AirAsia muốn gia nhập mảng gọi xe công nghệ

Việt Hưng - 15:11, 08/04/2021

TheLEADERMục tiêu cuối cùng của AirAsia là trở thành một siêu ứng dụng, cung cấp tới người dùng tất cả những tiện ích, dịch vụ cơ bản, trước khi lĩnh vực kinh doanh truyền thống của công ty là hàng không giá rẻ quay lại đà hồi phục.

Đại dịch Covid-19 đã biến AirAsia từ một hãng hàng không chuyển mình tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giao hàng thực phẩm, cửa hàng tạp hóa và thậm chí cả phát nội dung video trực tuyến…

Theo nhà sáng lập Tony Fernandes, AirAsia còn đang tham vọng tiến sâu vào lĩnh vực gọi xe công nghệ để cạnh tranh với Grab, Gojek tại khu vực Đông Nam Á. 

Bước đi này được cho là khá thuận lợi với AirAsia, nhờ danh tiếng sẵn có trong vai trò là thương hiệu thống trị thị trường hàng không giá rẻ khu vực.

Trong đó, mục tiêu cuối cùng của AirAsia là trở thành một siêu ứng dụng, cung cấp tới người dùng tất cả những tiện ích, dịch vụ cơ bản, trước khi lĩnh vực kinh doanh truyền thống của công ty là hàng không giá rẻ quay lại đà hồi phục.

AirAsia muốn gia nhập mảng gọi xe công nghệ
AirAsia muốn gia nhập mảng gọi xe công nghệ

Ở Malaysia, AirAsia đã khởi động dịch vụ giao đồ ăn trong gần 1 năm. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn nhiều hạn chế trước các đối thủ như: Grab hay Foodpanda. Ở các khu vực ven trung tâm, nhiều món ăn trên dịch vụ của AirAsia chỉ có dưới 10 nhà hàng cung cấp.

Bên cạnh đó, AirAsia Food cũng gặp phải tình trạng thiếu tài xế giao hàng. Điều này ảnh hưởng đến sự tự tin của người dùng bởi họ luôn mong muốn có thể sử dụng dịch vụ vào bất kỳ thời điểm nào, cho dù là dịch vụ giao đồ ăn hay gọi xe.

Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế và khó khăn về kỹ thuật, công ty vẫn được đánh giá là có tiềm năng phát triển. Và việc trở thành một cái tên quen thuộc trong mọi ngóc ngách cuộc sống chắc chắn sẽ giúp AirAsia gia tăng tầm ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Lợi thế của AirAsia so với các đối thủ là việc họ tính phí hoa hồng cho các chủ nhà hàng thấp, chỉ 10%. Trong khi các ứng dụng khác đang đòi hỏi mức hoa hồng khoảng từ 20 - 35% giá trị các đơn hàng. Điều này khiến người ta có thể kỳ vọng rằng AirAsia sẽ đưa ra các ưu đãi tương tự để thu hút các tài xế gọi xe.

CEO AirAsia chia sẻ: "Tôi đã có 8 năm làm việc với Grab để rút kinh nghiệm. Tôi không cần phải lãng phí tiền cho việc thử nghiệm, xây dựng công nghệ, đào tạo lái xe và đào tạo thị trường cách đặt hàng, họ đã làm tất cả cho chúng tôi".

Ngoài ra, AirAsia sẽ không dừng lại ở dịch vụ gọi xe công nghệ. Trước đó họ đã lên kế hoạch khác bao gồm giao hàng bằng máy bay không người lái và taxi hàng không.

Tại Việt Nam, AirAsia từng thất bại với tham vọng mở liên doanh hàng không với Công ty Gumin và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu, sau khoảng 3 lần thất bại trước đó vào các năm 2005, 2007, 2010.