. Cùng với lực lượng nhân lực dồi dào với 40.000 cử nhân CNTT gia nhập thị trường lao động mỗi năm, ngành BPO đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Lĩnh vực thứ hai, Việt Nam đang tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng sự tăng trưởng trong nhu cầu điện năng. Kế hoạch quy hoạch điện VII (PDP 7) điều chỉnh của Chính phủ nhấn mạnh vào phát triển năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu tăng công suất của năng lượng tái tạo lên 21% tổng công suất lắp đặt vào năm 2030, từ mức 5,37% của năm 2015.

PwC đề xuất Việt Nam nên chọn phương pháp đầu tư thích hợp, đặc biệt cân nhắc đến các dự án hợp tác công - tư cho việc phát triển sản xuất năng lượng gió và mặt trời.

“Du lịch giải trí đã tăng trưởng 30% vào năm 2016. Điều này thật phi thường và không giống bất cứ nơi nào khác trên thế giới”.

Ông Michael Hoe-Knudsen - Giám đốc vùng của Tập đoàn IHG tại Việt Nam và Campuchia

Đối với lĩnh vực thứ 3, theo Báo cáo của Hội đồng du lịch thế giới, doanh thu du lịch của Việt Nam trong năm 2016 đạt 9,3 tỷ USD (khoảng 4,6% tổng GDP) và dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 17,9 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, phân khúc khách sạn sang trọng - được đánh giá bốn sao trở lên - chưa được khai thác đúng tiềm năng.

Theo PwC, việc Việt Nam chi 5,8% GDP cho phát triển cơ sở hạ tầng cùng với số lượng khách du lịch nước ngoài ngày càng tăng và sự tăng trưởng về chi tiêu của tầng lớp trung lưu sẽ là những đòn bẩy tốt cho ngành du lịch Việt nói chung và phân khúc khách sạn cao cấp nói riêng.

“Thói quen ăn uống của người dân Việt Nam đã thay đổi. Cùng với đó, người tiêu dùng đang quan tâm hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm....Chúng tôi xem việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm an toàn như một động lực và cơ hội để chúng tôi cải thiện chất lượng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Ông Jorge Becerra giám đốc điều hành Cargill Feed & Nutrition Việt Nam

Thứ tư, nông nghiệp vẫn là một ngành kinh tế trọng điểm ở Việt Nam, chiếm 18% GDP vào năm 2016 theo Ngân hàng Thế giới. Chính phủ đang kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ gia tăng vai trò trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất thực phẩm. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang có cơ hội lớn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại giúp phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp đa dạng cho người dân Việt Nam.

Cuối cùng, ngành dịch vụ ngân hàng và tài chính của Việt Nam hiện có tiềm năng tăng trưởng cao. Trong lĩnh vực này, PwC dự kiến dịch vụ cung cấp các loại thẻ thanh toán và dịch vụ quản lý tài sản sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

“Thị trường Việt Nam cực kỳ năng động, và thay đổi không ngừng. Với khoảng 60-70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, ngân hàng bán lẻ là một phân khúc mà chúng tôi đang tập trung vào và là nơi chúng tôi muốn tạo ra sự khác biệt”, theo ông Raymond Sia Say Guan - CEO Ngân hàng Hong Leong Việt Nam

PwC nhận định tương lai của kinh tế Việt Nam nằm ngoài lĩnh vực sản xuất và các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Con người, kiến thức và công nghệ được đánh giá là những động lực phát triển tiếp theo của nền kinh tế vì Việt Nam sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn là nền kinh tế có thu nhập trung bình cao tính đến năm 2050.