99,9% doanh nghiệp xã hội âm thầm hoạt động, nhóm yếu thế chưa được quan tâm?

Thu Uyên - 10:12, 21/03/2019

TheLEADERLuật doanh nghiệp mới chỉ giúp chính thức hóa được 54 doanh nghiệp xã hội, trong khi 50.000 doanh nghiệp là con số được đưa ra trong báo cáo 'Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam.

99,9% doanh nghiệp xã hội âm thầm hoạt động, nhóm yếu thế chưa được quan tâm?
Doanh nghiệp xã hội Du lịch Sapa O’Chau của chị Tẩn Thị Su

Doanh nghiệp xã hội theo khái niệm được quy định trong Luật doanh nghiệp là các doanh nghiệp đã đăng ký theo quy định của luật, hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và có sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm mục tiêu xã hội, môi trường.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra cách hiểu khái niệm này theo nghĩa rộng, là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cộng đồng tham gia thực hiện giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

Câu chuyện điển hình Tẩn Thị Su và Sapa O’Chau

99,9% doanh nghiệp xã hội âm thầm hoạt động, nhóm yếu thế chưa được quan tâm?
Chị Tẩn Thị Su – Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Du lịch Sapa O’Chau,

Được thành lập năm 2011, Doanh nghiệp xã hội Du lịch Sapa O’Chau của chị Tẩn Thị Su là một trường hợp Doanh nghiệp xã hội điển hình tại Sapa đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Nhìn lại quá trình thành lập và phát triển Sapa O’Chau, chị Tẩn Thị Su chia sẻ với TheLEADER khởi nguồn ý tưởng kinh doanh của mình vốn xuất phát từ cái nghèo, cái đói của mảnh đất vùng cao, từ những mặc cảm tự ti, cảm thấy bị bỏ rơi và yếu thế.

Chính khao khát vươn lên thoát khỏi sự nghèo khó và yếu thế cùng những trải nghiệm của bản thân khi làm công việc bán hàng rong hay hướng dẫn du lịch đã cho chị cảm hứng và ý tưởng để thành lập nên Sapa O’Chau. Từ thời điểm bắt đầu cho tới tận bây giờ, chị Su cùng Sapa O’Chau đã phải đối mặt với không ít những trở ngại.

Khó trong quản trị doanh nghiệp

Trở lại thời điểm mới thành lập Sapa O’Chau, chị Su cho biết khó khăn lớn nhất nằm ở kiến thức, khâu pháp lý và vấn đề vốn. “Tôi nghĩ vốn chỉ là một phần, nhưng kiến thức để quản lý, quản trị một doanh nghiệp, để có thể thực sự trở thành một người lãnh đạo thì rất khó”, chị Su chia sẻ.

Đây cũng là vấn đề đã được chị đặt ra tại Hội thảo “Doanh nghiệp xã hội cộng đồng: Thực trạng và giải pháp” diễn ra tại Hà Nội mới đây. Theo chị Su, các doanh nghiệp xã hội của chị gặp khó ngay từ khâu tiếp cận thông tin, chính sách và các kiến thức do rào cản ngôn ngữ bởi phần lớn nhân lực là bà con dân tộc thiểu số với trình độ không cao.

Nhìn nhận vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM khẳng định: “Trình độ quản trị là một trong những hạn chế rất lớn của doanh nghiệp xã hội. Quản trị ở đây bao gồm trình độ quản lý, hiểu biết về chính sách pháp luật rồi trình độ xây dựng chiến lược, kế hoạch”.

99,9% doanh nghiệp xã hội âm thầm hoạt động, nhóm yếu thế chưa được quan tâm? 1
Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Trở ngại trong vấn đề quản trị nảy sinh từ chính một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp xã hội cộng đồng. Đó là vấn đề trình độ nguồn nhân lực. 

Theo kết quả nghiên cứu điển hình tại hai địa phương Hòa Bình và Lào Cai được bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, doanh nghiệp xã hội cộng đồng là các doanh nghiệp nhỏ với phần lớn lao động thuộc nhóm yếu thế. Bởi vậy mà cơ hội được đào tạo của họ là rất ít. Hạn chế trong kiến thức và kỹ năng đã khiến cho không chỉ vấn đề quản trị doanh nghiệp, mà cả các vấn đề liên quan tới tiếp cận nguồn vốn, thị trường và pháp luật, thủ tục hành chính cũng gặp trở ngại.

Chị Tẩn Thị Su từ trải nghiệm thực tế của bản thân đã đề xuất mong muốn có được chính sách hỗ trợ những người làm doanh nghiệp xã hội có tâm huyết được học hỏi để nâng cao kỹ năng quản lý nguồn nhân lực.

“Về bản sắc văn hóa thì chúng em hiểu rõ nhưng để quản lý tài chính, nhân lực hay marketing thì chúng em không biết và cũng rất khó khăn để tiếp cận, kết nối.”, chị Su chia sẻ.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cũng đã đưa ra khuyến nghị để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội trong vấn đề nâng cao năng lực: “Nên tập hợp các doanh nghiệp có mục tiêu xã hội để đào tạo trực tiếp cho họ gắn với các sản phẩm thực tế”. Ông Hiếu khẳng định việc đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, kết nối các doanh nghiệp xã hội trực tiếp với các siêu thị hay đối tác đầu ra là thực sự cần thiết.

“Rào cản pháp lý là vấn đề sống còn”

99,9% doanh nghiệp xã hội âm thầm hoạt động, nhóm yếu thế chưa được quan tâm? 2
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

“Tôi thấy rằng rào cản pháp lý là một trở ngại vô cùng lớn. Những giấc mơ như chị Su và rất nhiều giấc mơ khác sẽ bị giết chết”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2014 được kỳ vọng sẽ đem lại thay đổi và mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xã hội. Nhưng những con số thực tế được đưa ra trong Báo cáo của CIEM lại cho thấy sự kém hiệu quả.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, hiện nay chỉ có 54 doanh nghiệp đã đăng ký là doanh nghiệp xã hội. Nghĩa là từ khi chính thức có hiệu lực tới nay, Luật doanh nghiệp mới chỉ giúp chính thức hóa được 54 doanh nghiệp xã hội, trong khi 50.000 doanh nghiệp là con số được đưa ra trong báo cáo 'Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam' do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện.

Chính những quy định của luật đã khiến cho việc đăng ký trở thành doanh nghiệp xã hội của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo những khuyến nghị được đưa ra tại buổi hội thảo dành cho việc sửa đổi Luật doanh nghiệp hiện hành, luật doanh nghiệp hiện nay chưa làm rõ khái niệm doanh nghiệp xã hội. Đồng thời, những quy định về hỗ trợ doanh nghiệp xã hội dù đã được đề cập tới nhưng chưa có chính sách nào cụ thể và thiết thực.

Đại diện nhóm nghiên cứu đóng góp dự thảo về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo đã chỉ ra những điểm còn bất cập trong quy định của luật. Khái niệm doanh nghiệp xã hội được quy định bao gồm yêu cầu doanh nghiệp sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường, tuy nhiên không làm rõ là lợi nhuận trước hay sau thuế.

Nhấn mạnh thêm về những rào cản pháp lý còn tồn tại, bà Thảo khẳng định: “Chính sách ở Trung ương cái gì cũng có nhưng cái gì cũng chung chung và không cụ thể hóa được. Theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không có khái niệm nào dành riêng cho doanh nghiệp xã hội cả, không có ưu đãi nào dành riêng cho doanh nghiệp xã hội”.

Không chỉ gặp khó trong vấn đề tiếp cận, hiểu và áp dụng luật doanh nghiệp, thủ tục hành chính rườm rà, khó khăn cũng là một rào cản rất lớn khiến các doanh nghiệp xã hội lúng túng và cản trở việc xây dựng các mô hình tổ chức kinh doanh mới của doanh nghiệp xã hội.

Từ thực tế điều hành, chị Tẩn Thị Su cũng đề cập tới những khó khăn trong tiếp cận pháp lý mà bản thân doanh nghiệp Sapa O’Chau của chị cũng như nhiều doanh nghiệp xã hội khác gặp phải xuất phát từ rào cản ngôn ngữ. Việc học thêm tiếng Kinh vốn đã rất khó, vậy nên để tiếp cận được những chính sách cũng như hiểu được tất cả những thông tư hướng dẫn của nhà nước lại càng khó khăn hơn. 

“Thêm một khó khăn nữa là thủ tục pháp lý, khi cần thì không biết phải liên hệ với ai, ai sẽ hướng dẫn mình, phòng nào, ban nào ở khu vực nào sẽ phụ trách vấn đề này”, chị Su chia sẻ.

Cần những thay đổi thiết thực và cụ thể hơn trong các quy định của luật cũng như trong các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp xã hội phát triển. Đây là khuyến nghị được nhóm nghiên cứu đưa ra, đồng thời cũng chính là niềm mong mỏi từ các doanh nghiệp xã hội đang hoạt động.

Chị Tẩn Thị Su, từ nghèo đói, mặc cảm đã vươn lên thành công với mô hình du lịch bản địa của doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau, vẫn luôn trăn trở về những hỗ trợ thiết thực dành cho cộng đồng doanh nghiệp xã hội nói chung. 

“Một doanh nghiệp xã hội bản thân nó đã hi sinh rất nhiều. Chính vì vậy, tôi nghĩ doanh nghiệp xã hội phải được hưởng sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ những người xung quanh, từ chính quyền địa phương và xã hội”, chị Su nói.