90% cơ sở giáo dục ngoài công lập phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài

Minh Anh - 11:45, 05/03/2020

TheLEADERHiện chỉ có khoảng 20% các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực sự có lãi.

90% cơ sở giáo dục ngoài công lập phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài
Trường liên cấp quốc tế Newton

Dịch Covid-19 đang khiến các cơ sở giáo dục ngoài công lập đứng trước nguy cơ phải sa thải hàng loạt lao động và đóng cửa, phá sản. 

Theo kiến nghị thư của tập thể các cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc gửi Thủ tướng Chính phủ khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở này vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, hiện chỉ có khoảng 20% các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực sự có lãi, 40% ở mức tồn tại được và có đến 40% vẫn đang phải chịu lỗ. 

Nếu dịch bệnh kéo dài tới sáu tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%. 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.

Nguyên nhân được các cơ sở này đưa ra là do mức chi quá lớn trong khi không có nguồn thu để duy trì hoạt động. Trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ tốn từ 2 - 5 tỷ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công sẽ mất việc.

Khối trường phổ thông tư nhân cũng tương tự. Chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải với mức học phí 5 - 10 triệu/tháng là khoảng 80 - 200 tỷ đồng. Trong đó, đối với các trường mới xây, phần lớn số tiền này là tiền vay ngân hàng.

Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đang dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19. Hàng trăm tỷ đồng doanh thu không có nhưng tiền lương giáo viên, nhân viên, tiền thuê địa điểm, tiền vay ngân hàng vẫn phải chi trả. 

Điều này đang đẩy các cơ sở giáo dục ngoài công lập rơi vào áp lực khủng khiếp. Theo ước tính, các trường tư chỉ có thể kéo dài thời gian xoay sở không quá ba tháng (theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh).

Trước những khó khăn và diễn biến bất lợi như hiện nay, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đề nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước xem xét và thông qua một gói các phương án hỗ trợ thiết thực.

Theo đó, trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, các cơ sở này mong muốn được nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh. Đồng thời miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.

Các cơ sở này cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập giúp các cơ sở này vượt qua khó khăn.