Bất hợp lý trong quy trình cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng

Hứa Phương - 08:15, 07/07/2019

TheLEADERĐại diện giới doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM kiến nghị tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế và điều chỉnh thẩm quyền của Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.

Bất hợp lý trong quy trình cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng
Cao ốc 25 tầng trở lên phải trải qua quy trình thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật trước khi được cấp phép xây dựng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Xây dựng sau năm năm thực hiện đã bộc lộ những khiếm khuyết, một số quy định không còn phù hợp hoặc cần được xây mới. Điển hình như quy trình cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng hiện nay đã nảy sinh những bất hợp lý khiến cho quá trình cấp phép dự án bị kéo dài. 

Theo phản ánh của HoREA trong một văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp, quy trình cấp phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật.

Tuy nhiên, Luật Xây dựng hiện nay lại tách ra làm ba bước là thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, rồi mới cấp phép xây dựng.

Đại diện HoREA chỉ ra điểm "trái khoáy" trong quy trình cấp phép xây dựng bắt nguồn từ thẩm quyền rất rộng của Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.

Cục này có thẩm quyền trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hoạt động xây dựng, an toàn; trong đó có công tác thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng.

Tất cả công trình cấp 1 (cao từ 25 tầng hoặc trên 75m) đều phải được Cục này thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật, tức là phải trải qua hai lượt thẩm định.

Tuy nhiên, điều trái khoáy là sau khi đã thực hiện xong bước này, chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp giấy phép một lần nữa.

Thực tế, chủ đầu tư dự án nhà ở còn phải trực tiếp thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy tại Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ Công an và thẩm duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến thuộc Bộ Quốc phòng. 

Trong khi đó, Luật Xây dựng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng phải chủ động trao đổi thông tin với các cơ quan nhà nước có liên quan.

"Đây là bất hợp lý cần được xem xét giải quyết triệt để khi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng", văn bản của HoREA nêu.

Trao đổi với TheLEADER.vn, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM cũng cho biết một số điều của Luật Xây dựng đã bộc lộ những khiếm khuyết, gây khó khăn hoặc kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục dự án của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quản lý xây dựng, công trình cấp 1 thuộc quản lý của Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, công trình từ cấp 2 trở xuống giao cấp sở và công trình cấp 3 trở xuống các phòng chuyên môn ở quận, huyện.

Trong đó, công trình cấp 1 giao cho Cục quản lý từ thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật nhưng đại diện doanh nghiệp này cho rằng làm như vậy không đúng về mặt quản lý nhà nước vì thực tế, Cục không cần thiết quản lý công đoạn thiết kế kỹ thuật.

Đại diện doanh nghiệp này lý giải, Bộ Xây dựng chỉ nên quản lý, thẩm định phần thiết kế cơ sở như chiều cao, khoảng lùi, ranh giới, chiều sâu... Còn thiết kế kỹ thuật như khối lượng sắt thép, chủng loại vật liệu xây dựng... thì trong quá trình thi công mà chủ đầu tư thay đổi thì Cục cũng không kiểm soát được.

"Hơn nữa, hồ sơ thiết kế kỹ thuật dày cả trăm trang, có gửi lên thì Cục cũng không đủ người mà đọc và thực tế là không cần thiết. Trong khi đó, để chờ được Cục thẩm định thiết kế kỹ thuật thì chủ đầu tư phải mất thêm 5 đến 7 tháng, vừa mất công, tiền bạc, mất thời gian và cơ hội kinh doanh qua đi", vị đại diện doanh nghiệp phàn nàn.

HoREA cho rằng, Bộ Xây dựng nên tập trung vào việc ban hành quy chuẩn quy hoạch xây dựng, xây dựng hệ thống định mức, đơn giá, suất đầu tư xây dựng; quy chuẩn kỹ thuật xây dựng là chủ đạo thay vì tiền kiểm.

Cũng từ những bất hợp lý mà doanh nghiệp phản ánh, HoREA kiến nghị sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng tích hợp "quy trình cấp giấy phép xây dựng" bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật.

Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình và cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt. Trường hợp UBND cấp tỉnh có yêu cầu thì Bộ Xây dựng mới thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng.

HoREA lấy ví dụ như Sở Xây dựng TP. HCM hiện đã tích hợp các quy trình thẩm định thiết kế xây dựng vào quy trình cấp giấy phép xây dựng nên đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 122 ngày xuống chỉ còn 42 ngày.