Bỏ quỹ bình ổn để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường?

Minh Anh - 16:50, 12/06/2022

TheLEADERBộ Tài chính đề xuất cần xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Bỏ quỹ bình ổn để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường?
Bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường

Bộ Tài chính vừa thông báo lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, bình ổn giá cần được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. 

Bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, tại dự án Luật Giá (sửa đổi) đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá bao gồm "trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật tình trạng khẩn cấp".

Trên cơ sở đó, để khắc phục hạn chế hiện nay, tại dự thảo Luật quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Cơ bản danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chi tiết sẽ được rà soát trên 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện nay để kế thừa, điều chỉnh phù hợp.

Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, có điều chỉnh theo nội dung chính sách bao gồm bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

Tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Theo đó, trong trường hợp áp dụng biện pháp định giá hàng hóa, dịch vụ để bình ổn giá thì trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án giá đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Ngân sách hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý, phù hợp với thẩm quyền.

Khi hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, các cơ quan sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: 

Bước 1, kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hoá tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp. 

Bước 2, lựa chọn, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định. Bước 3, tổ chức triển khai và kiểm tra thực hiện biện pháp bình ổn giá.

Dự thảo Luật cũng quy định và phân định rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương bình ổn giá của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thẩm quyền đề xuất chủ trương bình ổn giá của Bộ Tài chính, Sở Tài chính; thẩm quyền trong việc thực hiện kiểm tra, đề xuất biện pháp bình ổn giá và tổ chức thực hiện của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các Sở quản lý ngành, lĩnh vực. 

Các quy định nhằm tạo sự rành mạch trong trách nhiệm của các cấp khi tổ chức thực hiện bình ổn giá, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả biện pháp bình ổn giá như mục đích, nội dung chính sách đã đề ra.

Trước đó, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng bán lẻ đã liên tục tăng và thiết lập đỉnh mới. Ngày 13/6, Liên Bộ Công thương – Tài chính sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu. Tại kỳ điều chỉnh này, nhiều khả năng giá xăng lại tăng lần thứ 6 liên tiếp. Mức tăng có thể lên tới 700-800 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu được dự báo tăng cao hơn, có thể lên tới khoảng 3.000 đồng/lít.

Theo các chuyên gia kinh tế, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để chặn đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành quỹ bình ổn xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trước ý kiến đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá, nhiều chuyên gia cho rằng, việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết bởi quỹ này được xem như "hồ điều tiết", nhằm chống việc tăng sốc giá xăng dầu trong nước khi giá dầu thế giới liên tục leo thang, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.

Đầu năm 2022 giá tăng vọt, Chính phủ vẫn "xả" quỹ bình ổn để kềm giữ giá xăng dầu ở mức nhất định nên việc âm quỹ là tất yếu. Nhằm đề phòng giá xăng dầu tăng trở lại, thậm chí là tăng đột biến, việc trích quỹ là hợp lý, để làm cho quỹ được hồi phục, sử dụng khi cần thiết.

Ông Nguyễn Bích Lâm (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê) cho rằng, quỹ bình ổn là công cụ hữu hiệu của Chính phủ nhằm đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc, hài hòa được lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh. Thực tế diễn biến giá thời gian qua cho thấy quỹ bình ổn đã phát huy giá trị, giúp Nhà nước điều tiết giá không tăng quá mạnh như giá thế giới.

Việc chi sử dụng quỹ liên tục khiến quỹ âm nên không thể tránh khỏi việc khi giá giảm phải trích vào để bù đắp, tạo nguồn cần thiết để khi tăng giá, chúng ta có quỹ để can thiệp hạn chế đà tăng. Nhiều dự báo rằng giá xăng có thể tăng cao hơn, nên cần điều hành quỹ sao cho linh hoạt với liều lượng phù hợp ở từng kỳ điều hành.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, dự báo rằng giá xăng có thể tăng cao hơn, việc chi sử dụng quỹ liên tục khiến quỹ âm nên không thể tránh khỏi việc khi giá giảm phải trích vào để bù đắp, tạo nguồn cần thiết để khi tăng giá.

Do đó, quỹ chỉ có tác dụng ở những thời điểm nhất định, giúp Nhà nước điều tiết giá và "chống sốc" tăng giá cho người dân chứ không thể là công cụ làm thay mãi được.

Về lâu dài, khi có thị trường xăng dầu cạnh tranh, giá xăng dầu trong nước theo giá thị trường, có thể bỏ quỹ này đi và thay bằng công cụ khác như kho dự trữ lớn, khi cần điều tiết giá có thể can thiệp bằng kho dự trữ xăng dầu, sử dụng sắc thuế phù hợp để giảm giá.

Ngoài ra, việc dự báo tốt và nâng cao năng lực dự trữ năng lượng cung ứng xăng dầu cũng sẽ là giải pháp hỗ trợ cho giá xăng dầu ổn định.