Ba thách thức của xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối 2022

An Chi - 07:57, 30/05/2022

TheLEADERKhan hiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất xuất khẩu, tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào tăng là ba thách thức cho xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm 2022.

Ba thách thức của xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối 2022
Xuất khẩu thủy sản sẽ đối mặt với ba thách thức lớn trong những quý cuối năm

Ngành thủy sản Việt Nam đang dần phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu trở lại. Đến giữa quý II/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 3,6 tỷ USD tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong các mặt hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra đã có sự tăng trưởng vượt bật với kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 97% so với năm 2021. Sau cá tra, tôm cũng nằm trong nhóm sản phẩm thủy sản có giá trị xuất khẩu "tỷ đô", đạt gần 1,4 tỷ USD tăng hơn 45%, đạt kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước đó.

Mặt hàng thứ 3 có mức tăng trưởng tốt là sản phẩm cá ngừ. Theo VASEP, đà tăng trưởng nối tiếp từ những tháng cuối năm 2021, đến giữa quý II năm nay, xuất khẩu cá ngừ đã đạt 380 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ. 

Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam, chiếm tỉ trọng gần 55%. Đây cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm các thị trường quan trọng của cá ngừ, với mức tăng trưởng tăng gần 113%.

Mặc dù tình hình xuất khẩu đang rất khả quan, song theo nhận định của VASEP, xuất khẩu thủy sản sẽ đối mặt với ba thách thức lớn trong những quý cuối năm. Đó là sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất xuất khẩu, tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào tăng.

Đơn cử như mặt hàng tôm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, các đơn hàng xuất khẩu thời điểm này là đơn hàng đã ký trước và trong giai đoạn dịch Covid-19, giá xuất chưa bù đắp được sự tăng chi phí sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp đã và đang phải đàm phán điều chỉnh giá theo tỉ lệ đơn hàng để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Giá xuất khẩu tôm dự báo sẽ tiếp tục tăng, thậm chí có thể tăng vọt, nhất là đến cuối quý III. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, thời điểm cuối năm là lúc đã qua vụ thu hoạch của các vùng tôm nguyên liệu trong nước. Do vậy, người nuôi và các doanh nghiệp chế biến trong nước không tận dụng được cơ hội này.

Cùng với sự khan hiếm nguồn cung thì các thị trường chắc chắn sẽ lại chú trọng kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc. Đặc biệt, "thẻ vàng IUU" mà châu Âu đang gắn cho sản phẩm thủy sản từ Việt Nam về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là quy định về chống đánh bắt hải sản.

Bên cạnh đó, tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào tăng cũng là những thách thức lớn với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VASEP dự báo, nhu cầu thị trường thế giới đối với mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn lớn.Ngoài ra, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, đang trở thành yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có được giá cả cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu.

Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung - cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt 9,5 - 10 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt khoảng 4,1 - 4,2 tỷ USD, cá tra sẽ bội thu 2,4 - 2,5 tỷ USD, còn lại là hải sản với khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD. 

Trước cơ hội thị trường như vậy, các doanh nghiệp thủy sản trong nước đang đẩy mạnh năng lục sản xuất, đáp ứng đơn hàng.

Tổng công ty Nam Việt cho biết sẽ tuyển dụng thêm khoảng 3.000 công nhân để tập trung sản xuất cho các đơn hàng cá tra đi Mỹ. Các đơn hàng đi Mỹ đã được công ty bắt đầu xuất từ tháng 8 năm nay. Do vậy doanh nghiệp tập trung nguyên liệu và nhân công để tăng công suất lên khoảng 30% và tăng thêm 7-8 tấn nguyên liệu/ngày.