Leader talk
Bài học cho Việt Nam nhìn từ trung tâm khởi nghiệp của châu Âu
Con đường để Phần Lan vươn mình trở thành nền kinh tế sáng tạo thứ 4 thế giới, trung tâm khởi nghiệp của châu Âu để lại nhiều bài học quý giá cho những quốc gia đang muốn xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp như Việt Nam.
Hiện có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đang hoạt động tại Việt Nam cùng với khoảng 20 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng, mặc dù đã có đầy đủ các thành phần cho sự phát triển với các startup chất lượng tốt, quỹ đầu tư mạo hiểm có uy tín, các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp với số lượng và chất lượng không ngừng tăng lên, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc, chưa có sự gắn kết.
Nhìn sang một nước châu Âu xa xôi cách Việt Nam hơn 8.000 km đường bay - Phần Lan nơi chỉ có khoảng 5,4 triệu dân nhưng lại có một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển rất mạnh mẽ.
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2017, Phần Lan được xếp hạng là nền kinh tế sáng tạo thứ tư thế giới. Thủ đô Helsinki của nước này từ lâu đã được xem là trung tâm khởi nghiệp của châu Âu.
Trao đổi với TheLEADER, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam Marko Saarinen cho biết, Phần Lan có một cộng đồng khởi nghiệp khá năng động và đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong vòng 10 năm qua.
Theo ông Marko Saarinen, phong trào khởi nghiệp đã trở nên phổ biến trong giới trẻ ở Phần Lan. Theo đó, trung bình mỗi năm có khoảng 4,000 – 5,000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được thành lập ở nước này; đồng thời, các hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng hoạt động tích cực.
Hàng năm, khoảng 17 nghìn startup, các nhà đầu tư và các cơ quan truyền thông đến từ khoảng 100 quốc gia trên thế giới có cơ hội quy tụ tại chương trình Slush được tổ chức tại thủ đô Helsinki. Đây là sự kiện khởi nghiệp và công nghệ hàng đầu thế giới, nơi các doanh nghiệp khởi nghiệp và các tài năng công nghệ gặp gỡ với những nhà đầu tư hàng đầu và lãnh đạo các tập đoàn quốc tế lớn.
Bên lề sự kiện này là chương trình Tăng tốc khởi nghiệp Slush GIA, một chương trình được xây dựng để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp mới được thành lập và giới thiệu những cơ hội kinh doanh thú vị tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Tại đây, các startup nhận được sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu thế giới; tham gia các khoá học kỹ năng kinh doanh và xây dựng đội nhóm với các doanh nhân thành công hàng đầu tại châu Âu...
Ông Marko Saarinen đánh giá, tại Phần Lan, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đổi mới của nền kinh tế nước này.
So sánh với cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam sau gần 4 năm sinh sống tại đây, ông Marko Saarinen cho rằng startup ở Phần Lan có phần phát triển mạnh hơn và đã đi xa hơn nhiều. Theo đó, Việt Nam có quy mô thị trường lớn hơn xét về tổng thể nền kinh tế nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn cần phải hoàn thiện và phát triển hơn nữa.
“Tại Phần Lan, chúng tôi có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hoạt động rất hiệu quả, xếp hạng hàng đầu thế giới”, ông Marko Saarinen cho biết.
Đại diện đại sứ quán Phần Lan nhìn nhận, startup ở cả hai quốc gia đều tập trung rất nhiều vào công nghệ; tuy nhiên, các doanh nghiệp Phần Lan có cơ hội tiếp cận nhiều hơn tới các quỹ hỗ trợ và đối tác quốc tế.
“Mặc dù đã có những bước phát triển nhưng Việt Nam vẫn còn đường dài phải bước; trước mắt cần cải thiện các quy định, gỡ bỏ các hàng rào pháp lý làm cản trở sự phát triển của khởi nghiệp ở Việt Nam”, ông Marko nói thêm.
Cũng theo ông Marko Saarinen, giáo dục đại học đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Phần Lan, hỗ trợ mạnh mẽ cho sinh viên khởi nghiệp và đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp bên ngoài trong công tác khảo sát, nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp.
Đánh giá về cơ hội cho khởi nghiệp tại Việt Nam, tham tán đại sứ quán Phần Lan cho rằng Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội lớn cho các startup với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm vừa qua, thị trường nội địa rộng lớn cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế.
“Tôi nhận thấy Việt Nam vẫn là một miền đất hứa cho các startup với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó, Phần Lan cũng đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả tích cực trong những năm gần đây”, ông Marko Saarinen nhìn nhận.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng có những dấu hiệu phát triển tích cực trong thời gian qua khi khả năng của không chỉ các startup mà của cả các nhà cung cấp dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng không ngừng được tăng cường”, ông Marko Saarinen đánh giá thêm.
Đại diện đại sứ quán Phần Lan nhìn nhận, sự phối hợp giữa Phần Lan và Việt Nam trong công tác đào tạo đã được chú trọng và cho những kết quả tích cực, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự kết hợp giữa giáo dục đại học và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, ông Marko Saarinen cho rằng không chỉ startup mà các doanh nghiệp Việt nói chung cũng phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Trong đó, sự cạnh tranh ngay trên sân nhà của của Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và các doanh nghiệp Việt sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển cũng như các dịch vụ và sản phẩm đối mới sáng tạo.
Xét về tính cạnh tranh lâu dài, công tác đổi mới trong hệ thống giáo dục được đại diện đại sứ quán Phần Lan cho là cần thiết để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Chia sẻ về những hỗ trợ từ Chính phủ Phần Lan đối với các hoạt động khởi nghiêp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, ông Marko Saarinen cho biết Phần Lan đã thực hiện chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và công nghệ kể từ năm 2009.
IPP đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam; cấp chứng chỉ cho hơn 150 giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến từ hơn 50 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc.
Các khóa đào tạo của IPP được thực hiện trên cơ sở chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do IPP phát triển cũng như một số chương trình liên quan với trọng tâm là các kiến thức, kỹ năng và công cụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phương pháp giảng dạy về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Hầu hết các khóa đào tạo đã được tổ chức tại Việt Nam bởi các chuyên gia Việt Nam, Phần Lan và các chuyên gia quốc tế khác. Từ năm ngoái, các khóa đào tạo cấp cao về quản lý đổi mới sáng tạo và vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được tổ chức tại Phần Lan và một phần của khóa đào tạo về thành lập quỹ đổi mới sáng tạo được tổ chức tại Singapore.
Hiện nay, giai đoạn 2 của chương trình IPP có tổng ngân sách khoảng 11 triệu Euro hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang được thực hiện; trong đó, chính phủ Việt Nam đóng góp 1 triệu Euro và Chính phủ Phần Lan đóng góp 10 triệu Euro. Giai đoạn 1 của chương trình đã được thực hiện từ năm 2009 – 2014 với ngân sách trên 7 triệu Euro.
Theo tham tán đại sứ quán Phần Lan, bên cạnh các khoản hỗ trợ cũng như tìm kiếm các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công, việc kết nối các thành phần tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp và các bên liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng.
‘Khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ mới có Start mà chưa có Up’
‘Khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ mới có Start mà chưa có Up’
Theo ông Nguyễn Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt đang chứa đựng yếu tố sao chép nhiều hơn là đổi mới sáng tạo
Khi 'kiều nữ' khởi nghiệp ngành thời trang
Để thành công trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, nhà đồng sáng lập Coco Sin cho rằng, không phải cứ ai mặc đẹp, có mắt thẩm mỹ cũng sẽ làm được. Bởi thời trang vốn thay đổi rất nhanh, chỉ riêng một thương hiệu, hay một nhà thiết kế không thể định hướng được cả thị trường.
Nhà phát triển game Diffcat nhận 2,2 triệu USD tài trợ từ Vườn ươm khởi nghiệp AppWorld
Đây là thương vụ đầu tiên của Vườn ươm khởi nghiệp AppWorld chỉ một tuần sau khi vận hành chính thức.
Viết tiếp giấc mơ công nghiệp hoá
Đã hơn ba thập kỷ trôi qua kể từ khi Việt Nam khởi động quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng, giấc mơ lớn ấy vẫn còn dang dở và hy vọng để hiện thực hóa giấc mơ đó đang đặt vào những doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Phía sau ánh hào quang
Đầu tư bất động sản thật sự là con đường trải hoa hồng, hay là một cuộc đua đầy cạm bẫy mà chỉ những người kiên cường nhất mới có thể trụ lại?
Khai doanh trí, chấn doanh khí cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nền văn hóa kinh thương Việt Nam 2045 được cấu thành bởi một thế hệ doanh nhân mới với doanh trí mới và doanh khí mới, và một nền quản trị mới với khát vọng dân tộc và chuẩn mực toàn cầu.
Dịch vụ là văn hoá
Dịch vụ không chỉ gói gọn trong công nghệ hay bí mật thương mại, mà cốt lõi chính là văn hóa con người.
Nắm lấy những cơ hội chuyển mình
Trong suốt 28 năm qua, ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đã luôn nắm bắt những cơ hội thay đổi, chuyển mình để trở thành một trong những nhà phát triển khu công nghiệp tiên phong và thành công nhất Việt Nam.
Cách những thương hiệu tỷ đô gia tăng giá trị
Những câu chuyện giàu cảm xúc, có tính lan toả giúp người tiêu dùng hiểu được bối cảnh và tham vọng sẽ giúp doanh nghiệp định vị, gia tăng giá trị thương hiệu.
Vun vén nguồn nhân lực cho nền kinh tế số
Nhân lực được xem là bài toán cấp bách trong tiến trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.