Biến nông nghiệp thành cỗ máy kiếm tiền cho du lịch Việt Nam

Nguyễn Hữu Thọ* - 09:55, 22/05/2018

TheLEADERViệt Nam là đất nước nông nghiệp, 70% là nông dân, vì vậy, phát triển nông nghiệp, nông thôn, kết hợp với du lịch là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh nhất, tạo ra một cuộc sống tốt, chất lượng cao, văn hóa, văn minh, đời sống ổn định, bền vững và hạnh phúc.

Biến nông nghiệp thành cỗ máy kiếm tiền cho du lịch Việt Nam
Vừa du lịch vừa được tham gia làm nông nghiệp như một nông dân là một trải nghiệm rất thú vị đối với du khách nước ngoài.

Du lịch nông nghiệp bắt đầu từ châu Âu, mà đầu tiên là ở Ý khoảng 1960, hơn 40 năm qua du lịch nông nghiệp phát triển mạnh và ngày càng hoàn chỉnh ở châu Âu, nhất là Ý, Pháp… Ở châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, những năm gần đây phát triển mạnh ở Thái Lan, Malaysia và gần đây nhất là Việt Nam.

Con đường nhanh nhất để xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững

Chúng ta không biết đích xác du lịch nông nghiệp Việt Nam xuất hiện từ năm nào, nhưng đi theo khái niệm du lịch cộng đồng thì du lịch nông nghiệp Việt Nam phát triển trên mọi miền đất nước, từ Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp Việt Nam phát triển không đều và chất lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt với khách phương Tây thì đây là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái rất hấp dẫn đối với họ.

Du lịch nông nghiệp chính là “át chủ bài” của Việt Nam, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, chống khuynh hướng ly nông, giao lưu văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và giao lưu văn hóa với khu vực, quốc tế, thúc đẩy hội nhập văn hóa, kiến trúc, trau dồi ngoại ngữ cho nhà nông. 

Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp còn thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp làng nghề và thúc đẩy sản xuất trong các lĩnh vực khác.

Hiện nay, người ta đã biết năng lượng mặt trời giúp con người đề kháng với bệnh tật và tăng cường sức khỏe, tắm trong nước biển, trong hệ sinh thái cây xanh, vườn cây, ruộng lúa, trang trại xanh có giá trị rất hữu ích cho sức khỏe con người.(Green Travel).

Trọng tâm và khuynh hướng lâu dài cho khách du lịch trong và ngoài nước, đã qua rồi thời kỳ “cưỡi ngựa xem hoa”, xu hướng tương lai phải đạt được ba yêu cầu: Thứ nhất là khám phá (discovery), thứ hai là trải nghiệm (experience), thứ ba là tương tác với con người (engage).

Tạo ra kiến thức, sự sáng tạo và trí tuệ khôn ngoan cho con người qua thực tiễn từ đó giáo dục con người, đặc biệt là lớp trẻ biết tư duy độc lập và biết hành động để đem lại giá trị cho đời sống bản thân, gia đình và qua đó đóng góp cho cộng đồng xã hội

Du lịch nông nghiệp: 'Át chủ bài' của du lịch Việt Nam
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Việt Nam là đất nước nông nghiệp, 70% là nông dân, vì vậy, phát triển nông nghiệp, nông thôn, kết hợp với du lịch là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh nhất, tạo ra một cuộc sống tốt, chất lượng cao, văn hóa, văn minh, đời sống ổn định, bền vững và hạnh phúc.

Những giải pháp thiết thực nhất 

Trước hết, cần tập trung vào ba giải pháp cụ thể: Giữ môi trường xanh, sạch, an ninh và an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm; 

Về sản phẩm xanh: không sử dụng hóa chất trong trang trại xanh, khôi phục sản phẩm địa phương để xuất khẩu tại chỗ, văn hóa ẩm thực sử dụng sản phẩm địa phương, phục vụ du khách mua mang về, hàng lưu niệm...

Xây dựng shopping, chợ nông thôn kết hợp văn hóa, lịch sử bản địa.

Muốn vậy, phải xây dựng 5 loại trang trại sau đây: Trang trại thiên nhiên (natural farming); trang trại hữu cơ (oganic farming); trang trại hợp nhất (integrated farming); trang trại theo phát hiện, nghiên cứu, công thức mới (new theory farming) với công thức 30.30.30.10, tức là 30% dùng cung cấp nước, 30% trồng lúa( trồng lương thực), 30% cây trồng (crop area), 10% dành cho nơi ở và vật nuôi (living space and livstook); trang trại nông nghiệp kết hợp với rừng, vừa bảo vệ rừng vừa có sản phẩm xanh (trồng thêm rừng, không được phá rừng).

Thông qua hệ thống 5 loại trang trại vùng nông thôn này, nông dân sẽ có cuộc sống tốt và làm giàu qua việc đón khách homestay và farmstay.

Về quảng bá và xúc tiến du lịch, sản phẩm bản địa, cần lập Trung tâm du lịch xanh (Green travel center), làm bảng chỉ dẫn, thông tin cho du khách, tổ chức lễ hội địa phương như lễ hội sầu riêng, chôm chôm, hoa sen…chẳng hạn. 

Hình thành website cho du lịch nông thôn để quảng bá, đăng ký khách, thông báo giá cả, lịch lễ hội, mùa trái cây, mùa tôm, mùa cua, mùa cá…

Về đào tạo nguồn nhân lực, các địa phương cần kết hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các tỉnh, huyện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm trong khối ASEAN. 

Tập trung vào kinh nghiệm và mô hình Thái Lan rất thành công, có thể đi bằng xe, máy bay giá rẻ, cùng mục tiêu “5 nước một điểm đến”.

Về mặt cơ chế, chính sách, Nhà nước cần xây dựng chương trình phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với nông thôn, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo cho nông dân. 

Về hạ tầng, phải xây dựng đường xá, điện nước sạch cho nông thôn, hoàn chỉnh chính sách tín dụng, chính sách đất đai thu hút đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân, cho nông dân, chính sách thuế ưu đãi cho nông dân.

Quy hoạch du lịch nông nghiệp phải gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới, làng xã văn hóa mới. 

Có như vậy, “át chủ bài” này mới phát huy hết sức mạnh của mình, nếu Nhà nước và người dân quyết tâm cùng thực hiện, Việt Nam sẽ mau chóng vươn lên vị trí hàng đầu khu vực, ngang bằng với các nước ở châu Á. 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam