Bài toán tăng trưởng xanh của doanh nghiệp

Tùng Anh - 07:50, 14/04/2022

TheLEADERTăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển bền vững được đánh giá là một xu thế tất yếu, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và từng quốc gia.

Bài toán tăng trưởng xanh của doanh nghiệp
Đầu tư xanh, chuyển đổi xanh được đánh giá là một chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp

Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển bền vững được đánh giá là một xu thế tất yếu, là mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và từng quốc gia, đặc biệt là sau hai năm dài đối mặt với những tác động nặng nề của đại dịch và đang bước vào trạng thái bình thường mới.

Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với các mô hình và xu hướng hình thành trong và sau đại dịch Covid-19.

Do đó, việc xác định đầu tư xanh, chuyển đổi xanh như một chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi thực chất.

“Bởi lẽ, từ góc nhìn môi trường, doanh nghiệp là một phần nguyên nhân, thì chính doanh nghiệp là một phần giải pháp”, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhận định.

Chính vì vậy, ông Thi cho rằng, kết hợp sự thay đổi của cả địa phương và doanh nghiệp, sẽ tạo ra sự chuyển đổi bền vững và góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tìm kiếm và tạo lập những hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh mới trong các ngành nghề, lĩnh vực mới nổi, nhất là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế biển xanh.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, là công ty công nghệ có hoạt động trên toàn cầu, Qualcomm hiểu rằng, công nghệ là công cụ quan trọng để giúp các quốc gia và doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chính công ty này cũng có cam kết thực hiện chuyển đổi xanh tại COP 26, tới 2030 giảm thải khí nhà kính và đạt "mục tiêu net zero" vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết này, Qualcomm đã đề ra ba chiến lược chính. Thứ nhất là áp dụng tất cả biện pháp để giảm tiêu thụ tại tất cả cơ sở sản xuất. Thứ hai là làm việc với các nhà cung ứng để họ thực hiện chuyển đổi xanh có lộ trình.

Thứ ba, Qualcomm áp dụng mục tiêu giảm tiêu thụ điện cho các sản phẩm của mình, ví dụ như nền tảng chip của Qualcomm dùng trên smartphone và IoT. Một trong những hạ tầng quan trọng là 5G, mục tiêu giảm tiêu thụ và giảm chất thải ra môi trường. Hiện nay, công nghệ 5G giúp giảm 20% giảm tiêu thụ và phát thải ra môi trường so với trước kia.

Không chỉ từng doanh nghiệp, hiện nay, mô hình khu công nghiệp sinh thái được đánh giá sẽ khắc phục được những hạn chế của các khu công nghiệp truyền thống, hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Khi các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ sử dụng chung một tài sản, họ cùng nhau tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hợp tác quản lý tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, mô hình này coi quá trình sản xuất là quá trình tuần hoàn chứ không phải mô hình tuyến tính. Theo đó, đầu ra của sản phẩm này, doanh nghiệp này sẽ là đầu vào cho doanh nghiệp khác với mô hình sản xuất khác. 

Doanh nghiệp nỗ lực nhưng các chính sách của Nhà nước cũng quan trọng không kém. Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường nhìn nhận, vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay là huy động được nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Việt Nam đã có những bước đi đúng đắn, trong đó, theo quy định hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường, cuối 2022 sẽ ban hành danh mục xanh, để doanh nghiệp thực hiện nhằm đạt tiêu chí xanh mới tiếp cận được nguồn trái phiếu xanh…

Cuối năm 2023, chương trình quốc gia về kinh tế tuần hoàn sẽ được ban hành, hướng đến giảm tiêu dùng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt nguyên liệu hóa thạch, đảm bảo kéo dài vòng đời sản phẩm, không gây nguy hại cho môi trường.

Về chính sách thuế đối với tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho hay, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rà soát ban hành để góp phần tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Chính sách đề cập đến hai trụ cột.

Thứ nhất, hạn chế sản xuất hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như áp dụng thuế bảo vệ môi trường kịch khung đối với một số mặt hàng như: xăng, dầu diezen, túi nilon. Thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích phát triển ô tô điện được giảm từ 3 đến 12 điểm phần trăm xuống còn 1-3 điểm phần trăm.

Thứ hai, các thuế khác cũng được đề cập như thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thuế về môi trường được bổ sung sửa đổi thúc đẩy tăng trưởng xanh phát triển bền vững.