AAC 2021 – Cú hích cho hệ sinh thái khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Việt Nam

Quỳnh Chi - 09:30, 23/02/2021

TheLEADERChương trình "Thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo" (AAC 2021) do VSV Foundation tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và công nghệ và Đại sứ quán Úc đã chính thức được khởi động và mở cổng đăng ký.

AAC 2021 – Cú hích cho hệ sinh thái khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Việt Nam
Chương trình AAC 2021 vừa chính thức mở đơn đăng ký

Đây là chương trình thúc đẩy kinh doanh được thiết kế chuyên biệt cho các startup có ý tưởng và sản phẩm sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của thị trường.

Với chủ đề “AI in pandemic - adapting to the new normal” (tạm dịch “trí tuệ nhân tạo trong đại dịch – thích ứng với giai đoạn bình thường mới”, chương trình được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm, ươm tạo và phát triển những ứng dụng công nghệ trí tuệ tiềm năng nhất trong đa dạng lĩnh vực, bao gồm: tài chính, thương mại, điện tử, viễn thông, sản xuất, nông nghiệp, ý tế, giáo dục, giao thông, thành phố thông minh… 

Mong muốn của chương trình nhằm góp phần hỗ trợ khôi phục nền kinh tế Việt Nam sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ông Andrew Barnes, đại diện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã đạt được các kết quả đáng tự hào trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Theo ông Andrew Barnes, thông qua việc tài trợ sáng kiến thúc đẩy các ứng dụng đổi mới sáng tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo, Australia đang hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Còn theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động để ứng phó với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến đang được coi là một trong các yếu tố then chốt nhằm tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế.

"Trong bối cảnh đó, trí tuệ nhân tạo là một trong các công nghệ cốt lõi đầy hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội chủ chốt của Việt Nam như y tế, giáo dục, thương mại, tài chính và nông nghiệp”, ông Duy nói.

Sáng lập viên của VSV Foundation, bà Thạch Lê Anh cho biết tổ chức này là một phần của chương trình nhằm giúp các startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tiếp cận được với các cố vấn khởi nghiệp hàng đầu, phát triển mô hình kinh doanh cũng như kêu gọi đầu tư. 

VSV Foundation sẽ hỗ trợ các startup kết nối và kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Thông qua hỗ trợ kể trên, các startup sẽ có thể huy động được số vốn lên tới 2 tỷ đồng sau khi chương trình kết thúc.

Theo thông tin từ ban tổ chức, các startup sẽ có cơ hội tham gia một chương trình huấn luyện trực tuyến kéo dài ba tháng, gói dịch vụ hỗ trợ trị giá 500 triệu đồng cùng khoản đầu tư không yêu cầu cổ phần tối đa lên đến 200 triệu đồng.

Chương trình sẽ kéo dài từ tháng 2 tới tháng 8/2021 với ba giai đoạn và sẽ nhận hồ sơ đăng ký cho đến hết ngày 25/3/2021.

Cụ thể, từ tháng 2 đến tháng 3/2021 sẽ diễn ra vòng tuyển chọn hồ sơ. Từ tháng 4 đến tháng 5/2021, 10 - 15 dự án vượt qua vòng hồ sơ sẽ được mời tham gia khoá đào tạo kéo dài 1 tháng. Kết thúc chương trình, các dự án được yêu cầu cung cấp kế hoạch kinh doanh và trình bày dự án của mình trước các chuyên gia từ VSV Foundation, Bộ Khoa học và công nghệ và Aus4Innovation.

Từ tháng 6 đến tháng 8/2021, năm dự án chiến thắng nhận được gói hỗ trợ tài chính trực tiếp lên tới 200 triệu đồng và được tham gia vào Chương trình huấn luyện thúc đẩy kinh doanh trực tuyến kéo dài ba tháng.

Ứng viên phải đáp ứng tất cả bốn yêu cầu. Một là, ý tưởng/sản phẩm của các đội không được thành lập quá 5 năm tính tới ngày 1/1/2021. Hai là, ít nhất một thành viên trong nhóm phải là công dân Việt Nam. Ba là, ít nhất một thành viên trong nhóm phải có khả năng giao tiếp rõ ràng bằng tiếng Anh. Bốn là, người tham gia không cần phải là pháp nhân tại thời điểm nộp đơn. 

Tuy nhiên, 5 người thắng cuộc (cá nhân hoặc đội) được chọn vào vòng phỏng vấn phải đăng ký tư cách pháp nhân tại Việt Nam để nhận tài trợ.

Mỗi đội chỉ được tham gia một dự án. Một cá nhân không thể là thành viên của nhiều hơn một nhóm.