Các 'cá mập' làm gì trong đại dịch?

Việt Hưng - 09:55, 18/02/2021

TheLEADERCác "cá mập" trong nước là những nhà đầu tư năng nổ nhất trong các cuộc 'đi săn' khi liên tiếp rót vốn vào các startup trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Dù đại dịch Covid-19 vẫn đang trong giai đoạn diễn biến căng thẳng, nhưng niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo khảo sát gần đây của Do Ventures, các quỹ đầu tư vẫn đang hướng sự ưu tiên của mình vào Việt Nam trong 12 tháng tới.

Việt Nam hiện được đánh giá cao bởi sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và số người sử dụng Internet. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hành vi của người dùng Việt Nam đang thay đổi khi dần hướng nhiều hơn tới môi trường online cùng với đó là việc ngày càng phổ biến của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong năm 2019, Việt Nam đã đón 109 nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. 6 tháng đầu năm 2020, chỉ có một số lượng hạn chế nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Thay vào đó, các khoản đầu tư chủ yếu tới từ các công ty trong nước và những nhà đầu tư nước ngoài đã từng có thời gian làm việc tại Việt Nam.

Đơn cử như dàn Shark Tank Việt Nam năm vừa qua đã không ngần ngại 'rút hầu bao' để đầu tư cho hàng loạt startup trong nước. Năng nổ nhất trong các cuộc 'đi săn' cần nhắc tới Shark Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech, khi ông liên tiếp rót vốn vào các startup công nghệ, trải rộng các lĩnh vực như: tự động bán hàng, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo...

NextTech và Quỹ Next100 của Shark Bình đã đầu tư 500.000 USD vào Công ty CP Công nghệ Chatbot Việt Nam với sản phẩm "Bot Bán Hàng"  - Nền tảng Chatbot cho nhà quảng cáo và bán hàng tại Việt Nam, hỗ trợ các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu thời gian kinh doanh và vận hành thông minh, hiệu quả trên Facebook, đặc biệt là trong đoạn đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến sự "sinh tồn" doanh nghiệp.

Các 'cá mập' làm gì trong đại dịch?
Shark Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech

Không lâu sau đó, Shark Bình tiếp tục đầu tư gần 10 tỷ đồng vào nền tảng tuyển dụng nhân sự TopCV. Từ nguồn vốn này, TopCV nhanh chóng ra mắt cổng tuyển dụng nhân sự làm việc từ xa nhằm giúp người lao động toàn quốc tìm thêm các cơ hội gia tăng thu nhập từ các công việc từ xa không phải đến văn phòng; doanh nghiệp có thể lựa chọn được nhân sự chất lượng với chi phí hợp lý nhằm thúc đẩy lại hoạt động kinh doanh trong và sau mùa dịch.

Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, NextTech và Quỹ Next100 công bố khoản đầu tư trị giá 500.000 USD vào Computer Vision Vietnam – CVS eKYC, startup trẻ chuyên cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính dành cho các công ty fintech, tối ưu hóa tiện ích cho đối tác trong quá trình định danh, nhận diện khách hàng (eKYC), từ đó thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tài chính – ngân hàng. Sự kiện này diễn ra đúng thời điểm Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp - Next100 kỷ niệm một năm thành lập.

Cùng thời điểm, NextPay - đơn vị trực thuộc NextTech cũng chính thức công bố đầu tư 11 tỷ đồng vào CNV LOYALTY với sản phẩm nền tảng tạo ứng dụng chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp - Loyalty App, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí và vận hành hiệu quả hơn. CNV Loyalty là đơn vị đầu tiên xây dựng nền tảng tạo ứng dụng chăm sóc khách hàng, cung cấp giải pháp về chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp.

Cho tới những ngày cuối năm 2020, NextTech của Shark Bình tiếp tục ra mắt Học viện Live Stream NextOn.vn với mục tiêu đào tạo hàng trăm ngàn người bán hàng online thế hệ mới sử dụng công nghệ truyền hình trực tiếp (Live Stream) trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

NextTech cũng chính là ông lớn đứng sau CucCu.vn - nền tảng công nghệ, đi đầu trong lĩnh vực xây dựng hệ thống bán hàng cộng tác viên chính thức được ra mắt với sứ mệnh cung cấp giải pháp kinh doanh online dễ dàng, tạo tiền đề tốt nhất giúp các cá nhân đam mê bán hàng nhưng vốn mỏng có cơ hội khởi nghiệp với số vốn 0 đồng.

Các 'cá mập' làm gì trong đại dịch? 1
Shark Liên - vị nữ 'cá mập' hiếm hoi của Shark Tank Việt Nam

Shark Liên - vị nữ 'cá mập' hiếm hoi của Shark Tank Việt Nam cũng mạnh tay không kém khi đầu tư vào 5 startup trong năm qua. Cụ thể, Shark Liên rót 2 triệu USD vào Công ty CP Đầu tư và phát triển Edu Pro Max - một startup giáo dục có sự tham gia của ông Lê Hoàng Nam, một tiến sĩ tốt nghiệp tại CHLB Đức trở về Việt Nam để khởi nghiệp.

Bà Liên cũng rót vốn vào Công ty CP Thương mại dịch vụ và sản xuất ECO LIFE với khoản đầu tư 20 tỷ đồng cho việc xây dựng nhà xưởng, vùng nguyên liệu, xuất nhập khẩu và phát triển thị trường cho ống hút cỏ và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Công ty TNHH Sen Vàng Vĩnh Phúc nhận được số tiền đầu tư 5 tỷ đồng cho việc thuê đất trồng sen, phát triển dự án nông sản chất lượng cao. Khoản đầu tư cho doanh nghiệp này có thể được nâng lên 150 tỷ đồng nếu mở rộng đầu tư, bao gồm kế hoạch mua đất canh tác và phát triển vùng nguyên liệu và khu du lịch sinh thái.

Trong khi đó, 2 dự án khác là Shecodes - dự án khuyến khích nữ giới tham gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin và xoá bỏ khoảng cách giới tính trong lĩnh vực này và Công Ty TNHH Shark Uma - doanh nghiệp sản xuất tranh bằng dây đồng, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật được Shark Liên hỗ trợ và đồng hành trong đào tạo kỹ năng, định hướng phát triển doanh nghiệp và thị trường.

Các 'cá mập' làm gì trong đại dịch? 2
Shark Dzung có một năm thăng hoa khi rời quỹ CyberAgent để thành lập quỹ Do Ventures

Cũng trong dàn Shark Tank Việt Nam, Shark Việt đã đầu tư vào DalatFoodie - nuôi trồng, sản xuất thực phẩm hữu cơ, nâng cao nhận thức về sức khỏe, môi trường. 

CenGroup với Shark Hưng làm đại diện đầu tư 1 triệu USD vào nền tảng công nghệ trung gian kết nối giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản Revex.

Nhà đầu tư 'cá mập' còn lại của Shark Tank Việt Nam là Shark Dzung cũng có một năm thăng hoa khi quyết định rời quỹ đầu tư CyberAgent để cùng bà Lê Hoàng Uyên Vy (rời khỏi ESP Capital) thành lập quỹ Do Ventures với tổng vốn giai đoạn đầu là 50 triệu USD.

Do Ventures sẽ dẫn dắt vòng gọi vốn hạt giống (Seed round) với mức đầu tư trung bình 500.000 USD vào mỗi startup. Sau đó, định hướng Do Ventures sẽ tiếp tục tham gia đầu tư vào vòng gọi vốn Series A và Series B với các startup có tăng trưởng tốt.

Startup đầu tiên nhận vốn từ Shark Dzung, cũng như Do Ventures là nền tảng bán trái cây trực tuyến F99 với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Điểm đặc biệt tạo ra thế mạnh của F99 là khả năng kết nối trực tiếp với các hộ nông dân, tổ chức lại chuỗi cung ứng hiệu quả từ nhà cung cấp đến người dùng để mang sản phẩm tới người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất với mức giá cả hợp lý.