Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Nhật Hạ - 13:24, 15/08/2021

TheLEADERBộ Tài chính đề xuất nhiều cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách... nhằm giúp Đà Nẵng có thêm nguồn lực để phát triển.

Để TP. Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố.

Tuy nhiên, trong 20 năm xây dựng và phát triển đã qua, trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.

Cùng với đó, các thách thức về công tác quản lý như: quy hoạch đô thị và đất đai; nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế; sự liên kết hợp tác chưa hiệu quả của thành phố với các địa phương trong vùng,… đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố.

Thực tế đặt ra việc cần thiết phải ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy Đà Nẵng phát triển.

Do đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng.

Một trong những điểm mới quan trọng của dự thảo nghị định là đề xuất nâng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, thay vì mức 40% như hiện nay.

Mục tiêu của đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho thành phố có thêm nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do nguồn cân đối từ ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu, không phải trả lãi khi được vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố; huy động vốn đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách.

Do vậy, dự thảo đã đưa ra giải pháp rằng: thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố, các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đề xuất nâng mức dự nợ vay tối đa của Đà Nẵng lên 60%
Thực tế đặt ra việc cần thiết phải ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy Đà Nẵng phát triển.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi quy định về “phân cấp quy hoạch đô thị” như sau: Căn cứ quy hoạch chung, chương trình phát triển đô thị được duyệt, UBND thành phố quyết định khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

UBND thành phố được quyết định chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt tại những khu vực đã được đầu tư hạ tầng, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng.

Theo Bộ Tài chính, đề xuất này nhằm đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý về địa phương; tiết kiệm thời gian, số lượng cuộc họp, chi phí đi lại và rút ngắn quy trình lập khu vực phát triển đô thị; nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư xây dựng, góp phần phát triển TP. Đà Nẵng.

Về đầu tư cụm công nghiệp, HĐND thành phố được quyết định đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố trong trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định hiện hành và giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp sau đầu tư.

Sự thay đổi này sẽ tạo cơ chế để thành phố thực hiện đầu tư cụm công nghiệp từ nguồn đầu tư công nhằm tạo quỹ đất để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường là hết sức bức thiết hiện nay.

Cùng với đó, UBND thành phố được phê duyệt đối với các thay đổi nhỏ, thường xuyên về tên gọi, vị trí, diện tích (từ 5ha trở xuống), ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nội dung khác về cụm công nghiệp không làm thay đổi mục tiêu, bản chất, tăng diện tích sử dụng đất của phương án phát triển cụm công nghiệp trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt hoặc quỹ đất dành cho phát triển các cụm công nghiệp đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

Thay vì mức điều chỉnh 10% diện tích khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nhưng không quá 30ha so với diện tích quy hoạch đã được phê duyệt ban đầu như quy định tại Nghị định số 144.

Nhằm tăng cường năng lực chuyên môn trong công tác thẩm định, cấp phép của sở quản lý chuyên ngành xây dựng thành phố, dự thảo đã đưa ra chính sách về phân cấp quản lý đầu tư xây dựng.

Về thủ tục hành chính, đề xuất trên sẽ tác động: thêm loại công trình, số lượng công trình chỉ thực hiện thủ tục hành chính tại TP. Đà Nẵng (trừ một số trường hợp đặc biệt). 

Việc phân cấp thêm cho TP. Đà Nẵng giúp cho thủ tục hành chính áp dụng đối với một số công trình được phân cấp rút ngắn về thủ tục, thời gian, qua đó giúp chủ đầu tư sớm triển khai dự án, giảm bớt chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.