Các địa phương thực hiện 'thích ứng an toàn': mỗi nơi mỗi kiểu

Nhật Hạ - 20:02, 18/10/2021

TheLEADERMặc dù Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế đã có quy định về giấy xét nghiệm, cách ly y tế đối với người di chuyển liên tỉnh nhưng đến nay vẫn không có sự thống nhất giữa các địa phương, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết và gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Các địa phương thực hiện 'thích ứng an toàn': mỗi nơi mỗi kiểu
Các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân.

Để thực hiện thống nhất Nghị quyết 128 về quy định tạm thời ‘thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19’ trên toàn quốc, ngày 12/10, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn nêu rõ, các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, các địa phương chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Về cách ly y tế, người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1) sẽ thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Các địa phương có thể bổ sung biện pháp, nhưng không trái với quy định của Trung ương; không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của người dân, theo Bộ Y tế.

Tuy nhiên, sau 1 tuần ban hành hướng dẫn, hiện các địa phương thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ vẫn có sự khác nhau trong quy định về giấy xét nghiệm Covid-19, cách ly y tế đối với người từ tỉnh thành khác đến, gây không ít khó khăn cho đi lại của người dân và vận hành của doanh nghiệp.

Hướng dẫn của Bộ Y tế thì dễ hiểu, địa phương áp dụng lại thành 'phức tạp'

Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố đã bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với người đến từ vùng vàng và vùng cam như Hải Phòng, Hải Hương, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng tàu, Yên Bái, Thái Bình, Nam Định, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… Tuy nhiên, đối tượng không phải kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 và cách ly y tế lại được quy định khác nhau ở các địa phương.

Tại Hải Dương, từ ngày 16/10, người đến/về từ các tỉnh, thành phố, khu vực có dịch ở cấp độ 3 (màu cam), cấp độ 2 (màu vàng), cấp độ 1 (màu xanh) khi vào tỉnh không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2; không áp dụng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào tỉnh (trừ trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mất khứu giác...).

Người đến/về từ các tỉnh, thành phố, khu vực có dịch ở cấp độ 4 (màu đỏ) hoặc vùng phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3 (vùng cam) khi vào tỉnh phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm và thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Tương tự Hải Dương, kể từ 0 giờ ngày 16/10, người vào tỉnh Nam Định không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng phải tiến hành khai báo y tế với chính quyền địa phương nơi đi và về.

Người đến, về từ vùng cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ) hoặc khu vực phong tỏa nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần. Những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày, xét nghiệm 3 lần.

Người đến, về từ vùng cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam) và vùng cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng) nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần. Những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm 3 lần.

Người đến, về từ vùng cấp độ 1 (nguy cơ thấp, màu xanh), tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Trong khi chờ các tỉnh xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, TP. Hải Phòng đã quyết định không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với người vào thành phố và lập tạm thời bảng màu theo 4 cấp độ, nguy cơ dịch với 63 tỉnh, thành để kiểm soát người vào thành phố.

Bảng màu của TP. Hải Phòng công bố tối ngày 15/19 chia theo 4 cấp độ, nguy cơ dịch gồm: màu đỏ (cấp độ 4 - nguy cơ rất cao); màu cam (cấp độ 3 - nguy cơ cao); màu vàng (cấp độ 2 - nguy cơ trung bình) và màu xanh (cấp độ 1 - bình thường mới).

Hành khách về từ các địa phương trên các chuyến bay thương mại nội địa đến cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đi đường sắt về ga Hải Phòng và hành khách về từ các địa phương bằng xe ôtô các tuyến cố định liên tỉnh thuộc phân vùng màu đỏ, cam và vàng sẽ phải cách ly tại nhà 7 ngày. Vùng màu xanh chỉ cần tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Đối với công dân đi xe cá nhân từ các địa phương khác về Hải Phòng nếu từ phân vùng màu đỏ và màu cam sẽ phải cách ly tập trung hoặc tại nhà, và lấy mẫu xét nghiệm từ 1-2 lần tùy theo việc đã khỏi bệnh, tiêm đủ liều vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều.

Người đến từ phân vùng màu vàng sẽ phải cách ly tại nhà từ 7-14 ngày tùy theo việc đã khỏi bệnh, hoặc tiêm đủ 2 liều vaccine. Người chưa tiêm vaccine sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7 khi cách ly tại nhà.

Người đến từ phân vùng màu xanh không phải lấy mẫu xét nghiệm, chỉ cần tự theo dõi sức khỏe. Người khỏi bệnh Covid-19 chưa qua 6 tháng thì cách ly tại nhà 7 ngày.

Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Bình Dương, đối với những người từ địa phương khác đến, mặc dù không yêu cầu giấy xét nghiệm, nhưng các trường hợp F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, các đối tượng đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc tiêm 1 mũi vaccine ít nhất 14 ngày phải thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày.

Sau khi có kết quả PCR ngày thứ 3, thứ 6 âm tính, sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 7 ngày. Nếu không có dấu hiệu bất thường được ra đường, tham gia lao động sản xuất... nhưng vẫn thực hiện nghiêm 5K.

Các trường hợp khác phải cách ly y tế tập trung 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngày có quyết định cách ly y tế tập trung, ngày xác định tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19. Sau khi có kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 7, thứ 13 âm tính, sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 7 ngày.

Các địa phương áp dụng 'thích ứng an toàn': mỗi nơi mỗi kiểu 1
Đối tượng không phải kiểm tra giấy xét nghiệm và cách ly y tế lại được quy định khác nhau ở các địa phương.

Từ ngày 16/10, hầu hết các trường hợp về Thái Bình đều không cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, trừ vùng đỏ, cam và nơi đang phong toả. Cụ thể, tất cả người đến, về tỉnh phải có giấy tờ tùy thân, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, quét mã QR tại các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các cửa ngõ của tỉnh.

Thái Bình không tiếp nhận người đến/về tỉnh từ vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam) và cấp độ 4 (vùng đỏ) cùng các vùng đang phong toả.

Các trường hợp đặc biệt (thực hiện công vụ, vận chuyển hàng hóa, hoàn thành cách ly tập trung, đi khám chữa bệnh...) từ vùng dịch cấp độ 3 vùng cam, vùng đỏ và các vùng phong tỏa khi vào tỉnh, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định chung, phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm, xuất trình các giấy tờ liên quan chứng minh phù hợp với lý do vào tỉnh.

Riêng đối với người về từ các địa phương có số mắc Covid-19 cao (như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An...) khi về Thái Bình sẽ phải cách ly y tế tập trung, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đối chiếu với tiêu chí phân loại theo Nghị định 128, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định sẽ mở nhiều hoạt động, dịch vụ tương ứng với cấp độ dịch 2 từ ngày 16/10 như hoạt động hội họp, tập huấn, hội thảo không quá 40 người; nếu có từ 95% số người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng thì tập trung không quá 120 người; quán ăn; tạp chiếu phim…

Bên cạnh đó, công an thành phố tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại cửa ngõ ra/vào thành phố.

Tuy nhiên, đến nay, việc có xét nghiệm hay không đối với các xe đi vào thành phố vẫn đang được xem xét. Tại cuộc họp ngày 15/10, Phó chủ tịch Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết UBND thành phố đã giao ngành y tế phối hợp với các ngành chức năng liên quan xây dựng, tham mưu một kế hoạch tổng thể đầy đủ, chi tiết về biện pháp thích ứng phòng, chống dịch đối với từng cấp độ trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 12/10, UBND TP. Đà Nẵng có công văn hướng dẫn mới về việc áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19 với người từ các địa phương khác đến Đà Nẵng.

Trong đó, những người đi từ tỉnh Quảng Nam vào TP. Đà Nẵng không cần có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72h. Tuy nhiên, người từ tỉnh Quảng Nam qua chốt kiểm soát vào TP. Đà Nẵng phải có giấy tờ tùy thân chứng minh là công dân TP. Đà Nẵ.g, tỉnh Quảng Nam và cam kết 14 ngày qua không đi đến các địa phương khác ngoài Đà Nẵng và Quảng Nam; thực hiện đi và về trên một tuyến đường cố định…

Đối với người dân các tỉnh, thành phố khác ngoài tỉnh Quảng Nam đến Đà Nẵng, thành phố vẫn yêu cầu thực hiện khai báo trực tuyến và có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.

Với người chưa tiêm, hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine, hoặc tiêm đủ liều vaccine nhưng ngày tiêm liều cuối cùng chưa đủ ít nhất 14 ngày thì cách ly tại nhà đủ 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Kinh phí xét nghiệm do người dân chi trả, trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo, chính sách thì được xem xét hỗ trợ.

Đối với người dân đến TP. Đà Nẵng từ địa phương khu vực không có dịch Covid-19 phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR, hoặc test nhanh.

Một số tỉnh, thành vẫn yêu cầu giấy xét nghiệm

Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố hiện vẫn giữ quy định yêu cầu kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính tại các cửa ngõ ra vào đối với cả những người đến từ vùng xanh và vùng cam như Khánh Hòa, Hà Nội…

Theo kế hoạch thích ứng an toàn ban hành ngày 15/10, UBND Khách Hòa quyết định tiếp tục giữ quy định tại văn bản hướng dẫn tạm thời đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ, đường sắt liên tỉnh trước đó (ban hành chiều ngày 12/10). Theo đó, tất cả người di chuyển liên tỉnh đều phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính bằng phương pháp RT-PCT hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ.

Còn Hà Nội, theo công điện ngày 13/10, thành phố sẽ thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế đối với việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế người đến từ vùng dịch, từ các địa phương khác; người nhập cảnh (bao gồm trẻ em chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin); người hoàn thành cách ly tập trung được di chuyển thuận lợi về nơi cư trú/lưu trú, làm việc để phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất theo quy định.

Cập nhật các thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Căn cứ tình hình dịch trên địa bàn, tham mưu UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch Covid-19 công bố mức độ dịch và các biện pháp áp dụng tương ứng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của người dân, khi qua các chốt kiểm soát để vào TP. Hà Nội, lực lượng chức năng vẫn yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19.

Trước tình hình trên, tại cuộc họp với các địa phương ngày 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định sau 1 tuần thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.