Bí ẩn nợ xấu cho vay chứng khoán

Minh An - 08:00, 22/03/2018

TheLEADER20 công ty chứng khoán lớn nhất đang cho nhà đầu tư chứng khoán vay hơn 37 nghìn tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu nhưng tình trạng nợ xấu không được thuyết minh.

Năm 2016 của Công ty chứng khoán KIS phải dự phòng hơn 60 tỷ đồng cho các khoản cho vay ký quỹ (margin) có quy mô hơn 760 tỷ đồng. Khoản dự phòng lớn đã làm cho lợi nhuận của KIS giảm mạnh so với năm trước đó.

Công ty cho biết, tại ngày 31/12/2016, một số tài khoản margin đang giữ lượng cổ phiếu KVC, TNT, BII vượt 5% lượng cổ phiếu lưu hành của các công ty này. Nguyên nhân là do giá các cổ phiếu này giảm quá nhanh và mạnh nên công ty phải duy trì một lượng cổ phiếu lớn để đảm bảo khả năng thu hồi khoản cho vay ký quỹ.

Sang năm 2017, quy mô margin của KIS tăng lên 1.322 tỷ đồng và các khoản dự phòng cho hoạt động này cũng tăng mạnh lên 117 tỷ đồng. Kết quả là công ty chỉ lãi sau thuế 2,4 tỷ đồng, mức thấp đáng kể so với các công ty chứng khoán còn lại.

Mặc dù vậy, bất chấp thiệt hại của KIS, các công ty chứng khoán đang chạy đua cho vay đầu tư chứng khoán nhằm tìm kiếm thị phần môi giới. Quy mô thị trường đã tăng thêm gần 60% lên mức 37.000 tỷ đồng, tính riêng trong 20 công ty dẫn đầu.

Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), thành viên có thị phần môi giới lớn nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho nhà đầu tư vay margin hơn 5.632 tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái. Tuy nhiên công ty chỉ dự phòng 23 tỷ đồng cho các khoản cho vay có dấu hiệu suy giảm giá trị.

Ước tính trong năm 2017, quy mô các khoản cho vay margin của SSI đã tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhưng quy mô dự phòng các khoản cho vay có vấn đề lại giảm hơn 5 tỷ đồng.

Tương tự, công ty chứng khoán lớn thứ hai thị trường là HSC cũng cung cấp 4.484 tỷ đồng cho nhà đầu tư trong các hợp đồng giao dịch ký quỹ tính đến cuối năm 2017. Công ty cũng đang dành 33 tỷ đồng để dự phòng suy giảm giá trị các khoản cho vay margin.

VNDirect, công ty chứng khoán cung cấp các khoản margin trị giá gần 3.000 tỷ đồng cũng dự phòng khoản 100 tỷ đồng cho các khoản vay có vấn đề vào thời điểm cuối năm 2017.

Thống kê từ báo cáo của các công ty chứng khoán cho thấy, tổng giá trị cho vay mua cổ phiếu của 20 công ty dẫn đầu cao hơn quy mô tín dụng của nhiều ngân hàng quy mô nhỏ như Maritime Bank, NamA Bank, VietBank, KienLong Bank. Tuy vậy, khác với tín dụng ngân hàng, các khoản cho vay margin không được thuyết minh chi tiết về tình trạng cho vay.

Ngoài ra, các khoản cho vay margin đều được bảo đảm bằng giá trị các chứng khoán hình thành từ chính khoản vay. Do đó, các công ty chứng khoán sẽ xử lý tài sản bảo đảm khi giá cổ phiếu giảm và tỷ lệ ký quỹ xuống thấp hơn mức quy định.

Ngay cả khi công ty chứng khoán kỳ vọng giá cổ phiếu phục hồi và không xử lý tài sản bảo đảm, khoản vay cũng chưa rơi ngay vào tình trạng quá hạn để phải dự phòng như một khoản nợ xấu. Thông thường hợp đồng margin có thời hạn 90 ngày.

Bí ẩn nợ xấu cho vay chứng khoán

Các năm gần đây, cho vay ký quỹ là “cây đũa thần” của các công ty chứng khoán để tăng doanh thu. Năm 2017 SSI đã thu về 519 tỷ đồng tiền lãi từ các khoản cho vay và phải thu. Mảng này cũng đưa về khoản lãi hơn 439 tỷ cho HSC.

Ngoài SSI, HSC còn 12 công ty chứng khoán khác đang cho nhà đầu tư vay trên 1.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) có mức tăng trưởng cho vay lớn nhất từ 1.397 tỷ đồng năm 2016 lên 3.437 tỷ đồng năm 2017, tăng 146%. Năm ngoái VCSC đã thực hiện nhiều đợt huy động vốn bằng trái phiếu để tạo nguồn vốn cho vay.

Trong khi đó, công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài là Mirae Asset Vietnam sau khi tăng vốn chủ sở hữu lên 2.000 tỷ đồng đã đẩy mạnh cho vay chứng khoán thêm 800 tỷ đồng trong năm 2017.

Đẩy mạnh margin cũng là cách để các công ty chứng khoán tăng số lượng khách hàng, tăng thị phần môi giới. Tuy nhiên không phải công ty nào cũng đạt được mục tiêu này.

Năm 2017, SSI tăng thêm khoảng 3% thị phần so với năm 2016 nhưng HSC và VCSC đều giảm nhẹ dù đã cung cấp thêm lượng margin lớn cho các nhà đầu tư.

Một công ty chứng khoán khác là KIS đã bị loại khỏi nhóm 10 công ty môi giới lớn nhất HOSE năm 2017 dù đầu tư tăng 601 tỷ vay margin (+74%) lên 1.411 tỷ đồng. ACBS cũng gặp tình cảnh tương tự mặc dù đã tăng 48% dư nợ margin lên 2.167 tỷ đồng.