Bộ Công thương thúc các tỉnh báo cáo về năng lượng tái tạo

Nguyễn Cảnh - 19:34, 11/04/2023

TheLEADERĐể phục vụ báo cáo Thủ tướng, Bộ Công thương vừa yêu cầu một số địa phương rà soát, cung cấp đủ thông tin về các dự án năng lượng tái tạo trước 17/4.

Cụ thể, cuối năm 2022, theo đề nghị của Kiểm toán nhà nước trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị UBND các tỉnh báo cáo, cung cấp thông tin về các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện rác, sinh khối, thủy điện vừa và nhỏ) trên địa bàn.

Đến đầu tháng 4/2023, bộ này cho biết chưa nhận được đầy đủ thông tin liên quan. Cụ thể, với các tỉnh có dự án NLTT, bộ chưa nhận được báo cáo của TP.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Tỉnh Kon Tum đã gửi báo cáo nhưng thiếu phụ lục trên hệ thống văn bản điện tử.

Đồng thời, một số tỉnh đã gửi báo cáo nhưng chưa đầy đủ thông tin của các dự án theo đề nghị của Bộ Công thương.

Vì vậy, để có đủ cơ sở tổng hợp thông tin và báo cáo Thủ tướng theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh (cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng theo quy định) phối hợp, rà soát, cung cấp thông tin các dự án NLTT (thời gian từ 2015-2022) như: danh sách các dự án, loại hình, thời gian khởi công, ngày giao/cho thuê đất, mục đích sử dụng đất…

Đối với các tỉnh đã gửi báo cáo hoặc chưa gửi đầy đủ thông tin về các dự án trên địa bàn, Bộ đề nghị rà soát, đảm bảo cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin liên quan, bổ sung (nếu có) trường hợp dự án đã thi công, vận hành trước khi được giao đất theo quy định…

Thời hạn thực hiện công việc trên đối với các UBND tỉnh là trước 17/4/2023.

Ngày 8/3/2022, Kiểm toán Nhà nước ra văn bản 277/QĐ-KTNN quyết định triển khai kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo về lĩnh vực kiểm toán chuyên đề năm 2022, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm: 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng. Trong đó, sẽ kiểm toán đối với phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực; cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; nước sạch và vệ sinh nông thôn; phát triển đô thị và quản lý…

Nội dung kiểm toán là việc tham mưu, ban hành cơ chế, chinh sách; việc thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai và bảo vệ môi trường trong thực hiện dự án năng lượng tái tạo.