Ba trụ cột mới của Bamboo Capital

Quỳnh Như - 11:34, 20/06/2018

TheLEADERBan lãnh đạo của Bamboo Capital cho biết, công ty đã tái cấu trúc lại hoạt động với 3 lĩnh vực trọng tâm là bất động sản, cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo

Thành lập từ năm 2011,  Bamboo Capital hoạt động như một quỹ đầu tư với danh mục nhiều công ty con ở các lĩnh vực khác nhau. Cơ cấu hoạt động này giúp công ty không tốn nhiều thời gian cũng như công sức để tái cơ cấu mỗi khi thay đổi chiến lược kinh doanh hay định hướng đầu tư.

Sau khi thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp trong hơn một năm qua, Báo cáo của ban lãnh đạo công ty tại ĐHCĐ mới đây cho biết, công ty sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn chính: bất động sản, cơ sở hạ tầngvà năng lượng tái tạo. Trong đó, hai lĩnh vực sau sẽ được chú trọng hơn cả.

Nhìn vào diễn biến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây cũng như tăng trưởng của từng ngành kinh tế riêng biệt, không khó hiểu khi BCG chọn bất động sản và năng lượng tái tạo để cấp tập đầu tư. Bất động sản đang trong thời gian tăng trưởng tốt hơn bao giờ hết còn lĩnh vực năng lượng tái tạo đang được nhà nước cung cấp cho một hành lang pháp lý vô cùng ưu đãi.

Năm 2017-2018, để có thể tập trung toàn lực cho 2 lĩnh vực này, BCG đã thoái vốn khỏi công ty Thành Vũ Tây Ninh, Ô tô 1-5, Vinacafe Đà Lạt, dừng đầu tư vào dự án cánh đồng lớn cacao, công ty phân phối sản phẩm sữa của Vinamilk Phú Thuận…

Dù là một tay chơi mới trong thị trường bất động sản, nhưng với sự linh hoạt và nhanh nhạy trong việc tìm kiếm các dự án tiềm năng cũng như các nhà đầu tư tốt trong và ngoài nước, chỉ trong 2 năm, BCG đã có thể mua lại toàn bộ hoặc một phần nhiều dự án bất động sản hấp dẫn.

Hiện tại, họ có 1 resort đã đưa vào hoạt động cuối năm 2017, tên Casa Marina tại Quy Nhơn. Theo Chủ tịch BCG Nguyễn Hồ Nam, Casa Marina là một resort 4 sao nằm ở khu vực Ghềnh Ráng. Cới việc Quy Nhơn đang là một trong những điểm đến mới hấp dẫn ở miền trung, tỷ lệ lấp đầy phòng của resort này luôn ở mức 60% đến 70%. Trong năm 2018, BCG sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển phần 2 của dự án, với diện tích 11ha.

Bamboo Capital quyết tâm tấn công thị trường bất động sản và năng lượng tái tạo
Đại hội cổ đông thường niên 2018 của công ty Bamboo Capital.

Trong năm 2018-2019, BCG sẽ bắt tay vào thi công 5 dự án khác: MGM Hội An (tên cũ là Malibu Resort) diện tích 2,5 ha tại Quảng Nam – Đà Nẵng, dự án căn hộ - khách sạn Nguyễn Văn Hưởng – Quận 2 có diện tích 9.125m2, dự án phức hợp TTTM – khách sạn – văn phòng – căn hộ Cầu Rồng Đà Nẵng diện tích 11.487m2, dự án nhà ở xã hội có diện tích 11ha với 2.500 căn tại Long An, dự án khách sạn – văn phòng Prince Court ở trụ sở công ty con Tracodi tại Quận 1 diện tích 1.048m2. Tổng số tiền đầu tư cho 5 dự án kể trên vào khoảng 466 triệu USD.

Theo tiết lộ từ Ban lãnh đạo của BCG, hiện họ có một vài dự án bất động sản đang trong thời gian chờ cấp phép, nên không nêu thông tin cụ thể, trong đó có diện tích 1ha tại Đà Nẵng và 300ha tại Long Anh, sát huyện Bình Chánh – TP. HCM.

Về năng lượng tái tạo, BCG hiện đang lên kế hoạch xây dựng 5 nhà máy với công suất 540MW tại các tỉnh miền Tây và Quảng Nam. Hiện tại, mới có 2 nhà máy điện mặt trời tại Long An có tổng công suất 164MW là được Bộ Công thương và địa phương cấp phép, những dự án còn vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các giấy tờ. 3 dự án còn lại gồm 2 điện mặt trời ở Long An và Quảng Nam, 1 điện gió tại Sóc Trăng.

“Hiện tại, năng lượng tái tạo đang là loại năng lượng rẻ nhất hành tinh. Lĩnh vực năng lượng tái tạo vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa bền vững lại an toàn. Tôi hy vọng, với sự góp sức của BCG, trong tương lại, Việt Nam sẽ không còn lâm vào cảnh thiếu điện nữa”, ông Nguyễn Hồ Nam nhận xét.

Công ty con của BCG – Tradico vừa thành lập công ty Tracodi Power, chuyên về năng lượng mặt trời dân dụng – lắp đặt các tấm pin mặt trời tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà máy…

Ngày 26/01/2018, BCG đã ký biên bản thoả thuận hợp tác với công ty New Era Energy (NERA) đến từ Singapore, về việc thử nghiệm áp dụng công nghệ blockchain vào đo lường các tín chỉ carbon sinh ra, sau khi các dự án năng lượng tái tạo của BCG hoàn thành và đi vào hoạt động trong tương lai. Họ còn đầu tư 50 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo của BCG.

Doanh nghiệp lớn thứ 6 Hàn Quốc và đứng thứ 3 thế giới về năng lượng mặt trời Hanwha, ngoài việc hợp tác xây dựng các nhà máy điện mặt trời cho BCG, còn đứng ra bảo lãnh, giúp BCG có thể vay tiền phát triển dự án từ một ngân hàng đến từ Hàn Quốc. Tiên Phong Bank chính là ngân hàng đứng ra cho họ vay tiền thực hiện dự án BOT Long An. Tập đoàn DOJI cũng đã mua 10% cổ phần của BCG và trở thành cổ đông chiến lược.

3 tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng của Hàn Quốc là Chosun Refractories, Daewoo và Woomi Construction, ngoài góp 113 tỷ đồng thông qua việc mua trái phiếu của BCG, còn tham gia vào quá trình quản lý vận hành xây dựng cho 2 dự án MGM Hội An và Cầu Rồng Đà Nẵng. Sau khi hoàn tất, chuyện vận hành các hoạt động của các dự án này sẽ là trách nhiệm của tập đoàn quản lý bất động sản nổi tiếng thế giới MGM.

Dù đã huy động rất nhiều nguồn lực từ khắp nơi, nhất là các đối tác đến từ Hàn Quốc, từ hợp tác kỹ thuật, thiết kế đến nguồn vốn; song BCG vẫn phải vay rất nhiều tiền để có thể đầu tư vào tất cả những dự án về bất động sản và năng lượng tái tạo kể trên. Thế nên, lợi nhuận sau thuế của BCG trong 2 năm 2016 và 2017 chỉ trên dưới 60 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo của BCG hứa hẹn rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ tăng đột biến trong vài năm tới, khi các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo hoàn tất và đi vào vận hành.