Áp lực trả nợ đè nặng khách sạn, nhà hàng

Nhật Minh - 14:10, 13/05/2020

TheLEADERNgành khách sạn và du lịch khó có thể phục hồi trong năm nay.

Áp lực trả nợ đè nặng khách sạn, nhà hàng
Các khu nghỉ dưỡng đã mất đi nguồn doanh thu lớn từ khách quốc tế

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các chuyên gia đã điều chỉnh dự đoán về khả năng phục hồi của ngành du lịch - khách sạn. 

Trước đây, hầu hết người trong ngành đều kỳ vọng sự phục hồi sẽ theo mô hình chữ V, giống như thời khách Trung Quốc và Nga giảm đột ngột trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2015 nhưng sau đó, cả hai thị trường đều nhanh chóng phục hồi.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch Covid-19, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, dự đoán việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021.

Chuyên gia Savills Hotels dự báo, kinh doanh du lịch - khách sạn sắp tới sẽ phụ thuộc vào thị trường khách nội địa do chưa có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sớm mở cửa trở lại với thị trường khách quốc tế.

Đối với thị trường nội địa, "an toàn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngành du lịch và mọi người sẽ chỉ bắt đầu đi du lịch trở lại khi họ cảm thấy thật sự an toàn", ông Mauro nói. 

Bên cạnh đó, các khách sạn cũng sẽ tiếp tục mất doanh thu từ nguồn khách MICE – loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác.

Vì du lịch MICE thường đòi hỏi sự tập trung lượng lớn người tham dự nên nguồn khách MICE nội địa dự kiến có thể phục hồi lại khi được Chính phủ cho phép. 

Tuy nhiên, các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn áp dụng nghiêm ngặt và các doanh nghiệp cũng cần cắt giảm quy mô của những buổi hội họp. 

Ông Mauro dự đoán các hoạt động MICE sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc đa số các doanh nghiệp hiện nay đều thực hiện cắt giảm chi phí cho các sự kiện và hoạt động giải trí trong ít nhất hai quý tới. Các sự kiện quy mô nhỏ dự kiến sẽ được phục hồi trước.

Các sự kiện quốc tế được tổ chức bởi các tập đoàn đa quốc gia với sự tham gia của lượng lớn khách quốc tế sẽ chỉ được tổ chức trở lại sau khi các chính sách hạn chế du lịch được dỡ bỏ và mức chi tiêu của các doanh nghiệp tăng trở lại mức trước đại dịch. Quá trình này có thể sẽ mất một thời gian khá dài.

Do nguồn cầu vẫn bị hạn chế nên các khách sạn sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn nếu mở cửa hoạt động trở lại.

Về chi phí hoạt động, trong ngắn hạn, chủ đầu tư khách sạn có thể cân nhắc cho nhân viên nghỉ việc tạm thời và sử dụng quỹ dự phòng để giúp duy trì hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu nguồn cầu không hồi phục nhanh chóng thì việc trả các khoản nợ và chi phí thuê tài sản/đất sẽ có tác động đáng kể, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực nhà hàng và quán bar.

Ông Mauro kỳ vọng các tổ chức tài chính và đơn vị cho thuê sẽ tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra những giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng sáng tạo sẽ là giá trị cốt lõi và là chìa khoá để tạo ra nguồn thu mới cho ngành khách sạn.

Trong đó, các khách sạn trong thành phố cần đưa ra những chính sách hấp dẫn để có thể thu hút nhóm khách công vụ và nghỉ dưỡng.

Hình thức “du lịch tại chỗ” - “Staycations” là một trong những ví dụ điển hình, theo đó các khách sạn nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích.

“Chúng tôi hy vọng các nhà hàng cũng sẽ áp dụng những chiến lược tương tự bằng cách đưa ra các chương trình tiếp thị và quảng bá sáng tạo để có thể thu hút khách địa phương nhiều hơn, ví dụ như các bữa ăn cuối tuần theo chủ đề," ông Mauro khuyến nghị.