BIDV có trách nhiệm gì trong dự án 'đắp chiếu' Bright City?

Thu Phương - 08:05, 24/04/2018

TheLEADERĐể tái khởi động dự án Bright City, Ngân hàng BIDV yêu cầu chủ đầu tư phải có vốn tự có, tuy nhiên với tình hình tài chính hiện tại của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, yêu cầu này của ngân hàng rất khó thực hiện.

BIDV có trách nhiệm gì trong dự án 'đắp chiếu' Bright City?
Công trường dự án Bright City đã im ắng từ nhiều tháng nay.

Cuối tuần qua, khoảng 400 khách hàng mua nhà tại dự án Bright City (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long (AZ Land) làm chủ đầu tư đã tập trung tại trụ sở của Ngân hàng BIDV căng băng rôn phản đối, kêu cứu ngay trong ngày ngân hàng này tổ chức đại hội đồng cổ đông 2018.

Các cư dân cho biết, nguyên nhân khiến họ kéo đến trụ sở BIDV kêu cứu, phản đối vì họ cho rằng BIDV phải có trách nhiệm trong việc dự án Bright City dừng triển khai suốt nhiều tháng qua, nguy cơ không thể bàn giao nhà. BIDV phải có trách nhiệm đến khi người dân nhận được nhà ở xã hội tại dự án Bright City như cam kết của các bên từ trước đó.

Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn, cư dân cũng mong muốn BIDV xem xét miễn giảm vay lãi và tạm dừng các kỳ nợ gốc cho đến khi chủ đầu tư bàn giao nhà ở. 

Theo chia sẻ từ những người mua nhà, trong suốt gần 1 năm qua, đã nhiều lần cư dân mua nhà tại đây đã phải xuống đường phản đối, yêu cầu chủ đầu tư tập trung thi công xây dựng để bàn giao nhà đúng hẹn. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, cư dân lại ra về trong tuyệt vọng.

Như thông tin TheLEADER đã đăng tải trước đó, dự án nhà ở xã hội Bright City có quy mô gồm bốn tòa nhà cao 35 tầng với tống số 1.496 căn hộ, một phần lớn căn hộ trong đó là nhà ở xã hội.

Dự án được khởi công từ 11/2014, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành việc xây dựng và bàn giao nhà vào tháng 12/2017. 

Tuy nhiên nhiều lần dự án đã bị chậm tiến độ với lý do thiếu vốn, hiện dự án đã dừng thi công từ nhiều tháng nay khiến hàng trăm khách hàng rất hoang mang, lo lắng.

Trước "lời kêu cứu" của cư dân mua nhà Bright City, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Hà Nội đã có thông báo đề xuất các phương án để có thể khởi động lại dự án và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, BIDV sẽ tiếp tục tài trợ vốn bằng cách điều chỉnh tăng giới hạn cho vay đối với dự án từ 423 tỷ đồng lên 640 tỷ đồng để chủ đầu tư có thể thi công tiếp, hoàn thiện bàn giao nhà cho khách hàng, 

Trong giai đoạn dự án chậm tiến độ, BIDV sẵn sàng cơ cấu nợ vay của chủ đầu tư và khách hàng mua nhà, giãn số tiền nợ gốc phải trả, chưa thu lãi vay để giảm áp lực tài chính cho khách hàng đến khi nhận được bàn giao nhà.

Bên cạnh đó, BIDV cũng cho biết, mặc dù ngân hàng không bảo lãnh tiến độ dự án, tuy nhiên ngân hàng sẽ tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các khó khăn, bổ sung nguồn vốn để cùng với vốn vay ngân hàng khởi động lại dự án, phân kỳ đầu tư hợp lý phù hợp với doanh thu và dòng tiền dự án. 

Trước mắt, BIDV yêu cầu chủ đầu tư AZ Land hoàn thiện ngay hai tòa A1.1 và A1.2 để có thể bàn giao cho người mua nhà. Đối với các tòa nhà còn lại, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục tích cực bổ sung thêm vốn tự có để hoàn thiện song song hoặc sau đó. 

BIDV cũng sẽ phối hợp với chủ đầu tư xây dựng gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng mới vay mua nhà với lãi suất 4,8%/năm trong vòng 3 năm, mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay thương mại thời điểm này khoảng 10%/năm, để hỗ trợ khách hàng mới mua nhà thu nhập thấp.

Tương lai vẫn mù mịt?

Câu trả lời của ngân hàng BIDV đặc biệt trong việc yêu cầu chủ đầu tư AZ Land sớm hoàn thiện hai tòa A1.1 và A1.2 để bàn giao cho người dân, những tưởng sẽ nguôi ngoai phần nào tâm lý đợi nhà của khách hàng mua nhà dự án Bright City, tuy nhiên, có vẻ vấn đề lại không đơn giản như vậy.

Chị Ái, một cư dân của dự án cho biết, hiện đang có khoảng hơn 100 hộ gia đình mua nhà ở xã hội tại toà A2. Trong khi đó, toà nhà ở xã hội A1.1 hiện chỉ còn hơn 40 căn chưa có chủ. Như vậy, nếu chủ đầu tư chỉ hoàn thiện hai toà A1.1 và A1.2, trong đó, toà A1.2 là nhà ở thương mại, chắc chắn sẽ có một số lượng không nhỏ người dân buộc phải chuyển từ nhà ở xã hội sang mua nhà ở thương mại. 

Khi đó giá nhà sẽ bị đội lên theo giá nhà thương mại, cư dân mua nhà vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn nhiều lần, chị Ái lo lắng.

Bên cạnh đó, điều khiến người mua nhà tại dự án Bright City lo ngại hơn là trước đó, chủ đầu tư và ngân hàng BIDV cũng đã từng thông báo với người dân về việc dừng triển khai toà A3, dồn các hợp đồng mua nhà ở xã hội sang toà A1.1 và A2 để tập trung nguồn lực hoàn thiện các toà nhà này. Tuy nhiên, sau khi người dân đồng ý thoả thuận chuyển căn hộ, dự án cũng chỉ xây dựng được một thời gian ngắn rồi dừng hẳn.

“Thông báo của ngân hàng cũng không nói rõ được cho cư dân biết tiến độ dự án như thế nào, bao giờ bắt đầu triển khai trở lại”, một cư dân khác cho hay.

Trước những băn khoăn của cư dân Bright City, trả lời TheLEADER, ông Vũ Tuấn Dũng, Phó giám đốc BIDV Tây Hà Nội cho biết, hiện ngân hàng đang làm việc với chủ đầu tư về tiến độ của dự án. 

Tuy nhiên, theo ông Dũng, vấn đề này có liên quan rất lớn đến việc dự án đang dừng giải ngân, muốn thi công dự án tiếp tục thì trước hết chủ đầu tư phải có vốn tự có. Khi chủ đầu tư có vốn, Ngân hàng BIDV sẽ tiến hành giải ngân song hành giữa vốn tự có của chủ đầu tư và vốn vay từ ngân hàng để triển khai dự án.

“Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thể trả lời về vấn đề tiến độ dự án Bright City cho khách hàng”, đại diện BIDV cho hay.

Trong khi đó, tại buổi họp với cư dân dự án Bright City mới đây, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, chủ đầu tư dự án cho biết, việc gói 30 nghìn tỷ đồng hết hạn giải ngân đang khiến doanh nghiệp này gặp khó khăn rất lớn về vốn, không có vốn để tiếp tục xây dựng dự án cũng như bàn giao căn hộ cho khách hàng. 

Do đó, ông Sơn thông báo đến người mua nhà về việc thanh lý hợp đồng mua nhà tại dự án Bright City.

Vai trò của Ngân hàng BIDV trong vụ lùm xùm tại dự án Bright City? 1
Khoảng 400 khách hàng mua nhà dự án Bright City đã tập trung tại trụ sở BIDV để kêu cứu.

Mặt khác, theo báo cáo phía nhà thầu vào ngày 22/1/2018, con số nợ tồn đọng của chủ đầu tư này tại dự án đã lên tới hơn 136 tỷ đồng. Việc Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long không có tiền thanh toán cho nhà thầu cũng chính là lý do khiến dự án dừng thi công.

Với tình hình tài chính của chủ đầu tư dự án Bright City như vậy, rõ ràng yêu cầu của BIDV buộc doanh nghiệp phải có vốn tự có thì mới tiếp tục triển khai dự án là rất khó khăn, nếu không muốn nói khó có thể được thực hiện.

Được biết, trước đó, chủ đầu tư dự án Bright City cũng đã vay ngân hàng một khoản tiền lớn để triển khai dự án và sẽ phải quyết toán với ngân hàng trong tháng 7 tới. 

Theo Phó giám đốc BIDV Tây Hà Nội, nếu chủ đầu tư không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ chuyển khoản nợ đó sang nợ xấu và yêu cầu bàn giao tài sản theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Sau đó, ngân hàng sẽ xử lý tài sản đó và thông báo lại cho người mua nhà.

Như vậy, có lẽ số phận dự án Bright City sẽ ra sao, Ngân hàng BIDV có trách nghiệm gì trong việc tiếp tục triển khai dự án này, các khách hàng của dự án sẽ phải đợi đến thàng 7 tới khi có những thông tin chính xác từ phía chủ đầu tư và ngân hàng.