Bí thư Quảng Ninh hiến kế phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng

Tùng Anh - 08:46, 13/02/2023

TheLEADERViệc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành các hạng mục có tính khớp nối, khắc phục các điểm nghẽn của “trục khuỷu giao thông” cản trở liên kết vùng là một trong các vấn đề được Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh khi đề xuất các giải pháp phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.

Bí thư Quảng Ninh hiến kế phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký

Để thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đề ra 21 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. 

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể.

Trong hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, nổi bật là liên quan đến việc thúc đẩy các đột phá phát triển của các địa phương trong vùng, trong đó có Quảng Ninh. 

Cụ thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế tam giác động lực phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành hạt nhân, trụ cột phát triển của vùng và cả nước; xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và là trung tâm kinh tế biển phát triển bền vững kết nối với khu vực và thế giới, liên kết với các địa phương trong vùng...

Đóng góp tiếng nói của Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy đề xuất 5 nhóm vấn đề. 

Đối với xây dựng, hoàn thiện các thể chế, cần xác định rõ hơn những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành gắn với tư duy mở, cơ chế vượt trội, tập trung nguồn lực nhà nước đủ tầm mức cho kích hoạt, kết nối nguồn lực tư nhân, nhờ đó tạo “tăng trưởng” lan tỏa trong toàn vùng. 

Đối với phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, cần cụ thể hóa chủ trương cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng và liên vùng để có biện pháp, lộ trình cụ thể kết nối nguồn lực các địa phương trong vùng. 

Điều này rất quan trọng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành các hạng mục có tính khớp nối, khắc phục các điểm nghẽn của “trục khuỷu giao thông” cản trở liên kết vùng nhằm tăng cường kết nối nông thôn - thành thị, vùng thấp - vùng cao, công nghiệp - dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể.

Nhiều dự án được nhấn mạnh như Cầu Lại Xuân; cầu Bến Rừng; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ Nút giao với Quốc lộ 18 (Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (Hải Phòng); đường ven sông từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, kết nối từ đường ven sông sang thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; tuyến đường nối từ Quốc lộ 279 (xã Tân Dân, Hạ Long, Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)...

Đối với phát triển các ngành kinh tế, chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, ông Ký đề nghị các bộ, ngành cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho Quảng Ninh thực hiện tốt các định hướng: xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và là trung tâm kinh tế biển phát triển bền vững; giữ vững sự ổn định và phát triển ngành than theo quy hoạch bền vững hơn; tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp”; phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh góp phần phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch.

Đối với phát triển đô thị, kiên trì tổ chức đô thị theo định hướng quy hoạch không gian phát triển chung của toàn vùng. Quy hoạch, định hướng phát triển đô thị tuyến biên giới như Quảng Ninh phải tính toán đầy đủ yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, nâng cao chất lượng sống của người dân làm hạt nhân cho liên kết vùng.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để phát huy lợi thế vùng, “phân vai” tốt hơn trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các ngành nghề và giải quyết việc làm.

Với diện tích tự nhiên 21.278 km², chiếm 6,41% tổng diện tích cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế của vùng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước. Vùng cũng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Theo Nghị quyết số 30, đồng bằng Sông Hồng được định hướng phát triển đến năm 2030 sẽ trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao....