Asanzo lên kế hoạch gọi vốn 500 tỷ đồng từ các nhà phân phối thân cận

Quốc Dũng - 15:06, 14/08/2018

TheLEADERĐây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch IPO lên sàn chứng khoán vào năm 2021 của Asanzo.

Chủ tịch công ty cổ phần điện tử Asanzo, ông Phạm Văn Tam mới đây chia sẻ với TheLEADER, Asanzo đang có kế hoạch bán 15% cổ phần để gọi vốn khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Công ty chuyên sản xuất các thiết bị điện tử, chủ lực là tivi cho biết, mục tiêu huy động vốn lần này là các nhà phân phối của Asanzo. Hiện tại, Asanzo có hàng trăm nhà phân phối trên cả nước và có rất nhiều người hứng thú với việc trở thành cổ đông của công ty.

“Đây là một bước trong quá trình chuẩn bị cho kế hoạch IPO của Asanzo. Trước khi lên sàn, chúng tôi muốn chia sẻ lợi ích đầu tiên cho các nhà phân phối, những người đồng hành lâu năm với mình, hiểu mình nhất”, ông Tam cho biết.

Người đứng đầu Asanzo chia sẻ, không chỉ các nhà phân phối, một tập đoàn bất động sản lớn cũng đánh tiếng trở thành cổ đông của công ty thông qua phương thức “đổi đất lấy cổ phần”. Mặc dù vậy, ông Tam vẫn ưu tiên gọi vốn bằng tiền mặt hơn, để chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất mới.

Trong năm 2018, Asanzo cũng đã lên kế hoạch để xây dựng thêm nhà máy mới tại TP.HCM, đặt tại huyện Củ Chi, với diện tích khoảng 17.000 m2, và có mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất hàng hóa phục vụ các ngành hàng cho thị trường miền Trung và miền Nam.

Gọi vốn từ các nhà phân phối lâu năm, ông Tam cho biết, Asanzo hiện chưa phù hợp với các nhà đầu tư chiến lược lớn, như Samsung hay TCL, bởi có nhiều mâu thuẫn trong quan điểm phát triển, cũng như đòi hỏi của các tổ chức này thường phức tạp.

Trong quá khứ, hãng điện tử lớn của Trung Quốc là TCL đã từng tiếp cận Asanzo, nhưng không đạt được thỏa thuận nào cụ thể vì công ty Việt Nam lo sợ bị đối tác Trung Quốc thâu tóm.

Mặc dù vậy, với mục tiêu IPO vào năm 2021, Asanzo đang có rất nhiều việc phải làm để minh bạch hóa bộ máy quản trị cũng như các số liệu tài chính của công ty, chuẩn bị tiếp đón sự xuất hiện của các quỹ đầu tư.

Theo ông Tam, hiện tại, nguồn vốn cần huy động để xây dựng nhà máy với Asanzo không còn đáng lo ngại. Với mục tiêu IPO, Asanzo muốn mở rộng quy mô sản xuất của mình lớn hơn hiện nay nhiều lần, đa dạng hóa sản phẩm không chỉ là tivi, smartphone nữa mà sẽ còn tủ lạnh, máy giặt, laptop, máy tính bảng.

Asanzo lên kế hoạch gọi vốn 500 tỷ đồng từ các nhà phân phối thân cận
Asanzo đứng thứ 4 trên thị trường tivi Việt Nam với thị phần 16%

Thành lập năm 2013, dù tuổi đời còn trẻ nhưng Asanzo có những bước tiến phát triển rất nhanh. Năm 2017, doanh thu của công ty đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016. Năm nay, công ty tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi, lên 10.000 tỷ đồng doanh thu.

Tham vọng của ông Tam là biến Asanzo thành doanh nghiệp tỷ đô vào năm 2021. Đánh giá tính khả thi của ‘ước mơ’ này, người đứng đầu Asanzo cho biết mọi thứ vẫn đang tiến triển thuận lợi.

“Mùa World Cup vừa qua, doanh số bán tivi của chúng tôi tăng trưởng tốt như dự báo. Quan trọng hơn, khách hàng đã lựa chọn sản phẩm cao cấp hơn, là tivi 43 – 45 inch, smart TV của Asanzo, thay vì chỉ tập trung vào các dòng tivi giá rẻ như những năm trước”, ông Tam cho biết.

Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, đến tháng 12-2017, Asanzo đứng thứ 4 trên thị trường tivi Việt Nam với thị phần 16%, sau Samsung (35%), Sony (25%) và LG (17%). Độ phủ của thương hiệu tại nông thôn đến 70%. Ngoài tivi, Asanzo còn có các dòng thiết bị điện tử, điện gia dụng và điện thoại thông minh.