Leader talk
Bản lĩnh trước thử thách
Ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana, nhận định về sự kiên cường của Việt Nam trước những thử thách và tiềm năng tạo ra bước phát triển đột phá trong kỷ nguyên mới.
Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn đến từ đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hay gần đây nhất xung đột Nga - Ukraine. Theo ông, đâu là yếu tốt then chốt giúp Việt Nam thể hiện sự kiên cường và thích nghi nhanh chóng với những biến động này?
Ông Steven Wolstenholme: Theo tôi, yếu tố cốt lõi làm nên sự kiên cường của Việt Nam chính là ý chí đoàn kết của cả dân tộc. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã trở thành chìa khóa giúp Việt Nam không chỉ vượt qua các cuộc khủng hoảng mà còn khẳng định vị thế ngày càng vững chắc trên trường quốc tế. Chính tinh thần đoàn kết và kiên cường này đã tạo nên nền tảng mạnh mẽ để Việt Nam phát triển và thích nghi trong mọi hoàn cảnh.
Cùng với đó, khả năng thích nghi nhanh chóng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việt Nam đã tận dụng hiệu quả nhiều hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường cũng như giảm thiểu sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống.
Những yếu tố này không chỉ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn mà còn tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Ông đánh giá như thế nào về các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với những biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong việc bảo vệ nền kinh tế và duy trì dòng vốn đầu tư? Có điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng không?
Ông Steven Wolstenholme: Tôi thực sự ấn tượng với sự nhạy bén và quyết đoán của Chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với những biến động kinh tế toàn cầu. Các chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và thúc đẩy đầu tư nước ngoài đã không chỉ tạo ra một môi trường ổn định cho doanh nghiệp duy trì hoạt động, mà còn giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, góp phần bảo vệ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Điều ấn tượng nhất đối với tôi chính là cách ngành du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Dù phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng từ đại dịch, Chính phủ đã kịp thời triển khai các chiến dịch như “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm thúc đẩy du lịch nội địa hay chiến dịch “Việt Nam an toàn” chuẩn bị cho thời điểm mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam. Những chiến dịch này không chỉ giúp duy trì hoạt động của ngành mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để ngành du lịch phục hồi khi mở cửa lại.
Đặc biệt, sự chủ động của các địa phương trong việc quảng bá và thu hút du khách cũng đã mang lại những kết quả ấn tượng. Đơn cử như tỉnh Quảng Nam đã đạt hơn 8 triệu lượt khách trong năm 2024, vượt qua kỷ lục 7,8 triệu lượt khách của năm 2019. Con số này là minh chứng cho nỗ lực của UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch trong việc gia tăng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, góp phần nâng cao sức hút của địa phương đối với du khách trong và ngoài nước.
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ những thách thức gần đây để củng cố nền kinh tế và hướng tới phát triển bền vững trong tương lai?
Ông Steven Wolstenholme: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, chúng ta cần tập trung phát triển các ngành mũi nhọn như công nghệ cao, du lịch bền vững và năng lượng tái tạo. Những ngành này không chỉ giúp tạo ra giá trị kinh tế mà còn hạn chế tác động đến môi trường và thúc đẩy sự phát triển lâu dài.
Bên cạnh đó, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững. Việc cơ hữu hóa nguồn lao động địa phương với khả năng linh hoạt thích ứng với những thay đổi của thị trường sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng và khai thác tối đa các cơ hội trong tương lai.
Điều này càng đặc biệt đúng trong ngành du lịch khách sạn, nơi con người là yếu tố trung tâm của mọi hoạt động. Đầu tư vào nguồn nhân lực không chỉ là một chiến lược phát triển, mà còn là nền tảng để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Hiểu rõ được điều này, vào tháng 3/2023, Hoiana Resort & Golf đã ra mắt nền tảng Hoiana Academy – nền tảng chuyên cung cấp các khóa học chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên. Nền tảng này không chỉ giúp nhân viên phát triển năng lực cá nhân mà còn trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành du lịch, góp phần tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của khu nghỉ dưỡng.
Những sự kiện toàn cầu gần đây đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở nhiều khu vực trên thế giới. Ông có nhận định nào về khả năng Việt Nam nắm bắt những cơ hội này để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Ông Steven Wolstenholme: Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp quốc tế tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro. Nền kinh tế Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế như vị trí địa lý chiến lược, lực lượng lao động trẻ và năng động, cũng như các chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, việc tham gia và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng cao và gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu thực hiện được các chiến lược này, Việt Nam không chỉ củng cố vị thế kinh tế mà còn khẳng định vai trò quan trọng hơn trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Sau bảy năm gắn bó và làm việc tại Việt Nam, ông có nhìn nhận gì về triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới? Theo ông, Việt Nam nên tập trung phát triển lĩnh vực nào để trở thành một ngôi sao kinh tế mới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương?
Ông Steven Wolstenholme: Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một ngôi sao kinh tế mới trong khu vực, đặc biệt nếu ngành du lịch được đầu tư đúng hướng.
Với sự đa dạng về văn hóa, di sản, cảnh quan thiên nhiên và một môi trường an toàn, thân thiện, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế. Nếu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên dẫn đầu trong khu vực.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế. Tại Giải thưởng Du lịch thế giới 2024 (World Travel Awards) được mệnh danh là “Oscar của ngành du lịch,” Việt Nam đã vượt qua các đối thủ lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, giành chiến thắng ấn tượng ở hạng mục “Điểm đến hàng đầu châu Á.”
Cùng với đó, các dịch vụ và điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam cũng nhận được sự công nhận quốc tế. Điển hình như Hoiana Resort & Golf vừa được vinh danh là Khu nghỉ dưỡng phức hợp tốt nhất thế giới tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới 2024.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành trung tâm du lịch hàng đầu châu Á? Liệu ngành du lịch có thể thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam?
Ông Steven Wolstenholme: Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu châu Á nhờ vào sự đa dạng văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và các di sản thế giới được UNESCO công nhận. Tất cả đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho Việt Nam.
Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác một cách tối ưu. Để ngành du lịch thực sự bứt phá, Việt Nam cần tập trung vào việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên những tiềm năng vốn có. Đặc biệt, việc đẩy mạnh các loại hình du lịch trải nghiệm như nông nghiệp, sinh thái, và khám phá văn hóa bản địa là hướng đi không chỉ đáp ứng xu hướng du lịch bền vững mà còn mang lại những trải nghiệm sâu sắc và độc đáo hơn cho du khách.
Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, và triển khai các chiến lược tiếp thị hiện đại, phù hợp với thị hiếu toàn cầu. Việt Nam cần hướng tới việc không chỉ là một điểm đến mà còn là hành trình đáng nhớ với mỗi du khách.
Theo ông, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam? Điều gì khiến ông lạc quan về tiềm năng phát triển của thị trường này trong tương lai?
Ông Steven Wolstenholme: Sự ổn định chính trị và nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh là điểm mạnh nổi bật của Việt Nam. Trong bảy năm làm việc tại đây, tôi đã chứng kiến những chuyển biến rõ rệt, từ sự phát triển của cơ sở hạ tầng cho đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng cởi mở hơn. Những yếu tố này đã góp phần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh tại một thị trường đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất vẫn nằm ở khung pháp lý và các quy định hành chính. Mặc dù đã có những cải cách tích cực, việc thực thi đôi khi còn thiếu đồng bộ và phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình triển khai dự án hay mở rộng quy mô hoạt động.
Dù vậy, điều khiến tôi thực sự lạc quan về Việt Nam chính là con người nơi đây. Sự năng động, chăm chỉ và ham học hỏi của người dân là một lợi thế lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được. Tôi tin rằng, với sự cải thiện không ngừng về hạ tầng và chính sách, cùng tinh thần cầu tiến của người dân, Việt Nam không chỉ là một điểm đến kinh doanh hấp dẫn mà còn là ngôi nhà thứ hai cho những ai mong muốn tìm kiếm cơ hội và gắn bó lâu dài.
Việt Nam thường được đánh giá cao về khả năng duy trì sự phát triển kinh tế song song với ổn định xã hội. Theo ông, điều này có ý nghĩa gì đối với các nhà đầu tư quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu?
Ông Steven Wolstenholme: Sự ổn định về chính trị và xã hội tại Việt Nam góp phần tạo ra một nền tảng phát triển vững chắc, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng tính dự đoán trong việc hoạch định các chiến lược kinh doanh dài hạn. Đây là yếu tố mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng tìm kiếm khi muốn mở rộng hoạt động tại một thị trường mới.
Hơn thế nữa, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang ngày càng được cải thiện nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp. Những bước tiến này không chỉ giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mà còn tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp quốc tế tiếp cận một thị trường còn nhiều tiềm năng để khai thác.
Việt Nam không chỉ là một điểm đến an toàn để đầu tư, mà còn đang dần khẳng định mình là một trung tâm kinh tế đầy triển vọng tại khu vực và trên thế giới. Sự kết hợp giữa tăng trưởng ổn định, nguồn nhân lực trẻ, năng động và môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng chính là những yếu tố giúp Việt Nam tạo được niềm tin và sức hút mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam sau các cuộc khủng hoảng toàn cầu? Các quốc gia khác có thể học hỏi gì từ Việt Nam để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững?
Ông Steven Wolstenholme: Các doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi ấn tượng sau các cuộc khủng hoảng toàn cầu nhờ vào sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi. Đồng thời, sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ qua các chính sách khuyến khích đầu tư, cải cách hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp đứng vững và tiếp tục phát triển.
Quan trọng hơn, chính sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra sức mạnh chung, giúp không chỉ các doanh nghiệp mà cả nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn và hướng tới sự phát triển bền vững. Đây là một bài học quý giá mà các quốc gia khác có thể học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang ngày càng tác động sâu rộng đến nền kinh tế thế giới.
Nếu có thể gửi một thông điệp tới cộng đồng quốc tế về tiềm năng phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, ông sẽ nói điều gì?
Ông Steven Wolstenholme: Việt Nam hiện đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế. Sau hơn bảy năm sống và làm việc tại đây, tôi nhận thấy sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, nơi mà phát triển kinh tế luôn đi liền với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa.
Chính phủ Việt Nam đã triển khai các cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư. Cùng với lực lượng lao động trẻ, sáng tạo và năng động, Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp muốn phát triển tại đây.
Đối với tôi, Việt Nam không chỉ là một điểm đến kinh doanh hấp dẫn mà còn là ngôi nhà thứ hai, nơi tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, chào đón và sự kết nối mạnh mẽ với cộng đồng nơi đây.
Schneider Electric: Viết tiếp dấu ấn trong kỷ nguyên mới
Thời điểm chín muồi để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới
Với thế và lực sau gần 40 năm đổi mới, tiến vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu để Việt Nam xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường.
Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước đòi hỏi ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê tiếp tục giữ vững ngọn cờ cải cách, tiên phong đổi mới.
Việt Nam tăng tốc chuẩn bị tiến vào kỷ nguyên mới
Nền kinh tế Việt Nam đang tăng tốc chuẩn bị cho sự khởi đầu bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ươm mầm kỳ lân cho nền kinh tế số
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures tin rằng, Việt Nam có tiềm năng xuất hiện "kỳ lân" thứ 5 và thứ 6 trong hai năm tới.
CHỐNG LÃNG PHÍ: Giải pháp thực hành phát triển bền vững
Ngay khi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta đã có lợi về kinh tế thông qua việc giảm chi phí, chưa kể lợi ích về môi trường và xã hội đi kèm.
Quản trị doanh nghiệp chuyển mình cùng đất nước
Với việc kiện toàn hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả, TS. Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tin rằng, các doanh nghiệp Việt sẽ vươn mình mạnh mẽ, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Nền kinh tế mới
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên số, nơi công nghệ không chỉ hỗ trợ mà còn định hình cách chúng ta sống, làm việc và kinh doanh.
Cải cách thể chế từ góc nhìn lập pháp
Cải cách thể chế là việc thay đổi cách đặt ra luật lệ và tổ chức các cơ quan để mọi thứ hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn và phục vụ người dân tốt hơn. Nói ngắn gọn, đó là sửa đổi cách “vận hành” để cuộc sống và công việc suôn sẻ hơn.
Bản lĩnh trước thử thách
Ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana, nhận định về sự kiên cường của Việt Nam trước những thử thách và tiềm năng tạo ra bước phát triển đột phá trong kỷ nguyên mới.
Lan tỏa niềm hạnh phúc
Lấy con người làm trọng tâm là phương châm giúp Coca-Cola Việt Nam xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, qua đó lan tỏa hạnh phúc đích thực tới cộng đồng và xã hội.
Mailand Hanoi City: Điểm đến văn hóa kết nối cộng đồng
Song hành với mục tiêu kiến tạo Hà Nội thể hiện vị thế “thành phố sáng tạo” được UNESCO công nhận, Mailand Hanoi City đã trở thành khu đô thị giàu tính kết nối và bản sắc văn hóa.
Khu kinh tế ven biển: Động lực mới của Hải Phòng
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng hứa hẹn tạo động lực mới, cơ sở mạnh mẽ cho quá trình phát triển của Thành phố Hoa phượng đỏ thời gian tới.
Bài toán tỷ đô của ngành công nghiệp bị bỏ quên
Việt Nam tiêu tốn chục tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu hạt nhựa nguyên sinh nhưng lại đang bỏ phí nguồn phế liệu nhựa có giá trị.
Số hóa ‘huyết mạch’ nền kinh tế
Đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng là khu vực có những hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất, có tác động lan tỏa, thúc đẩy các lĩnh vực khác chuyển đổi theo.
Kết nối sâu sắc với khách hàng trong tiếp thị
Trong bối cảnh tiếp thị hiện đại, mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng không còn chỉ là giao dịch đơn thuần mà là một quá trình kết nối sâu sắc, bền vững.