Bước ngoặt tái cơ cấu Bamboo Airways

Trần Anh - 08:33, 08/11/2023

TheLEADERSau khi Bamboo Airways dừng khai thác nhiều đường bay quốc tế, hai chiếc Boeing 787-9 của Bamboo Airways có chuyến bay gần nhất vào ngày 4/11, còn một tàu khác trở về với công ty cho thuê tàu bay AerCap.

Hôm 23/10, Bamboo Airways bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam làm tổng giám đốc mới. Ông Nam có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý, điều hành cấp cao tại Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Hải Âu Aviation.

Sau đó, Bamboo Airways tiếp tục bổ nhiệm tân phó tổng giám đốc, ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải. Ông Hải cũng là chuyên gia trong lĩnh vực vận hành hàng không ở Việt Nam với 30 năm kinh nghiệm tại Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines.

Việc chọn ông Nam, ông Hải lên ngồi “ghế nóng” là bước tiếp theo trong tiến trình tái cấu trúc toàn diện của Bamboo Airways sau những thay đổi về cơ cấu cổ đông, đồng thời ngành hàng không phải chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19.

Trước đó, Bamboo Airways đã liên tục thay đổi lãnh đạo trong HĐQT và vị trí tổng giám đốc. Hãng từng kỳ vọng vào các lãnh đạo người Nhật, có kinh nghiệm tái cơ cấu hãng hàng không nhưng không có kết quả. Thậm chí một CEO là ông Nguyễn Minh Hải chỉ ngồi ghế nóng trong vòng 2 tháng trước khi chuyển sang hay bay khác.

Thay đổi không chỉ diễn ra ở mặt quản trị, nhân sự cấp cao, các động thái gần đây cho thấy Bamboo Airways đang quyết liệt hơn trong việc cắt giảm quy mô hoạt động với hy vọng sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Đây có thể coi là bước ngoặt trong quá trình tái cơ cấu của Bamboo Airways và đương nhiên các khách hàng, đối tác của hãng bay này ít nhiều chịu ảnh hưởng, dù hãng liên tục trấn an sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho các bên liên quan.

Từ giữa tháng 8, thời gian cao điểm của vận tải hàng không, các đại lý bán vé lại rất “đau đầu” với các chuyến bay của Bamboo Airways. Nguyên nhân do lịch bay bị xáo trộn liên tục. 

Trên các hội nhóm bán vé máy bay, nhiều đại lý cho biết Bamboo Airways đột ngột hủy nhiều chuyến bay. Hãng bay cũng chủ động hoàn trả tiền vé cho đại lý và khách hàng thay vì tìm chuyến bay thay thế - động thái rất lạ của các hãng hàng không.

Không chỉ thay đổi lịch bay, thời gian qua, hãng hàng không đã liên tục giảm tần suất bay. Trong thư gửi đại lý, lãnh đạo của Bamboo Airways, cho biết việc điều chỉnh lịch bay, tần suất bay “là một phần trong tiến trình tái cơ cấu tổng thể Bamboo Airways đã và đang thực hiện”.

Những đường bay không hiệu quả thậm chí còn bị Bamboo Airways loại bỏ. Gần đây, hãng hàng không thông báo tạm dừng khai thác một loạt đường bay quốc tế và tập trung vào các đường bay nội địa có nhu cầu lớn.

Cụ thể 2 tuần trước hãng thông báo tạm dừng khai thác hàng loạt các đường bay quốc tế như Hà Nội - London/Incheon/Bangkok/Narita hay TP.HCM - Sydney/Melbourne/ Frankfurt/Singapore/Bangkok.

Bay quốc tế từng là tham vọng trong chiến lược kinh doanh của Bamboo Airways. Năm 2021, hãng từng tạo điểm nhấn khi thực hiện chuyến bay thẳng không dừng đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ, kéo dài hơn 13 tiếng. Tuy nhiên, với việc thông báo dừng hàng loạt đường bay quốc tế, chiến lược này đã không còn chỗ đứng trong giai đoạn tái cơ cấu. 

Cùng với việc cắt giảm các chặng bay dài, đội bay Boeing 787 của Bamboo Airways chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Hai chiếc Boeing 787-9 của Bamboo Airways có chuyến bay gần nhất vào ngày 4/11. Một tàu khác đã dừng khai thác và trở về với công ty cho thuê tàu bay AerCap.

Đại diện Bamboo Airways cho biết sau một thời gian tái cơ cấu lại mạng lưới bay, với tần suất khai thác mạng bay mới, hãng đánh giá sẽ không hợp lý khi để dư thừa nguồn lực máy bay, làm tăng chi phí thuê tàu.

Vì vậy, Bamboo Airways có khả năng sẽ tập trung vào khai thác các máy bay thân hẹp gồm khoảng 20 chiếc Airbus các loại và 5 chiếc Embraer E190.

Đây cũng là vấn đề của Bamboo Airways khi sử dụng nhiều máy bay của nhiều hãng khác nhau, kéo theo đó làm gia tăng chi phí vận hành, bảo dưỡng.

Hiện tại, các hãng hàng không trong nước như Vietjet Air, Pacific Airlines, Vietravel Airlines chỉ khai thác tàu bay của Airbus. Chỉ có Vietnam Airlines khai thác cả tàu bay của Airbus và Boeing.

Về dự phòng trang thiết bị thay thay thế, nếu chỉ vận hành một loại máy bay, Bamboo Airways chỉ cần lập dự trù một chủng loại hàng hóa cho mỗi bộ phận, giúp giảm tổng số lượng vật tư cần dự trữ. Việc mua số lượng lớn cũng sẽ hạ giá bán. Những lợi thế này sẽ không thể tận dụng khi Bamboo Airways khai thác một đội tàu đa dạng như hiện nay.

Bamboo Airways chưa thông tin cụ thể số lượng hoặc loại tàu bay sẽ bị cắt giảm. Đại diện hãng nói rằng vẫn đang có một số phương án như có thể gia tăng sự thống nhất về chủng loại của đội bay, cùng với đó là tạm dừng khai thác thêm một số thị trường liên quan.

Ngoài ra, Bamboo Airways cũng có thể điều chỉnh theo hướng giảm quy mô đội bay dần theo từng giai đoạn để thích nghi và theo dõi diễn biến thị trường.

“Quá trình tái cấu trúc đã và đang diễn ra với đường hướng rõ ràng và đúng đắn. Tôi đánh giá đây là dự án tái cấu trúc toàn diện nhất, chiến lược nhất, sâu rộng nhất trong lịch sử hàng không Việt Nam”, tân CEO Lương Hoài Nam chia sẻ trong lễ nhậm chức.

Lãnh đạo mới của Bamboo Airways nhấn mạnh, việc tái cấu trúc chỉ tạm thu hẹp hoạt động của Bamboo Airways trong ngắn hạn, đưa doanh nghiệp về đúng quỹ đạo phát triển và sẽ tăng trưởng trở lại vào thời điểm thích hợp.

“Trước hết, đặt mục tiêu đưa quy mô đội tàu bay về lại 30 tàu bay, hướng tới nâng lên 50 tàu và nhiều hơn”, ông Nam cho biết.