Bộ Tài chính thành lập Tổ nghiên cứu về tiền ảo, tài sản ảo

Việt Hưng - 16:11, 02/03/2021

TheLEADERTheo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo.

Bộ Tài chính thành lập Tổ nghiên cứu về tiền ảo, tài sản ảo
Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp

Trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tiền ảo, tài sản ảo. Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.

Thực tế, thời gian qua, tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Đơn cử như gần đây, công an TP. Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo về một chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Trong đó, một trong các thủ đoạn của các đối tượng là hướng dẫn người dân truy cập vào các kho ứng dụng App Store và CH Play để tải về các phần mềm của các sàn chứng khoán trên điện thoại do chính công ty chứng khoán phát hành để đầu tư.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xẩy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn (như Sàn giao dịch Rforex (tại trang web www.rforex.com) tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội; Sàn giao dịch Emrfx (www.emrfx.com) tại tỉnh Nghệ An...).

Bộ này khẳng định, hiện chỉ có Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Trước những diễn biến phức tạp, rủi ro và hệ lụy khó lường và tiêu cực của tiền ảo đối với thị trường Việt Nam, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước,… phòng ngừa, kiểm soát các giao dịch, hoạt động tiền ảo, giảm thiểu tối đa những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo đến người dân và xã hội.

Ngày 13/4/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó NHNN đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.