Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn giữa đại dịch

An Chi - 08:30, 18/07/2021

TheLEADERTrong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, bất động sản gắn liền với đất đang là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay.

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn giữa đại dịch
Thị trường bất động sản vẫn tăng trưởng trong đại dịch

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cengroup cho rằng, đây là điều đã và đang gây bất ngờ lớn cho giới đầu tư bất động sản trong suốt thời gian 2 năm sống chung với dịch bệnh vừa qua.

Thực tế cho thấy, từ giữa năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự thay đổi. Mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội, nhưng thị trường bất động sản vẫn tăng trưởng.

Đáng nói, nếu như trong bối cảnh bình thường, sự tăng trưởng của thị trường là do yếu tố cung - cầu quyết định thì tăng trưởng của thị trường bất động sản hiện nay lại đến từ nguyên nhân hoàn toàn khác. 

Ông Hưng chỉ ra rằng, tăng trưởng của thị trường thời gian vừa qua phần lớn là do sự lo sợ khủng hoảng kinh tế, lạm phát, đồng tiền mất giá của người dân. Điều này vốn đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó do những tác động khách quan ngoài tính quy luật như chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai.

Những yếu tố khách quan này đã khiến các Chính phủ có xu hướng cung một lượng tiền mạnh ra thị trường để cứu chữa và phục hồi nền kinh tế. Điều này dẫn đến tâm lý sợ mất giá đồng tiền của người dân. Hệ quả là dòng tiền đổ mạnh vào các thị trường mang tính đầu tư dài hạn như bất động sản.

Theo ông Hưng, nhà đất là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm. Minh chứng rõ nhất là thời gian vừa qua, khi nhu nhập của người dân bị giảm sút do dịch bệnh, thị trường bất động sản chung cư để ở không có sự tăng trưởng đáng kể mà có động thái giảm thanh khoản do người dân thắt chặt chi tiêu, không có tiền mua nhà. 

Hầu hết các phân khúc từ chung cư cao cấp, trung cấp đến chung cư giá rẻ đều có sự hấp thụ kém. Trong khi đó, các bất động sản gắn liền với đất như nhà phố, biệt thự liền kề, đất nền lại chứng kiến sự tăng giá mạnh.

"Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi bất động sản tăng giá trong tương lai chủ yếu nhờ tăng giá đất, chứ không phải do công trình xây dựng. Dù nhiều dự án có dát vàng hay được trang bị các nội thất hiện đại cũng không làm thay đổi giá trị đáng kể của bất động sản. Thời gian sử dụng càng dài, các công trình trên đất sẽ càng bị khấu hao giá trị, ngược lại, giá đất sẽ càng tăng mạnh. Đây chính là lý do khiến bất động sản gắn liền với đất là kênh đầu tư hiệu quả, luôn được săn lùng", ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, tại "Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường", bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cũng cho rằng, thời điểm hiện tại, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn.

Trong đó, biệt thự và nhà liền kề sẽ là điểm sáng của thị trường 6 tháng cuối năm do đây là phân khúc có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư và nguồn cung nhiều.

Về phân khúc nhà ở thấp tầng, theo bà Hằng đây cũng là phân khúc có diễn biến tốt trong 6 tháng đầu năm và tiếp tục có sự tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2021. 

Bên cạnh những yếu tố tích cực về xu hướng đầu tư, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi, nhất là các đô thị lớn, các khu vực có chủ trương tách nhập, nâng cấp, xuất hiện các tình trạng thổi giá cục bộ.

Mặt khác, giao dịch bất động sản ở thị trường sơ cấp vẫn khó kiểm soát, tiềm ẩn những rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động, đặc biệt là nguồn cung cấp ra thị trường thông qua các đơn vị môi giới, các sàn giao dịch bất động sản.

Cùng với đó là vấn đề nguồn lực tài chính trên thị trường để bảo đảm làm sao tránh thị trường đi vào bong bóng bất động sản.

Ông Khởi cho rằng, đây là những vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước khi xuất hiện những diễn biến về đại dịch, những biến động mới trong phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó, bất động sản luôn được xác định là một thị trường hết sức quan trọng của nền kinh tế. 

Theo thống kê và đánh giá của rất nhiều nước cũng như của Việt Nam, bất động sản xây dựng là ngành cấp I, tương đương với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nông nghiệp.

Đóng góp của xây dựng bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11%, trong đó bất động sản đóng góp khoảng 4,5 % GDP và xây dựng khoảng gần 6%,... 

Như vậy, hoạt động bất động sản luôn luôn có một vai trò hết sức quan trọng, doanh thu của bất động sản chiếm khoảng hơn 2% và lợi nhuận chiếm khoảng 7% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tới 35% ngành nghề lĩnh vực của nền kinh tế.

Chính vì vậy, năm 2020, Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm, có những cơ chế tháo gỡ cho thị trường bất động sản trong hoạt động kinh doanh. 

Việc ban hành chính sách đã thúc đẩy cho thị trường, trong đó năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và song song với đó, Chính phủ ban hành một loạt nghị định tác động trực tiếp đến thị trường.