Bài học xây dựng thương hiệu nhìn từ câu chuyện Uber, Grab

An Chi - 15:20, 23/10/2017

TheLEADERThành công của Uber, Grab là cách làm marketing hiện đại dựa trên cảm xúc của số đông, nhằm dẫn dắt thị trường vào cộng đồng riêng của mình.

Bài học xây dựng thương hiệu nhìn từ câu chuyện Uber, Grab
Ảnh minh họa

Tạo dựng và dẫn dắt cộng đồng riêng của mình

Câu chuyện giữa taxi truyền thống và hiện đại luôn là đề tài nóng của dư luận trong thời gian gần đây. Trong khi đó, về bản chất, taxi, xe ôm không phải là một nghề mới tại Việt Nam. Nếu như, trước đây, có lẽ ít ai quan tâm đến nghề này cũng như việc những người làm nghề này hoạt động như thế nào, kiếm được bao nhiêu tiền... thì nay câu chuyện xe ôm, taxi lại nóng lên khi có sự xuất hiện và cạnh tranh của Uber, Grab.

Với cách làm mới áp dụng lợi thế của công nghệ 4.0, văn minh trong thái độ phục vụ và đem lại lợi ích cho khách hàng, chỉ trong một thời gian ngắn, Uber, Grab đã đánh bật các hãng taxi và xe ôm truyền thống, nổi lên như một thương hiệu mạnh với một cộng đồng đông đảo khách hàng tin tưởng và sử dụng. 

Nói về bài học xây dựng và quản trị thương hiệu nhìn từ câu chuyện của Uber và Grab, tại tọa đàm Cafe Quản trị tháng 10 với chủ đề "Tư duy lãnh đạo trong xây dựng thương hiệu", ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch tập đoàn Le Bros nhận định, chúng ta đang sống trong thế giới của nền kinh tế chia sẻ. Trong đó, việc sử dụng một nền tảng nào đó để doanh nghiệp có thể chia sẻ, sử dụng nguồn lực của xã hội là xu thế tất yếu. 

Ở đó, chúng ta nhìn thấy sự thành công của Facebook, Uber hay Grab đều có một đặc điểm chung là xây dựng trên nền tảng lợi ích của người tiêu dùng. Tất cả những gì được xây dựng trên nền tảng lợi ích người tiêu dùng đều có khả năng tồn tại.

Theo ông Vinh, câu chuyện của taxi Uber, Grab cũng là câu chuyện của quản trị thương hiệu. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã tạo ra một cộng đồng riêng và dẫn dắt thị trường vào cộng đồng riêng của mình.

Đây là cách làm marketing hiện đại dựa trên cảm xúc số đông, sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy, tất cả vì lợi ích của người tiêu dùng. Doanh nghiệp nào hiểu được nguyên tắc này, nắm được một nhóm cộng đồng tin tưởng và đi theo thì sẽ phát triển. Trái lại, doanh nghiệp nào đi ngược lại lợi ích của cộng đồng sẽ tự bị cộng đồng vùi dập, ông Vinh khằng định.

Chuyên gia thương hiệu Bùi Quý Phong

Đồng quan điểm, chuyên gia thương hiệu Bùi Quý Phong, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược thương hiệu Châu Á,  cũng cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, câu chuyện khủng hoảng niềm tin đang là những vấn đề đặt ra với toàn xã hội nói chung và đối với việc xây dựng thương hiệu nói riêng.

Thành công của Uber hay Grab chính là cách làm truyền thông thương hiệu mới. Họ đã xây dựng những nhóm cộng đồng riêng của mình, hỗ trợ người tiêu dùng tự khám phá và tìm ra sản phẩm của mình thay vì dựa vào PR, quảng cáo như trước. Từ đó, tạo thành những trào lưu, sức mạnh cho việc xây dựng thương hiệu.

Theo ông Phong, sở dĩ như vậy là do trong thời đại hiện nay, hành vi ra quyết định tiêu dùng đã thay đổi. Khách hàng hiện đại đã không còn niềm tin đối với quảng cáo. Về bản chất, đó là trận chiến không cân sức giữa quảng cáo thương hiệu với sự chia sẻ của bạn bè người thân do niềm tin của người tiêu dùng đối với quảng cáo thương hiệu ngày càng ít đi.

Do đó, muốn xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp hãy xây dựng những cộng đồng riêng và tìm cách dẫn dắt cộng đồng của mình. Xây dựng nhóm cộng đồng có chung niềm tin để họ tự nguyện tin vào sản phẩm, điều này khác hoàn toàn với việc truyền thông quảng bá, áp đặt sản phẩm, ông Phong nhấn mạnh. 

Không thể nhìn một chiều về những thành công

Ở khía cạnh khác, TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Chủ tịch Tập đoàn Long Biên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn cho rằng, đối với Uber, Grab chúng ta không thể nhìn nhận một chiều về những thành công của nó mang lại. Bởi bài học của Ấn Độ là 80% các vụ hiếp dâm, vụ cướp xảy ra khi người dân đi trên các xe chạy cho Uber, Grab.

Ở đây, câu chuyện quản trị đặt ra là người đi xe của các hãng taxi này không ai quản lý dẫn đến tiềm ẩn những nguy cơ cực kỳ nguy hiểm, không đảm bảo tính an toàn.

Do đó, ông Thuận cho rằng cần có một hệ thống quản trị, quản lý được tất cả các loại phương tiện taxi này, gắn với việc đảm bảo an toàn cho khách hàng

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải đặt vấn đề về việc quản trị như thế nào trong việc xử lý, kiểm soát các hãng taxi này. Nếu nó thực sự hiệu quả, an toàn, nó sẽ được người tiêu dùng chấp nhận, ngược lại, tự nó sẽ bị thị trường đào thải.